Cách tân gỗ mỹ nghệ

PHAN VINH 22/06/2020 12:49

Có thời gian công tác gắn với núi rừng Quảng Nam, anh Lê Hồng Thái (SN 1986, quê ở tỉnh Hà Tĩnh) đã yêu mến những gốc gỗ mục với nhiều hình thù khác lạ. Vậy là anh quyết tâm ở lại đất Quảng, khởi nghiệp bằng việc cách tân gỗ mỹ nghệ, gỗ bám thạch.

Bộ bàn gỗ bám thạch có giá 300 triệu đồng được anh Thái sưu tầm trong 8 năm.
Bộ bàn gỗ bám thạch có giá 300 triệu đồng được anh Thái sưu tầm trong 8 năm.

Có duyên với Quảng Nam

Tốt nghiệp khoa xây dựng, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, năm 2010, anh Thái làm việc cho một công ty xây dựng chuyên phụ trách các công trình cầu đường ở khu vực miền núi và biên giới Quảng Nam. Ở tỉnh khác tới, lại suốt ngày quanh quẩn với công trình giữa rừng núi nhưng anh cho biết mình không cảm thấy buồn chán vì tìm được niềm đam mê với các gốc gỗ mục.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng hoặc giúp người dân khai hoang nương rẫy, anh Thái phát hiện những gốc cây lâu năm, đã mục với nhiều hình dáng khác nhau. Lúc bấy giờ, thú chơi gỗ lõi gốc cây chưa thịnh hành như hiện nay nhưng anh đã có ý tưởng mang những gốc cây này về, chế tác ra những bộ bàn ghế hoặc các vật dụng trang trí độc đáo.

Và rồi, cứ hễ thấy gốc cây mục nào là anh mua, thuê xe vận chuyển về TP.Đà Nẵng. Năm 2012, vừa công tác miền núi, anh mở thêm cơ sở gỗ Đông Trường Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), chuyên chế tác các gốc gỗ mục và gỗ mỹ nghệ trang trí. Những sản phẩm “độc nhất vô nhị” của anh nhanh chóng được thị trường đón nhận, đặc biệt là các đại gia muốn sưu tầm hàng độc.

Đến năm 2018, sau khi đã có “tiếng” trong giới gỗ mỹ nghệ, anh Thái nghỉ hẳn công việc ở công ty xây dựng và vào phường An Xuân (TP.Tam Kỳ), thành lập Công ty TNHH Nội thất Hồng Phúc. Tại đây, anh bắt đầu chuyên tâm hơn cho việc chế tác các sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Có những bộ bàn từ gốc cây, sau khi gọt dũa, sơn trít lại được anh bán cho các resoft, khách sạn, nhà hàng… với giá hàng trăm triệu đồng.

“Dù lúc rời Đà Nẵng, mình đã có chút thương hiệu nhưng Quảng Nam mới là cái nôi cho những người đam mê gỗ mỹ nghệ. Ở đây có làng mộc Kim Bồng nổi tiếng hàng trăm năm hay làng nghề đục chạm gỗ mỹ nghệ Điện Phương. Muốn thành công hơn, phát triển hơn trong nghề này thì phải dựa vào thương hiệu của xứ Quảng. Đó là lý do vì sao mình rời Đà Nẵng vào Quảng Nam khởi nghiệp” - anh Thái nói.

Gỗ bám thạch là những gốc gỗ mục, lâu năm ở những đỉnh núi cao. Ảnh: PHAN VINH
Gỗ bám thạch là những gốc gỗ mục, lâu năm ở những đỉnh núi cao. Ảnh: PHAN VINH

Chuyên gỗ bám thạch

Trong tất cả sản phẩm gỗ mỹ nghệ của anh Thái, sản phẩm độc đáo và có giá trị cao nhất phải kể tới gỗ bám thạch. Đó là những cây cổ thụ, có tuổi hàng trăm năm, mọc ở những vùng núi khô cằn, rễ phải ăn sâu, khoét vào những tảng đá lớn để tìm nguồn sống, đến khi chết, rễ của chúng vẫn còn bám chặt vào đá. Những loại cây này thường rất to và nằm đơn độc ở những đỉnh núi cao. Cây bám nhiều đá, đá càng to thì càng có giá trị. Vì vậy, việc tìm thấy đã khó, đưa được những gốc cây này về đồng bằng càng khó hơn.

Anh Thái chia sẻ: “Để sở hữu được những gốc cây bám thạch phải có đủ duyên và tâm huyết đưa nó về. Bởi tiền mua lại nó từ người dân không đắt, nhưng chi phí vận chuyển khá cao. Mỗi gốc gỗ bám thạch nặng từ 1,5 - 2 tấn là chuyện bình thường. Nó thường chiếm diện tích nên người dân trồng keo cũng muốn mình mang nó về để rộng đất cho họ. Nhưng mỗi lần đưa về chi phí mất hàng chục triệu đồng, có gốc lên đến cả trăm triệu”.

Không vì chi phí cao, không vì khó mà anh Thái cân nhắc khi mua những gốc gỗ bám thạch. Bởi trong một khu rừng chỉ có khoảng 1 - 2 cây bám thạch, vì hiếm như vậy nên cứ nghe ở đâu có gỗ bám thạch là anh mua về. Mỗi lần mua chỉ được 1 - 2 món, trong khi một bộ bàn gỗ bám thạch ít nhất phải có 5 món. Vì vậy, để sưu tầm được đầy đủ 1 bộ bàn ghế gỗ bám thạch rất kỳ công. Có những bộ, anh Thái phải mất từ 8 - 10 năm mới sưu tầm đầy đủ. Dù khởi nghiệp với gỗ mỹ nghệ, gỗ bám thạch này khá lâu nhưng số lượng bộ bàn ghế bám thạch anh bán ra chưa tới 10 bộ, trong đó có bộ đắt nhất là 300 triệu đồng.

“Tuy nhiên, mảng gỗ bám thạch này mất nhiều công nhưng lợi nhuận không bao nhiêu, chủ yếu vì đam mê những thứ độc lạ thôi. Khi vào Quảng Nam, mình vẫn nhắm đến thị trường gỗ mỹ nghệ, gỗ trang trí và các sản phẩm quà tặng mang đậm bản sắc xứ Quảng. Sắp tới mình sẽ mở showroom gỗ mỹ nghệ kết hợp làm nơi trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh. Mình cũng đăng ký tham gia OCOP ở TP.Tam Kỳ với những sản phẩm gỗ điêu khắc về văn hóa tỉnh Quảng Nam như tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, Chùa Cầu Hội An, đền tháp Mỹ Sơn… Khởi nghiệp ở xứ Quảng và mình muốn gắn kết với nơi này bền lâu” - anh Thái khẳng định.

PHAN VINH