Đường dài với khởi nghiệp nông nghiệp

TÂM ĐAN - MAI NHI 25/03/2020 10:12

Thời gian qua đã có nhiều bạn trẻ mạnh dạn dấn thân khởi nghiệp (KN) vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, với KN nói chung, KN trên lĩnh vực nông nghiệp, dường như ý tưởng và lòng đam mê thôi vẫn chưa đủ…

Dự án khởi nghiệp “Vườn lan Mokara Nam Hội An” của HTX Nông nghiệp Nam Hội An tham gia giới thiệu tại một sự kiện về khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.N
Dự án khởi nghiệp “Vườn lan Mokara Nam Hội An” của HTX Nông nghiệp Nam Hội An tham gia giới thiệu tại một sự kiện về khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.N

Hành trình khó khăn

Không khó để bắt gặp hình ảnh những người trẻ KN trên lĩnh vực nông nghiệp thời gian gần đây. Ở họ có khá nhiều điểm chung, nhất là tinh thần đam mê cháy bỏng với những ý tưởng KN táo bạo. Tuy nhiên, với KN nông nghiệp, từ ý tưởng đi đến thực tiễn là cả hành trình với nhiều thử thách.

Năm 2017, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến dự án KN khá quy mô của một chàng trai làng biển Núi Thành. Anh tốt nghiệp quản trị kinh doanh nhưng quyết định về quê KN với dự án trồng rau hữu cơ. Ngày đó, trên cánh đồng 2ha thuê lại của người dân địa phương, hình ảnh những luống đất mới được cày xới cùng hệ thống tưới tiêu được đầu tư bài bản cho chúng tôi tin tưởng về triển vọng thành công của dự án.

Tiếc thay, một thời gian ngắn sau đó, dự án bị phá sản. Những ý tưởng thú vị được giới thiệu trước đó buộc phải tạm dừng. Theo tìm hiểu, chủ dự án sau đó đành phải chuyển hướng làm ăn ở một lĩnh vực khác vì không đủ nguồn lực, chi phí để tiếp tục thực hiện dự án nông nghiệp dài hơi này. Như vậy, rất nhiều công sức, vốn liếng của bản thân và gia đình anh thanh niên 30 tuổi ấy như đổ sông đổ biển…

Một câu chuyện thực tế khác cũng cho thấy những khó khăn của con đường KN, nhất là KN trên lĩnh vực nông nghiệp. Một kỹ sư cơ khí của Thaco đột ngột rẽ ngang KN bằng dự án dầu thực vật như anh Phạm Văn Huệ (TP.Tam Kỳ), việc phải vật lộn, đương đầu với những khó khăn, chông gai trong KN là chuyện… “cơm bữa”. Để các sản phẩm của HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay, anh Huệ đã tự đi trên con đường được xem là ngược đời.

“Chưa tìm hiểu, đánh giá kỹ thị trường nhưng tôi lại dồn hết vốn liếng đầu tư máy móc sản xuất sản phẩm nên thời gian đầu việc tiêu thụ gặp bế tắc. Cái cảnh đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng phải vật lộn đi tiếp thị, bán từng chai dầu thu về từng đồng lẻ, nghĩ mà nản!” - anh Huệ trải lòng.

Còn anh Lê Tùng Vương, người đồng sáng lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành (Phú Ninh) – đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm rau hữu cơ, bộc bạch: “Là người trẻ, tôi và một số anh em bắt tay thực hiện dự án với suy nghĩ muốn làm việc gì đó cho quê hương. Song, từ ý tưởng đến thực tiễn là một khoảng cách khá xa. Đặc biệt là khâu tiêu thụ cho sản phẩm, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nguồn cung ổn định cho rau hữu cơ”.

Làm sao để giảm rủi ro?

Hơn 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều gương thanh niên KN, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng dự án vượt trội. Tuy nhiên, để chọn ra những dự án tiêu biểu về quy mô và tầm ảnh hưởng lớn thì không nhiều.

