9X làm nông nghiệp
Điểm chung của Lâm Phụng Điệp và Nguyễn Văn Tâm là cùng sinh năm 1990, cùng quê Thăng Bình và cùng khởi nghiệp về nông nghiệp.
Trại úm gà ác con của anh Lâm Phụng Điệp. |
Với hai chàng trai này, làm nông được xem như là ngã rẽ, vì cả hai đều khởi nghiệp ở lĩnh vực không liên quan đến chuyên ngành đã học. Lâm Phụng Điệp học quản trị kinh doanh; còn Nguyễn Văn Tâm học ngành xây dựng.
1. Anh Lâm Phụng Điệp (tổ 4, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, Thăng Bình) hiện là Giám đốc HTX Thanh niên Bình Phục. HTX thành lập tháng 2.2018 gồm 9 thành viên, chuyên nuôi và cung cấp gà ác làm sẵn, gà ác sống, trứng gà ác... Sở dĩ HTX chọn nuôi gà ác, theo Điệp, là ở Quảng Nam đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi gà, nhưng số người nuôi gà ác không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng gà ác có xu hướng tăng lên.
Trước khi nuôi gà ác, anh Điệp đã thử nghiệm một số mô hình như nuôi dúi, trồng cây chùm ngây nhưng nhận thấy không phù hợp. Sau đó, anh đứng ra tổ chức thành lập HTX Thanh niên Bình Phục gồm 9 thành viên góp vốn. Trang trại nuôi gà của HTX thường xuyên có khoảng 1.000 con gà ác đẻ trứng và mỗi tuần HTX nhập khoảng 500 con gà từ miền Nam để bán gà giống và gà hầm. Sau này, HTX đã chủ động được nguồn gà giống thuần chủng, không phải nhập như trước nữa.
Trại nấm của anh Nguyễn Văn Tâm. Ảnh: C.N |
Trong thời gian đầu khởi nghiệp, anh Điệp và HTX của mình cũng gặp những khó khăn nhất định về vốn, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm... Và mặc dù đã khăn gói “hành phương Nam” để học hỏi kinh nghiệm nuôi gà ác, nhưng khi bắt đầu nuôi thử nghiệm 1.300 con, chỉ sau vài tuần, có tới hơn 1.000 con gà bị chết. Khi cái khó về vốn đã xoay xở được (do 9 thành viên đóng góp), Điệp nghiên cứu kỹ thuật nuôi gà ác phù hợp với điều kiện khí hậu miền Trung. Một số giải pháp như chụp sưởi bằng điện để điều hòa thân nhiệt cho gà con mới nở; quây lưới và cót ép thành nhiều ô nhỏ để úm gà con trong 14 ngày đầu... được áp dụng thành công.
Giờ đây, quy trình kỹ thuật nuôi gà ác của HTX Thanh niên Bình Phục đã có sản phẩm để xuất bán thường xuyên. Với gà đẻ, cứ sau khoảng 4 - 5 tháng là bắt đầu cho trứng. Với gà hầm, sau 5 tuần tuổi thì đủ chuẩn để đưa ra thị trường (đạt trọng lượng khoảng 200 - 300g/ con). Gà làm sẵn được bán với giá 55 nghìn đồng/con; trứng 40 nghìn đồng/chục... Gần đây, ngoài trứng và thịt gà ác làm sẵn, HTX còn cung cấp các nguyên liệu kèm theo như thuốc bắc, hạt sen để khách hàng chế biến món ăn phổ biến từ gà ác, đó là tiềm thuốc bắc.
Giờ đây, sản phẩm của HTX Thanh niên Bình Phục đã có đầu ra ổn định, được tiêu thụ ở các siêu thị mi ni Quảng Nam và Đà Nẵng với số lượng khá. Mỗi ngày HTX bán ra 500 - 1.000 quả trứng. Trong đợt cao điểm như dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, HTX phải nhập thêm trứng từ tỉnh Tiền Giang để đủ cung ứng khoảng 10 nghìn quả trứng cho thị trường. Theo anh Lâm Phụng Điệp, trong tương lai HTX sẽ tăng diện tích nuôi gà lên 2ha; dùng thảo dược để chăn nuôi gà; cung cấp sản phẩm gà hầm thuốc bắc và cháo gà ác đóng hộp. Hiện nay, HTX mới thử nghiệm cung cấp cho khách quen và sản phẩm được khách hàng đánh giá là ngon và chất lượng.
2. Gia đình anh Nguyễn Văn Tâm (thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình) có “thâm niên” 10 năm làm nấm rơm nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Ba năm trở lại đây, anh Tâm chính thức khởi nghiệp cùng nấm rơm, đơn giản chỉ vì: “thấy ba mẹ làm nấm, tôi rất thích nên quyết tâm gắn bó với nấm”. Với quy mô 20 mẫu rơm mỗi năm, ngoài số lao động trong nhà, cơ sở làm nấm của Tâm thuê thêm 4 nhân công phụ việc.
Ngôi nhà của Tâm bao phủ bởi rơm. Rơm được dự trữ chất thành đụn; rơm được ủ từng đống để lên men; rơm cuộn thành phôi được xếp thành hàng để cấy giống... Tâm sản xuất gối đầu quanh năm nên hầu như ngày nào nhà anh cũng có sản phẩm cung cấp cho thị trường với sản lượng khoảng 3 tạ nấm tươi/tháng. Dịp Tết Kỷ Hợi này vẫn tổ chức sản xuất để có nấm bỏ sỉ cho bạn hàng ngay sau đợt nghỉ tết.
Nấm rơm dễ làm, nhưng để sản phẩm có chất lượng, phải có thêm “bí quyết”. Ví dụ như phải chọn rơm tốt, phơi được nắng thì nấm mới đạt năng suất cao; hoặc nếu thời tiết không thuận lợi, men nấm không tốt... đều có thể khiến nấm kém chất lượng. Vậy nên, mỗi mùa thu hoạch lúa Tâm lại lặn lội khắp các cánh đồng tìm mua rơm. Tâm cho biết, nấm rơm sinh trưởng trong môi trường ẩm nhưng rơm để làm nấm phải được gom và phơi thật khô trong mùa nắng. “Những sợi rơm mục nát thì chắc chắn không cho ra cây nấm tốt” - Tâm chia sẻ. Ủ rơm cũng là một khâu quan trọng, quyết định đến sự thành công của mẻ nấm. Vì vậy, mỗi chu kỳ ủ rơm kéo dài 10 ngày là Tâm để mắt theo dõi cho đến khi rơm chín vàng, có thể cấy meo nấm. Sau đó, lại theo dõi, canh chừng cho đến khi từng cây nấm thành hình... Một đợt trồng nấm kéo dài gần 1 tháng.
Những năm gần đây, thời tiết tương đối ổn định nên việc sản xuất nấm rơm của Nguyễn Văn Tâm khá thuận lợi. Tuy nhiên, vì nấm rơm vốn không mấy “dễ tính” nên chưa bao giờ Tâm được phép lơ là. Hàng ngày, anh hết “ngửi” rơm, đo độ ẩm của phôi lại cùng mọi người ủ rơm, theo dõi thời tiết và nhiệt độ bên trong nhà trồng nấm để điều chỉnh cân bằng, che chắn cho nấm khi trở trời... Nhìn cách Tâm săm soi từng gói rơm, nâng niu chăm sóc từng cây nấm, mới thấy tình yêu và tâm huyết dành cho nghề mà anh chọn là con đường khởi nghiệp của mình.
CHÂU NỮ