Cách tân thổ cẩm Cơ Tu
Phong trào khởi nghiệp đang dần mở rộng và lan tỏa ở miền núi với những mô hình sản xuất từ sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chuyện khởi nghiệp của Bơnươch Thị Adam (xã Cà Dy, Nam Giang) trở nên thú vị bởi ý tưởng táo bạo là cách tân vải thổ cẩm Cơ Tu của đồng bào mình để tạo ra những bộ trang phục đẹp mắt, thu hút giới trẻ.
Vượt qua trở ngại
Lớn lên ở Bến Giằng (xã Cà Dy) nhưng khi trưởng thành, vì gánh nặng gia đình, chị Adam phải rời quê hương đi làm ăn xa. Năm 2008, Adam đăng ký học nghề may công nghiệp rồi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.
Mãi đến năm 2014, chị mới về nước. Sau 6 năm ở nơi đất khách, về quê, chị nhận ra mọi thứ đã thay đổi. Vui mừng vì diện mạo quê hương khởi sắc, nhưng Adam cũng trăn trở vì bản sắc truyền thống của đồng bào mình đã dần phai nhạt. Đặc biệt là trang phục thổ cẩm truyền thống, gần như chỉ được người Cơ Tu mặc trong các dịp lễ lớn.
Từ trăn trở đó, chị quyết định mở một tiệm may trang phục thổ cẩm và sáng tạo thổ cẩm cách tân tại quê nhà. “Tôi muốn khôi phục truyền thống của dân tộc mình, thêm nhiều màu sắc, hoa văn, họa tiết hơn nữa cho những bộ trang phục truyền thống. Bởi vì tôi nghĩ, giới trẻ hiện giờ ưa thích hoa văn sáng tạo, trẻ trung” - chị Adam chia sẻ.
Nghĩ vậy, nhưng đến khi bắt tay thực hiện ý tưởng, chị Adam không nhận được sự đồng tình của người thân, gia đình. Họ cho rằng, phụ nữ Cơ Tu thường tự dệt và may trang phục truyền thống cho mình và gia đình, nên việc mở tiệm may sẽ không khả thi.
Thế nhưng, Adam lại nghĩ khác. Chị đưa thêm nhiều hoa văn truyền thống để đa dạng các chi tiết trên thổ cẩm đính cườm, đồng thời phối hợp thổ cẩm với các chất liệu vải và hoa văn hiện đại để cách tân, đưa chất liệu thổ cẩm đính cườm gần gũi hơn với đời sống thường nhật chứ không chỉ mặc mỗi dịp lễ hội.
Để cho ra những sản phẩm cách tân như ý tưởng, chị Adam đã liên tục nghiên cứu, học hỏi, ghi chép và sáng tạo các chi tiết, hoa văn hiện đại để đồng nhất, phối hợp với những chất liệu truyền thống, rồi cho ra những mẫu thiết kế mới đa dạng. Đến nay, chị đã thiết kế được hơn 100 mẫu trang phục thổ cẩm cách tân, phục vụ khách hàng.
Thu hút giới trẻ
Để may một bộ trang phục thổ cẩm cần rất nhiều công đoạn nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu dệt và đính cườm lên vải. Đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẫn, tinh tế bởi các hoa văn, chi tiết đều được thể hiện bằng những hạt cườm nhỏ li ti. Với 2 thợ lành nghề là người địa phương, mỗi tháng, cơ sở của chị Adam chỉ có thể dệt được khoảng 5 tấm thổ cẩm chất lượng; 70% công đoạn để cho ra một sản phẩm thổ cẩm cách tân đều áp dụng phương thức thủ công.
Chính vì vậy, mỗi tháng, cơ sở của chị chỉ có thể sản xuất được 10 sản phẩm. Do đó, giá thành sản phẩm khá cao. Trung bình mỗi bộ trang phục hoàn chỉnh với hoa văn phức tạp giá sẽ dao động từ 1 đến 2 triệu đồng. Tuy giá cao nhưng nhiều người vẫn rất thích thú và mua sản phẩm của chị.
Chị BơNươch Thị Amy (xã Cà Dy, Nam Giang) đã sở hữu một vài sản phẩm của chị Adam, bộc bạch: “Mình là người Cơ Tu nên rất yêu mến họa tiết trên trang phục của đồng bào mình. Tuy nhiên, những mẫu trang phục truyền thống thì không phù hợp để mặc thường xuyên. Chính vì vậy, khi biết được tiệm may của chị Adam dựa trên vải thổ cẩm để cách tân bằng những hoa văn và chất liệu vải cho trẻ trung, gần gũi hơn nên mình rất thích. Mình đã mua được một vài sản phẩm của chị ấy và nhiều bạn bè của mình cũng hỏi thăm để đặt may”.
Để việc kinh doanh được thuận lợi, Adam đã sử dụng mạng xã hội Facebook và Youtube để quảng cáo sản phẩm và thương hiệu. Trang Facebook “Thổ cẩm đặc sắc Kya Phương” thường xuyên đăng tải các công đoạn sản xuất thổ cẩm, hình ảnh người mẫu với trang phục thổ cẩm cách tân. Chị Adam xác định Facebook là kênh kết nối hiệu quả giữa cơ sở và người trẻ khắp nơi, đặc biệt là đồng bào miền núi bởi việc giao thương buôn bán vẫn còn hạn chế.
Hiện tại, mỗi tháng, từ cơ sở may thổ cẩm, chị thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng. Sản xuất, kinh doanh ở một huyện miền núi, khoảng thu nhập đó không phải là nhỏ. Adam vẫn đang ấp ủ nhiều dự định trong thời gian đến.
“Ban đầu, mình làm theo khả năng thôi, đi từng bước, mặc dù chậm nhưng phải chắc và sản phẩm phải đẹp, phải độc đáo và lạ để tìm được liên kết với nhiều doanh nghiệp. Trong thời gian tới, nếu có điều kiện, mình sẽ mở nhiều shop trưng bày ở các huyện miền núi để quảng bá sản phẩm” - Adam chia sẻ.