Nông trại hoa hồng ở Tây Giang
(QNO) - Từ khu đất khô cằn ở xã A Tiêng (Tây Giang), anh Nguyễn Xuân Minh cùng những người bạn trồng vườn hoa hồng rộng lớn, sau đó nghiên cứu, chế biến thành công toner (nước cân bằng da) hoa hồng và trà hoa hồng đưa ra thị trường.
Nông trại gần 8.000 cây hoa hồng
Lên công tác tại Hạt Kiểm lâm Tây Giang, anh Nguyễn Xuân Minh (SN 1980, quê xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) còn nuôi khát vọng phát triển kinh tế với mô hình trồng rau sạch. Tuy nhiên đầu ra sản phẩm rau không ổn định nên anh tìm hướng đi mới.
Sau khi trồng thử nghiệm, anh Minh nhận thấy hoa hồng phù hợp với khí hậu vùng đất Tây Giang; đầu năm 2019 anh cũng thí nghiệm thành công việc chiết xuất nước cất hoa hồng từ một thiết bị đơn giản. Vì vậy anh quyết định đầu tư làm nông trại trồng hoa hồng tại đây.
Được những người bạn hỗ trợ vốn cũng như kỹ thuật trồng và chiết xuất toner hoa hồng, tận dụng mảnh đất trồng rau trước đây tại trung tâm huyện Tây Giang, anh Minh cải tạo chuẩn bị cho dự án trồng hoa. Lứa đầu tiên, anh lên mạng đặt mua 100 cây hoa hồng với giá 6 triệu đồng từ tỉnh Hưng Yên.
Sau 2 tháng dày công chăm sóc, những cây hoa hồng đầu tiên đã cho hoa. Tuy nhiên không như kỳ vọng, hoa không có hương thơm vì mua không đúng giống. Không nản lòng trước thất bại, anh Minh tiếp tục nghiên cứu giống hoa hồng rồi bắt xe đến tận nơi tìm mua cho đúng giống hồng cổ chuẩn.
“Lúc đó tôi bắt xe ra tận Vĩnh Phúc mua 1.000 cành hoa hồng về trồng. Nhưng khổ nỗi chủ vườn không đủ số lượng cung cấp cho tôi một lần. Cứ mỗi tháng lại gửi vào 200 - 300 cây” - anh Minh kể.
Đến tháng 10.2019, những cây hoa hồng này nở hoa và bắt đầu cho thu hoạch. Dù tìm được giống, đúng hương thơm nhưng lại gặp một khó khăn khác. Đó là vườn hồng gần rẫy keo nên bị bệnh nấm phấn trắng lây lan từ cây keo sang, khiến 3.000 cành hồng giống chết. Ngoài ra, vườn hoa hồng của anh Minh không sử dụng phân, thuốc hóa học nên sâu hại xuất hiện.
“Sau nhiều thời gian chăm sóc, mày mò tìm hiểu, cuối cùng tôi cũng tìm được phương pháp chữa bệnh nấm phấn trắng. Còn về sâu bệnh, mỗi ngày tôi dùng 2 lon gạo dẫn dụ đàn chim sẻ đến ăn, mỗi lần ăn xong chim sẻ đều bắt sâu trên cây hoa hồng” - anh Minh cho hay.
Cuối năm năm 2019, anh Minh cùng nhóm bạn thành lập Hợp tác xã Hoa Hồng gồm 11 thành viên, do anh Minh làm giám đốc. Hiện nông trại hoa hồng có gần 8.000 cây trên diện tích 13.000m2, trong đó khoảng 5.000 cây cho thu hoạch.
Sản phẩm chiết xuất từ hoa hồng
Vườn hồng của Hợp tác xã Hoa Hồng phát triển tốt, tuy nhiên vẫn chưa bán giống vì tập trung chăm sóc cây lấy hoa làm trà hoa hồng và toner hoa hồng. Từ dụng cụ ban đầu là chiếc nồi nhỏ, anh Minh cùng bạn nghiên cứu xây nhà xưởng 24m2 và chế tạo thành công hệ thống chế chiết xuất toner hoa hồng. Hiện với 5.000 cây, mỗi ngày nông trại thu hoạch 8 - 20kg hoa hồng.
Mỗi buổi sáng sau khi thu hoạch, hoa hồng sẽ được tách cuốn, sát khuẩn rồi bỏ vào nồi chưng cất, chiết xuất toner hoa hồng. Một nồi có thể chiết xuất tối đa 20kg hoa hồng, 1kg cho ra 1 lít nước cất nguyên chất thơm mùi hoa hồng.
“Việc nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm từ hoa hồng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về khoa học - kỹ thuật. Sau một quá trình đầu tư, nghiên cứu, nhóm chúng tôi đã sản xuất thành công ra 2 sản phẩm đặc trưng là trà hoa hồng và tinh dầu hoa hồng” - anh Minh nói.
Hiện Hợp tác xã Hoa Hồng xây dựng khu sinh thái theo hướng du lịch trải nghiệm, check-in, mở hướng cho du lịch Tây Giang. Ngoài ra, vườn hồng này cũng tạo việc làm ổn định cho 7 lao động trên địa bàn với thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng/người.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, đây là mô hình mới và là một trong những mô hình có cơ chế khuyến khích trên cơ sở mang tính chất bền vững, giải quyết được nhu cầu của địa phương, góp phần kết hợp tạo ra liên kết phát triển du lịch. Trong năm 2020, trà hoa hồng được đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh.
“Sắp tới huyện tiếp tục quan tâm và hỗ trợ theo các cơ chế đối với vườn hoa hồng này nhằm duy trì, phát triển nhân rộng để liên kết phát triển trên lĩnh vực du lịch, tạo nét mới cho vùng đồi núi Tây Giang, đây là yếu tố đa mục tiêu. Sản phẩm từ hoa hồng cần sự liên kết chặt chẽ từ những người sản xuất, bao tiêu sản phẩm và thị trường. Tôi nghĩ mô hình này trong thời gian tới sẽ phát huy hiệu quả” - ông Linh nói.