Theo ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay nông nghiệp là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hỗ trợ cho KN nông nghiệp. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách vượt trội về thu hút đầu tư, trong đó có chính sách hỗ trợ cho KN nông nghiệp. Điển hình, Quảng Nam là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành và triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trên thực tế hiện nay, vấn đề KN nông nghiệp còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, sự hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ cho các dự án, doanh nghiệp KN chưa kịp thời, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là thông tin kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã KN. Ngoài ra, phần lớn mô hình KN đầu tư kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Một số dự án chưa thiết lập được kênh phân phối, chưa xây dựng được chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Phần lớn các bạn trẻ KN nông nghiệp rất khó khăn về vốn trong khi việc tiếp cận vốn vay rất khó. Quảng Nam cũng thiếu hệ thống các nhà đầu tư “thiên thần”, đầu tư mạo hiểm cho nông nghiệp, thiếu hệ thống các chuyên gia hỗ trợ, các mentor (người cố vấn) trên nhiều lĩnh vực cho các dự án KN nông nghiệp…

“Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh rất cần các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Quảng Nam. Không chỉ những nhà đầu tư lớn, tỉnh mong muốn tiếp cận với nhà đầu tư là các bạn trẻ, các thanh niên có ý chí, khát khao khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”. 

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Bên cạnh những rào cản đó, nhiều ý kiến nhìn nhận, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ bản thân những người KN chưa mạnh dạn, thiếu tầm nhìn và liên kết để cùng phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng chia sẻ, đặc điểm chung của các bạn trẻ KN Quảng Nam nằm ở 2 thái cực: một là quá tự ti, hai là quá tự tin.

“Doanh nghiệp ở mình cứ thích làm “chút chút”, từ từ, vừa làm vừa thăm dò, nên việc mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi khác, họ tích cực hơn trong tìm kiếm thị trường, đối tác lớn để kết nối, hợp tác tìm đầu ra. Từ đó mới về địa phương tính chuyện tổ chức sản xuất, mới có giải pháp để tích tụ đất, thuê đất, đầu tư sản xuất… Thứ hai, mình tự tin thái quá dẫn đến coi ý tưởng, dự án của mình là nhất, không ai có, nên ít nghĩ đến chuyện liên kết, hợp tác với ai để cùng phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành cho rằng, nhiều bạn trẻ chủ dự án KN thường không trình bày được phương án kinh doanh khả thi để thuyết phục nhà đầu tư. Bởi vốn dĩ các bạn thiếu kiến thức về quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, trong khi bản thân lại e dè, nhút nhát trong học hỏi, kết nối. Mỗi người một ý tưởng, cặm cụi thực hiện nhưng lại quên đi việc học hỏi, nâng cao năng lực quản trị và kết nối các nhà đầu tư, đối tác để liên kết, phát triển dự án.

“Hầu hết bạn trẻ kêu thiếu vốn và cho đó là vấn đề quan trọng khi KN, nhưng theo tôi vốn kiến thức về kinh doanh, quản trị, tiếp thị… mới quan trọng, là hành lang cho doanh nghiệp phát triển” - ông Bảo chia sẻ.

Gần đây, Tập đoàn VN Đà Thành đã có sự chuyển hướng trong đầu tư vào KN. Theo đó, hạn chế việc hỗ trợ vốn vay cho các dự án KN, thay vào đó sẽ bắt tay với các doanh nghiệp KN để vừa đầu tư vừa quản trị, phát triển dự án thông qua hình thức chia sẻ lợi nhuận.

Tăng tốc các dự án khởi nghiệp

Toàn tỉnh đã tổ chức xây dựng và thành lập được 12 câu lạc bộ (CLB) KN sáng tạo với số lượng thành viên tham gia hơn 300 người hầu hết là doanh nhân, cán bộ khoa học trẻ, thanh niên và sinh viên, start-up... Ngoài mạng lưới CLB KN sáng tạo được hình thành ở các địa phương, các không gian làm việc chung tại TP.Hội An, TP.Tam Kỳ, Duy Xuyên, CLB Đầu tư và KN Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả công năng của mình. Công tác đào tạo, tập huấn, diễn đàn về kiến thức, kỹ năng KN... được triển khai đều khắp, trong nhiều đối tượng khác nhau. Đến thời điểm này, Quảng Nam đã có 32 dự án KN đổi mới sáng tạo được triển khai, trong đó có nhiều dự án KN trên lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2019, hoạt động KN đổi mới sáng tạo vinh dự được lãnh đạo tỉnh đánh giá là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh. Năm 2020 được xác định là năm tăng tốc dự án KN của tỉnh. Trọng tâm giai đoạn 2020 - 2030, hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai đồng bộ tại cấp huyện, đẩy mạnh công tác truyền thông, hoàn thành xây dựng đội ngũ chuyên gia khởi nghiệp tại chỗ, mở rộng tham gia kết nối các ngày hội khởi nghiệp tại các tỉnh bạn, vùng, quốc gia và quốc tế…(A.ĐÔNG)

TÂM ĐAN - MAI NHI