Theo đuổi nghề in ấn - quảng cáo

THÁI CƯỜNG 12/12/2019 14:56

(QNO) - Vượt qua bao khó khăn, anh Trần Ngọc Phúc (SN 1983, thôn Cây Sanh, xã Tam Dân, Phú Ninh) đã tự tay xây dựng nên cơ sở in ấn - quảng cáo của riêng mình, doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

Anh Trần Ngọc Phúc (phải) hướng dẫn nhân viên lắp đặt bảng mạch đèn Led. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Anh Trần Ngọc Phúc (phải) hướng dẫn nhân viên lắp đặt bảng mạch đèn Led. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Vượt khó lập nghiệp

Tốt nghiệp THPT, anh Trần Ngọc Phúc đi làm ăn xa xứ để trang trải cuộc sống gia đình vốn còn nhiều khó khăn. Năm 2001, anh xin vào làm việc tại cơ sở sản xuất in ấn - quảng cáo ở Sài Gòn, cũng từ đây anh bén duyên với nghề.

Hơn 9 năm gắn bó ở Sài Gòn, do điều kiện gia đình nên năm 2010 anh Phúc quyết định về quê lập nghiệp. Ban đầu, để tìm hiểu thị trường, anh xin vào làm việc tại một cơ sở in ấn - quảng cáo ở TP.Tam Kỳ. “Số vốn tiết kiệm được khi làm ở Sài Gòn đều tập trung vào việc chữa bệnh cho mẹ. Lúc bắt đầu lập nghiệp, trong tay tôi dường như không còn đồng nào” - anh Phúc kể.

Năm 2011, sau khi nắm bắt được nhu cầu thị trường ở quê và tìm kiếm được những nhà cung cấp sản phẩm, anh Phúc vay mượn hơn 30 triệu đồng để mua máy móc, mở cơ sở in ấn - quảng cáo đầu tiên tại xã Tam Dân. Thời gian đầu, khi lượng khách hàng còn hạn chế vì chưa biết đến cơ sở, anh phải tự mình đi “gõ cửa” từng cơ quan, doanh nghiệp để tiếp thị. May mắn thời điểm này có sự giao thoa của ngành in ấn - quảng cáo truyền thống và hiện đại nên cơ sở anh Phúc nhanh chóng nắm bắt cơ hội và phát triển.

Theo anh Phúc, nghề in ấn - quảng cáo này chưa có trường lớp nào đào tạo thực sự, phần lớn các cơ sở đều làm theo hình thức truyền nghề. Tuy nhiên, thị trường luôn có sự đổi mới, nếu muốn bám trụ với nghề, bắt buộc phải có sự đam mê và tìm tòi, sáng tạo.

“Thời điểm khi công nghệ quảng cáo bằng đèn Led bắt đầu thịnh hành, tôi phải tự tìm tòi trên các trang mạng, diễn đàn công nghệ - điện tử để tìm hiểu và tập tành lắp bảng mạch, chạy ứng dụng để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Không ít lần thất bại, nhưng mỗi lần như vậy là bài học để tôi rút kinh nghiệm và thay đổi cho phù hợp” - anh Phúc nói.

Mở rộng sản xuất

Với phương châm “Phong cách mới cho sự thành công của bạn!”, cơ sở anh Phúc luôn hướng tới việc tìm tòi, sản xuất những sản phẩm mới theo xu hướng thị trường để tăng tính cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu. Khâu quan trọng là việc tư vấn cho khách hàng một thiết kế tốt để đảm bảo được việc quảng cáo, tuyên truyền hiệu quả. Kèm theo đó là cam kết về chất lượng sản phẩm do cơ sở cung cấp để giữ chân khách hàng.

“Nguồn lợi nhuận thu được, phần lớn tôi dùng để tái đầu tư, mua sắm các loại máy móc, thiết bị hiện đại, cập nhật các công nghệ mới để tạo các dòng sản phẩm mới, xây dựng chiến lược phát triển riêng. Từ đó hướng tới mở rộng thị trường, đa dạng các dòng sản phẩm đặc trưng” - anh Phúc nói.

Anh Phúc tự mày mò chạy chương trình cho bảng mạch đèn Led. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Anh Phúc tự mày mò chạy chương trình cho bảng mạch đèn Led. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Từ một cơ sở nhỏ anh Phúc thuê (100m2), nay anh đã xây dựng một cơ sở mới rộng 400m2 và đa dạng thêm các lĩnh vực in ấn - quảng cáo. Cạnh đó, anh nhận làm thêm nhôm xingfa, cửa kính cho các công trình dân dụng. Hiện cơ sở của anh không chỉ phục vụ nhu cầu khách hàng trong huyện Phú Ninh mà còn nhận thi công công trình ở những tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Doanh thu hằng năm của cơ sở ước tính hơn 1 tỷ đồng và giải quyết được việc làm thường xuyên cho 6 thanh niên địa phương với mức lương 5 - 7 triệu đồng/người.

Anh Nguyễn Trung Thạch - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Phú Ninh cho biết, không chỉ sản xuất - kinh doanh giỏi, phần lớn các hoạt động phong trào của hội đều có sự tham gia và đóng góp nhiệt tình của anh Trần Ngọc Phúc. Nhiệm kỳ 2019 - 2024, anh Phúc được bầu làm Ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện Phú Ninh. Thời gian đến, hội sẽ xem xét, hỗ trợ anh Phúc trong việc vay vốn mở rộng cơ sở sản xuất.

THÁI CƯỜNG