Sản xuất tinh dầu từ sản vật quê hương

PHAN VINH 26/04/2020 15:46

(QNO) - Tốt nghiệp chuyên ngành lâm nghiệp về quản lý rừng, sau một thời gian kinh doanh buôn bán, anh Trần Hùng Nam (SN 1989, tổ Mậu Cà, thị trấn Trà My, Bắc Trà My) chuyển hướng nghiên cứu sản xuất tinh dầu từ những loại cây tại địa phương.

Anh Trần Hùng Nam (bên trái) thu gom cây sả chanh của địa phương để sản xuất tinh dầu. Ảnh: PHAN VINH
Anh Trần Hùng Nam (bên trái) thu gom cây sả chanh của người dân địa phương để sản xuất tinh dầu. Ảnh: PHAN VINH

Tinh dầu từ… phế phẩm

Rời ghế giảng đường, theo nhu cầu của những đại lý miền xuôi, anh Trần Hùng Nam thu gom hàng la-ghim từ người dân địa phương như gừng, sả chanh, quế, cam, bưởi… rồi bán lại. Những hàng hóa này ở Bắc Trà My được đánh giá chất lượng cao hơn hẳn nơi khác nên việc kinh doanh buôn bán của anh rất thuận lợi. Sau một thời gian tích lũy vốn, anh mở hẳn đại lý lớn ở thị xã Điện Bàn, cung cấp hàng cho thị trường Đà Nẵng và Hội An.

Từ đây, anh Nam thấy một thực trạng, phế phẩm như lá sả, vỏ cam, vỏ bưởi… thường bị người dùng vứt vào thùng rác. Trong khi đó, những phế phẩm này có thể được bào chế làm thảo dược rất tốt cho sức khỏe. Anh Nam bắt tay vào nghiên cứu sản xuất tinh dầu sả chanh và vỏ cam. Từ một người tay ngang buôn bán, chuyển qua lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, chiết xuất sinh học, anh Nam phải mất 2 năm mới cho ra được sản phẩm đầu tiên.

Anh Nam (bên phải) chiết xuất tinh dầu thành công và quyết định đầu tư sản xuất quy mô lớn. Ảnh: PHAN VINH
Anh Nam chiết xuất tinh dầu thành công và quyết định đầu tư sản xuất quy mô lớn. Ảnh: PHAN VINH

“Hai năm đó là khoảng thời gian vừa học vừa làm, tôi đi Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, xin được vào tham quan các mô hình sản xuất. Ban đầu thấy ngợp, vì họ đầu tư dây chuyền công nghệ rất lớn, mình làm sao được? Nhưng nắm được nguyên tắc, tôi nấu bằng nồi nhỏ, tuy nhiên chiết xuất mãi không đạt, lượng hơi thất thoát nhiều. Nghiên cứu, chế tạo rồi cũng ra được những mẻ tinh dầu đầu tiên. Tôi mang cho người thân, bạn bè sử dụng, ai cũng đánh giá tốt” - anh Nam kể.

Những nỗ lực, cố gắng sau thời gian khá dài được đền đáp bằng thành quả tương đối như ý muốn. Đó là động lực để anh Nam mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất tinh dầu với quy mô lớn. Năm 2019, anh thành lập Công ty TNHH Sản xuất - thương mại tinh dầu Trà My, đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và mua dây chuyền chiết xuất, chưng cất tinh dầu các loại. Đây là loại máy tiên tiến nhất trên thị trường ở quy mô 50kg nguyên liệu trong một lần chưng cất. Dây chuyền gồm các công đoạn xay nguyên liệu, nấu, ngưng tụ, chưng cất và chiết xuất tinh dầu thành phẩm.

Tiếp tục sản xuất sản phẩm phụ

Mô hình sản xuất của anh Nam với công suất trong 4 giờ sẽ chưng cất được 150 - 200ml tinh dầu các loại/100kg nguyên liệu. Mỗi ngày, máy hoạt động được 300kg nguyên liệu, cho ra khoảng 500ml tinh dầu. Tính trung bình mỗi tháng, công ty của anh Nam sản xuất 15 lít tinh dầu thành phẩm.

Công ty đóng gói thành 2 dòng sản phẩm lọ đứng 10ml và lọ treo 7ml với giá bán lẻ 100 - 120 nghìn đồng/sản phẩm. Doanh thu công ty đạt 180 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, sản xuất, nhân sự, thuế, chiết khấu..., lợi nhuận còn lại 30%, tương ứng với khoảng 60 triệu đồng/tháng.

Anh Nam cho biết, nhờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán trước đây mà việc anh tìm kiếm thị trường phân phối tinh dầu tương đối ổn định. Chủ yếu anh nhập hàng bán vào TP.Hồ Chí Minh, bỏ cho các tiệm thuốc, cửa hàng mỹ phẩm, quầy hàng lưu niệm, spa, massage… thông qua đội ngũ nhân viên thị trường.

Mô hình sản xuất tinh dầu của anh Trần Hùng Nam:

Hiện tại, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại tinh dầu Trà My giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động; hợp đồng bao tiêu đầu ra nguyên liệu cho 3 vườn trên địa bàn Bắc Trà My. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh của anh Nam bị tác động tiêu cực, nguồn hàng tồn kho nhiều, nguyên liệu thu gom liên tục. Thời gian giãn cách xã hội đã hết, anh đang tích cực vận hành lại hệ thống để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Gia đình tôi có mảnh đất rộng hơn 700m2, sắp tới tôi sẽ mở rộng xưởng ở đây và đầu tư thêm dây chuyền chưng cất tinh dầu, bởi thị trường đang rất cần sản phẩm tinh dầu sản xuất ở những địa phương miền núi, đặc biệt là thương hiệu quế Trà My. Ngoài ra, để tận dụng tối đa phế phẩm sản xuất, tôi đang nghiên cứu sản xuất phân từ xác nguyên liệu và các loại sản phẩm phụ như nước rửa chén, sát khuẩn, xịt phòng, lau nhà từ dung dịch hòa tan của tinh dầu trong quá trình ngưng tụ. Như vậy, quy trình sẽ khép kín từ khâu đầu tư vùng nguyên liệu cho đến sản xuất” - anh Nam khẳng định.

Anh Phạm Văn Quý (thị trấn Hương An, Quế Sơn) là người thường sử dụng sản phẩm tinh dầu của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại tinh dầu Trà My, chia sẻ: “Tôi bị chứng mất ngủ và hay căng thẳng. Nhiều lần sử dụng tinh dầu sả chanh của công ty này để xông, tôi thấy các triệu chứng giảm hẳn. Hàm lượng tinh dầu chất lượng và thơm dễ chịu hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường, dù giá có hơi cao hơn”.

PHAN VINH