“Khoác áo mới” cho đặc sản rượu Bàn Than
Từ ý tưởng “khoác áo mới” cho rượu Bàn Than - Tam Hải, anh Nguyễn Phạm Ngọc Thạch (thôn Thuận An, Tam Hải, Núi Thành) đã học hỏi kinh nghiệm nấu rượu truyền thống và mạnh dạn góp vốn cùng một số thành viên đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất nâng chất lượng rượu truyền thống, từng bước đưa thương hiệu đặc sản xứ đảo vươn xa.
Rượu Bàn Than là một trong những đặc sản của người dân xã đảo, được nấu hoàn toàn theo phương thức truyền thống, sử dụng loại gạo quê Núi Thành và nấu bằng nước giếng Chăm cổ ở Tam Hải. Giếng Chăm cổ Tam Hải được đào từ mạch nước chảy từ ngọn núi Bàn Than, cho dòng nước ngọt và mát, trong vắt, nấu ăn uống cho hương vị đặc trưng hơn nhiều giếng thông thường. Cư dân Bàn Than luôn gìn giữ, bảo quản giếng cổ như báu vật của đảo. Những năm hạn hán kéo dài, giếng không hề khô cạn. Có lẽ do được nấu bằng nguồn nước ngọt, mát lành từ giếng cổ nên rượu Bàn Than có hương vị nồng thơm đặc trưng, khi uống có hậu ngọt chứ không gắt. Gạo nấu rượu được lấy từ những cánh đồng ngay chính trên mảnh đất quê hương Núi Thành, nguyên liệu luôn ổn định phục vụ sản xuất.
Vừa muốn lưu giữ nghề nấu rượu truyền thống ở Bàn Than, vừa muốn nâng tầm đặc sản, anh Nguyễn Phạm Ngọc Thạch chịu khó học hỏi kinh nghiệm, bí quyết nấu rượu của cha ông, rồi mạnh dạn vay tiền đầu tư hệ thống nấu rượu bằng điện với tủ nấu cơm, nồi nấu rượu, hệ thống chưng cất, hệ thống lọc và khử andehit, đặt mẫu chai thủy tinh và chưa nhựa, sắm máy đóng nút chai... Anh Thạch còn phối hợp với VNPT Quảng Nam xây dựng tem nhãn, hướng tới truy xuất nguồn gốc sản phẩm từng lô rượu. Theo anh Thạch, nấu rượu bằng điện tiện lợi, sạch sẽ hơn nhiều so với nấu củi. Sử dụng tủ nấu cơm và nồi nấu điện không sợ cơm khê, không sợ hư rượu nhờ hệ thống đóng ngắt tự động. Với nồi nấu rượu thủ công, năng suất mỗi mẻ rượu rất thấp, còn với nồi điện, có thể nấu từ 15kg gạo trở lên. Cơm rượu được hấp trong tủ hấp điện cho ra cơm chín đều, đủ nước, không bị khê cháy như cách nấu thông thường. Cơm rượu sau khi được trộn men cho vào tủ ủ cơm, rút ngắn thời gian ủ, sẽ cho vào nồi nấu và chưng cất thành rượu. Như vậy, dựa vào các thiết bị hỗ trợ nấu rượu cũng giúp cho quy trình sản xuất rượu gạo trở nên hiện đại hơn, song vẫn giữ tính truyền thống và dễ phát triển trong tương lai. “Việc nấu rượu bằng điện giúp cơ sở tiết kiệm khoảng 30% sản lượng điện so với hệ thống bình thường bởi có thể tận dụng nước nóng sau khi nấu rượu để nấu cơm, có thể áp dụng với những cơ sở có diện tích nhỏ và vừa, lại đảm bảo sạch sẽ khu vực sản xuất. Yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng là quan trọng. Nhờ sử dụng men rõ nguồn gốc xuất xứ, khử được andehit là chất gây ngộ độc mà rượu tôi nấu bà con khen ngon hơn, chuộng hơn, sản phẩm từng bước tiếp cận một vài siêu thị nhỏ, bên cạnh bán sỉ lẻ” - anh Thạch chia sẻ.
Phát triển thương hiệu
Anh Nguyễn Phạm Ngọc Thạch cùng một số thành viên vừa thành lập HTX Thuận An, do anh đảm nhiệm chức danh Giám đốc HTX. Mỗi tháng, HTX cung ứng hàng trăm lít rượu gạo lức, sản phẩm đóng chai thủy tinh, chai nhựa có dán tem, nhãn mác, xuất xứ. Giá cung ứng sỉ là 34.000 đồng/chai/lít rượu đóng chai có đủ tem, nhãn. Sản phẩm rượu Bàn Than của HTX đã vượt ra khỏi xã đảo và huyện Núi Thành, được mua làm quà đi Đà Nẵng, Tam Kỳ, TP. Hồ Chí Minh. “Tôi muốn gầy dựng thương hiệu loại rượu truyền thống vùng Bàn Than, một địa danh có nhiều kỳ thú, thắng cảnh đẹp, có giếng cổ. Cũng mừng là sản phẩm, HTX ra đời không lâu nhưng được bà con địa phương và người tiêu dùng ủng hộ” - anh Thạch nói.
Sản phẩm rượu Bàn Than của HTX Thuận An còn được xã Tam Hải và huyện Núi Thành chọn tham gia quảng bá thương hiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm đã đăng ký chất lượng, được kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm. “HTX đang tính hướng đầu tư một cơ sở trưng bày sản phẩm tại Tam Hải và một vài nơi ở Núi Thành, Tam Kỳ. Tuy nhiên, HTX đi lên từ khó khăn, chi phí đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị đã lên tới 400 - 500 triệu đồng, chưa kể đầu tư nhà xưởng và các đầu tư khác. HTX mong được hỗ trợ vay vốn mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu đặc sản của đảo” - anh Thạch nói thêm.
Anh Dương Văn Bảo - Phó Bí thư Huyện đoàn Núi Thành nhận xét: “Ý tưởng khởi nghiệp từ đặc sản rượu Bàn Than của anh Thạch đã tạo động lực, khơi dậy nhiệt huyết phát triển kinh tế trên chính quê hương của các đoàn viên, thanh niên trên đảo; là tấm gương để Huyện đoàn phát động mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp của huyện Núi Thành. Huyện đoàn động viên tích cực và sẵn sàng hỗ trợ anh Thạch những gì có thể. “Lâu nay, rượu Bàn Than tuy là đặc sản nhưng vốn chỉ được bà con sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó vươn ra thị trường. Mô hình của anh Thạch và HTX Thuận An không những có hiệu quả kinh tế mà còn giúp quảng bá hình ảnh của xã đảo” - anh Bảo chia sẻ. Ông Phạm Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, địa phương đang giúp HTX hoàn thiện thủ tục để được hỗ trợ 260 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất. Rượu Bàn Than cũng là một trong số sản phẩm được định hướng xây dựng sản phẩm OCOP. Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm rượu Bàn Than của HTX Thuận An trong năm 2019. Đây là bước khởi đầu tốt, giúp đưa sản phẩm rượu đặc sản Bàn Than vươn xa...