Ươm sắc lan rừng

KIỀU LY 26/08/2019 11:31

Từ niềm đam mê lan rừng, Phan Văn Nhựt đã khéo léo tạo cho mình một vườn hoa đầy sắc hương và cho giá trị kinh tế cao.

Anh Nhựt giới thiệu hoa lan với khách hàng. Ảnh: K.L
Anh Nhựt giới thiệu hoa lan với khách hàng. Ảnh: K.L

Tình yêu đặc biệt

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai trẻ Phan Văn Nhựt (ở số 01 Nguyễn Thuật, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) bắt đầu tìm tòi, chăm sóc những chậu lan rừng để nuôi dưỡng niềm đam mê quê kiểng của mình. Nhựt kể, khi còn đi học, anh có tình yêu đặc biệt với loài hoa vừa mang nét hoang dại vừa có sự đài các này. Bất kể đi với ai hay đến những đâu, anh đều cố gắng quan sát, để ý từng ngóc ngách với hy vọng sẽ phát hiện và tìm kiếm được những giống hoa lan rừng lạ và đẹp; rồi bằng nhiều cách khác nhau, anh cắt và mang chúng về nhà, tiếp tục chăm bón và nuôi dưỡng.

Những “đứa con tinh thần”, cứ thế, từ khắp nơi, theo chân chàng trai trẻ về hội tụ tại ngôi nhà nhỏ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi hoa mỗi màu sắc khác nhau làm khu vườn trở nên lung linh, rực rỡ. “Lan rừng tựa hồ như một nàng trinh nữ thơm thảo. Đẹp, ma mị và mê hoặc mình từ thuở bé. Chúng có nhiều loại, mang nhiều dáng vẻ khác nhau nhưng đều có điểm chung là sắc đẹp và sự quyến rũ. Vẻ đẹp của nó đã chạm đến tâm hồn của người thanh niên vốn khô khan như mình. Gắn bó và chăm sóc hoa, mình thêm yêu đời và thấy cuộc sống rất thi vị. Chính vì lẽ đó, mỗi ngày, mình luôn cố gắng khám phá và sưu tập nhiều loại khác nhau để vườn lan thêm phong phú” - anh Nhựt chia sẻ.

Giai đoạn đầu, anh Nhựt khá lúng túng vì chưa hiểu đặc tính của mỗi giống lan, chưa biết cách chăm sóc phù hợp nên đã dành nhiều thời gian tự tìm hiểu trên internet, rồi tìm đến bạn bè cùng sở thích và các nhà vườn trồng lan để học hỏi, dần dần đúc kết thành những “bí quyết” trồng lan cho riêng mình. Khi kinh nghiệm trồng và chăm sóc được tích lũy cộng với tình yêu và niềm đam mê ngày càng mãnh liệt, cũng là lúc anh Nhựt nhận thấy loài hoa này mang lại giá trị kinh tế cao, ý tưởng kinh doanh dần hình thành trong suy nghĩ.

Đến tháng 4.2018, anh quyết định bỏ ngang công việc đang ổn định là làm kỹ sư bưu chính viễn thông tại TP. Kon Tum, về quê lập nghiệp. Hành trang cho sự khởi đầu, ngoài vườn lan sưu tầm hơn mười năm có giá trị hơn 100 triệu đồng, anh Nhựt đầu tư thêm 200 triệu đồng lắp ráp khu vườn trồng lan kiên cố và bài bản. Ở đó, anh xây dựng hệ thống tưới phun tự động, bên trên là lớp nhà lưới với tổng diện tích 180m2, bắt đầu hành trình khởi nghiệp với niềm đam mê của mình.

Thành công bước đầu

Sau hơn một năm gầy dựng mô hình trồng lan theo hướng làm kinh tế, những thành quả mang lại bước đầu đã tạo động lực để Nhựt tiếp tục phấn đấu. Hiện tại, vườn của anh có hàng chục chủng loại lan rừng với tên gọi và kiểu dáng khác nhau như: lan trúc, giả hạc, trầm, kèn, kiều, sơn thủy tiên, hạc vĩ, nghinh xuân, quế...  Tùy theo kích cỡ, thể trạng, tuổi thọ của mỗi chậu hoa và yêu cầu của khách hàng mà giá bán sẽ khác nhau, dao động từ 100 nghìn đến hàng chục triệu đồng/chậu. Lan rừng để càng lâu năm thì giá trị kinh tế càng cao. Đặc biệt, vào tháng 3 đến tháng 5, là mùa hoa nở rộ, khách hàng rất thích và tìm đến mua nhiều, thu nhập khá cao, từ 20 – 30 triệu đồng/tháng. Những ngày còn lại, lượng hoa bán được vô chừng, trung bình một tháng Nhựt cũng thu được khoảng 10 triệu đồng. Bà Đặng Thị Hồng Anh (khách hàng ở TP.Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi rất thích những chậu hoa lan ở vườn anh Nhựt. Hoa ở đây không những đẹp mà còn chất lượng, dù ở xa nhưng tôi vẫn luôn tìm tới vườn mỗi khi hoa lan nở rộ”.

Theo anh Nhựt, lan là loài hoa rất “khó tính”, đặc biệt là  đối với những loài hoa quý mà anh phải cất công mang từ núi rừng Kon Tum về quê. Lan rừng có mùi thơm đặc biệt, màu sắc rực rỡ nhưng lại khó chăm sóc và nhanh tàn hơn so với các loại lan được nuôi cấy tại nhà. Muốn cây phát triển tốt đòi hỏi khâu chăm sóc phải thật kỹ lưỡng và có tình yêu đặc biệt, hiểu được đặc tính của từng loài. Ngoài ba yếu tố cơ bản là độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng, thì khâu chọn giống và xử lý môi trường cũng vô cùng quan trọng. Tất cả giống lan hiện có, anh đều đặt mua từ người quen, anh em thân thiết, lựa chọn kỹ lưỡng rồi mới mang về nuôi trồng.  Ngoài ra, anh cũng cho biết không nên trồng lan với mật độ quá dày, như thế sẽ tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển, khiến lan không trổ hoa hoặc có trổ thì hoa không đẹp. Một yếu tố quan trọng không kém chính là “chất” trồng, như: than, xơ dừa, nước tưới, phân bón… tất cả đều phải phù hợp thì lan mới phát triển, nếu “chất” trồng quá kém, khi một cây xuất hiện nấm bệnh dễ lây lan sang cả vườn. Việc chọn hướng cho giàn lan cũng là yếu tố cần chú ý, nếu ánh sáng chiếu trực tiếp vào cây lan sẽ làm héo cây, cháy lá...

Mỗi khi có ai ghé vườn tham quan, Nhựt luôn sẵn sàng giới thiệu và chia sẻ. Ngoài ra anh cũng dành thời gian tham gia các câu lạc bộ những người có chung niềm đam mê lan rừng ở khắp nơi. Khi được hỏi về những dự định, anh Nhựt tâm sự: “Thời gian tới, mình sẽ cố gắng mở rộng diện tích khu vườn, trồng thêm các giống lan rừng có hoa thơm, đẹp, đáp ứng nhu cầu khách hàng và để có thêm nhiều kinh nghiệm về loài hoa mà mình yêu thích…”.

KIỀU LY