Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp các cấp
Bắt đầu từ năm này, hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp huyện sẽ được đẩy mạnh bằng cách xác định các thế mạnh để xây dựng mô hình hợp lý, vận động thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện theo hướng xã hội hóa...
Tăng tốc các dự án khởi nghiệp
Theo đánh giá từ các chuyên gia, Quảng Nam là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hiện toàn tỉnh đã tổ chức xây dựng và thành lập được 12 câu lạc bộ (CLB) với số lượng thành viên tham gia hơn 300 người hầu hết là các doanh nhân trẻ, cán bộ khoa học trẻ, thanh niên và sinh viên, start-up... Cùng với đó, không gian làm việc chung tại các địa phương đã phát huy công năng của mình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, trong giai đoạn từ 2017 - 2020, mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp của Quảng Nam đã tích hợp khoa học, hiệu quả, mở rộng kết nối, tạo cảm hứng, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, phù hợp với địa phương và được các cơ quan, chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam đánh giá cao. “Tinh thần dấn thân khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi, văn hóa khởi nghiệp được hình thành. Các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng tham gia đầy tâm huyết. Công tác tổ chức mạng lưới, nuôi dưỡng, kết nối, hợp tác khởi nghiệp sáng tạo được đẩy mạnh. Nhiều ý tưởng được mạnh dạn đầu tư và khởi động kêu gọi, kết nối với nhà đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chia sẻ.
Đến thời điểm này, Quảng Nam đã có 32 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai, trong đó có 17 dự án do phụ nữ làm chủ. Các dự án này được hỗ trợ để tăng tốc trong thời gian tới. Nguyễn Thị Mẫn Vy (chủ dự án khởi nghiệp mỹ phẩm handmade Hoa Mẫn Vy được sự đầu tư hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của Tập đoàn VN Đà Thành) cho biết, sắp tới đây chị sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu mỹ phẩm của mình, từng bước tiếp cận các thị trường lớn hơn. Cũng như Vy, các dự án khởi nghiệp được công nhận ở cấp tỉnh đang nỗ lực để tăng tốc nhanh hơn trong thời gian tới. Ông Phạm Phú Hiển (với dự án đèn Led đô thị 3 cấp công suất) cho biết, hiện nay dự án đã được áp dụng tại nhiều địa phương và được Tập đoàn Aurio chọn làm đối tác hợp tác đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất đèn Led thông minh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài với tổng mức đầu tư hơn 10 triệu USD.
Phát triển hệ sinh thái cấp huyện
Cùng với việc tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp được công nhận từ năm 2019, trọng tâm giai đoạn 2020 - 2030, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai đồng bộ tại cấp huyện, đẩy mạnh công tác truyền thông, hoàn thành xây dựng đội ngũ chuyên gia khởi nghiệp tại chỗ, mở rộng tham gia kết nối các ngày hội khởi nghiệp tại các tỉnh bạn, vùng, quốc gia và quốc tế. Thời gian qua, các hoạt động từ diễn đàn, ngày hội khởi nghiệp cấp quốc gia, quốc tế cho đến Hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương” đã hướng về các ngành, đặc biệt là cấp huyện với nhiều cấp độ khác nhau. Việc triển khai hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp cấp huyện chính là tạo nền tảng quan trọng trong tạo lập hệ sinh thái chung toàn tỉnh.
Ở góc độ địa phương, ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, từ tháng 9.2019, huyện Thăng Bình đã thành lập được CLB Khởi nghiệp sáng tạo và ban hành kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2025. Các thành viên của CLB Khởi nghiệp Thăng Bình đã cùng nhau thành lập Công ty Đầu tư khởi nghiệp Thăng Bình với vốn điều lệ 6,8 tỷ đồng và HTX Nông nghiệp Khởi nghiệp Thăng Bình với vốn điều lệ 680 triệu đồng. Trong năm 2020, huyện Thăng Bình sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương, với các hoạt động từ triển khai thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Thăng Bình, tổ chức chương trình ngày hội khởi nghiệp sáng tạo 2020, phát động cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2020...
Đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp cấp huyện, tạo nên mạng lưới giữa các địa phương là điều cần thiết trong thời gian tới. Ông Lý Đình Quân - Giám đốc Vườn ươm Sông Hàn tại cuộc sơ kết giai đoạn I xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Quảng Nam vừa qua đã cho rằng các địa phương không thể hỗ trợ cho các start-up khi chưa có nguồn lực. “Hầu hết hệ sinh thái ở các địa phương rất yếu. Nếu không có chủ trương chỉ đạo từ trên xuống thì rất khó cho các địa phương triển khai. Để có hệ sinh thái tốt thì các địa phương phải hình thành được các kết nối nguồn lực, kết nối mạng lưới, kết nối chức năng và có nhiều chuyên gia tư vấn cách thức giải quyết vấn đề. Tùy theo các địa phương mà cần có chiến lược khác nhau. Những nơi nào có nguồn lực, tầm nhìn lớn thì nên đưa các chính sách, triển khai ngay để có thể tạo sự đột phá cho hệ sinh thái địa phương” - ông Lý Đình Quân nói.