Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018: Tiếp lửa khởi nghiệp

QUỐC TUẤN 03/12/2018 02:19

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2018 (Techfest 2018) tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu” đã tiếp thêm ngọn lửa khởi nghiệp đang phát triểnmạnh mẽ trong giới start-up Việt.

Gian hàng trưng bày sản phẩm tại Techfest 2018. Ảnh: Q.T
Gian hàng trưng bày sản phẩm tại Techfest 2018. Ảnh: Q.T

Sau 3 lần tổ chức tại Hà Nội, Techfest 2018 lần đầu tiên diễn ra tại Đà Nẵng với quy mô lớn đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đến mọi nơi trên toàn quốc. Techfest 2018 đã quy tụ được nhiều nhà đầu tư, diễn giả, start-up quy mô, chất lượng để tìm cơ hội kết nối, hợp tác. Với 8 làng công nghệ: nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch, 4.0, tài chính, tác động xã hội và hỗ trợ khởi nghiệp cho thấy tiềm năng to lớn ở nhiều lĩnh vực mà start-up cần nhanh chóng tìm tòi, sáng tạo để khai thác. Ngoài chuỗi hội thảo của các làng công nghệ, bên lề Techfest 2018 còn có nhiều sự kiện thúc đẩy, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp của mọi người như: hội thảo về đầu tư qua lăng kính giới để khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, hội thảo về đầu tư mạo hiểm, hội thảo về khởi nghiệp tác động đến xã hội…

Cơ hội cho start-up

Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo diễn ra trong khuôn khổ Techfest 2018, thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước. Đồng cảm với sự khó khăn của giới khởi nghiệp trong nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, thách thức cho start-up thì rất nhiều và không cần phải bàn cãi, tuy nhiên trong thách thức có cơ hội và start-up chính là những người tiên phong để biến thách thức đó thành cơ hội. Khó khăn lớn của Chính phủ hiện nay là làm sao để có một cơ sở dữ liệu lớn và mở cho cộng đồng. Và để có được điều này thì rất cần cộng đồng chung đóng góp các dữ liệu từ chính những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống thường nhật. “Khi nhiều người cùng quan tâm vào một vấn đề thì đó chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở vị trí của người điều hành chúng tôi nhận thấy có rất nhiều bài toán xã hội cần giải quyết ở các lĩnh vực trọng yếu như giáo dục, y tế, thương mại điện tử... Các bài toán này có trở thành cơ hội hay không phụ thuộc vào chính ý chí, sự sáng tạo của các nhà khởi nghiệp”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

“Thách thức cho start-up thì rất nhiều và không cần phải bàn cãi, tuy nhiên trong thách thức có cơ hội và start-up chính là những người tiên phong để biến thách thức đó thành cơ hội”.
(Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam)

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp của nước ta tuy đi sau nhiều nước nhưng cũng đã cơ bản hoàn thiện và điều cần thiết là phải thúc đẩy kết nối, chào mời các nhà đầu tư, start-up ở nước ngoài đến để gia tăng chất lượng của hệ sinh thái. Tham dự diễn đàn, Chủ tịch Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Singapore Peter Ong chia sẻ, yếu tố để thu hút được các dự án khởi nghiệp từ quốc gia khác là phải có nguồn quỹ riêng cho khởi nghiệp, giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu. Ngoài ra yếu tố khoảng cách địa lý giữa các quỹ đầu tư, cố vấn, cơ sở đào tạo... với doanh nghiệp khởi nghiệp càng gần thì càng thuận lợi cho các start-up phát triển.

Tuy vậy, có thể nhìn nhận giới start-up trong nước hiện nay vẫn gặp nhiều rào cản về nguồn vốn, nhất là các ý tưởng đầu tư mạo hiểm. Hiện nay, có tới 39 trong 40 quỹ đầu tư mạo hiểm cho start-up trong nước do nước ngoài thành lập, quản lý. Khó khăn đối với giới khởi nghiệp khu vực miền Trung càng lớn hơn khi tại đây có rất ít nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - Trưởng làng khởi nghiệp du lịch (Techfest 2018) thông tin: “Tại Đà Nẵng, các start-up rất khó khăn để tìm thị trường thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp trước khi dự án thành lập doanh nghiệp”. Ông Jason Lusk - Giám đốc MIST gợi ý, Việt Nam trong vùng có thị trường du lịch phát triển bậc nhất thế giới nên các dự án khởi nghiệp du lịch tại Đà Nẵng cũng như miền Trung cần nghiên cứu đưa ra giải pháp kết nối liên vùng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường hoặc giao thông đa hình thức.

Bàn chuyện khởi nghiệp nông nghiệp

Trong khi đó, Hội thảo khởi nghiệp với nông nghiệp thông minh được tổ chức trong khuôn khổ Techfest 2018 lại gợi mở nhiều câu chuyện về kinh nghiệm, cơ hội, thách thức… trong bối cảnh hiện nay, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới start-up và các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Đào Quang Thắng - Trưởng làng công nghệ nông nghiệp tại Techfest 2018, Cố vấn cao cấp chương trình khởi nghiệp quốc gia, cho rằng, dư địa để start-up làm nông nghiệp thông minh hiện nay vô cùng rộng mở khi người tiêu dùng chưa có niềm tin lớn đối với thực phẩm hiện nay. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an ninh thực phẩm cũng là cơ hội. Tuy nhiên, các thách thức chủ yếu đối với ngành nông nghiệp hiện nay vẫn hiển hiện với các bất lợi như: sự biến đổi khí hậu, diện tích đất sản xuất đất nông nghiệp bị giảm sút và đất đai phì nhiêu cũng bị thu hẹp.

Trong 3 ngày diễn ra Techfest 2018, đã có 160 cuộc kết nối giữa dự án đầu tư và nhà khởi nghiệp với tổng số vốn được quan tâm đầu tư khoảng 7,86 triệu USD. Các hoạt động của Techfest 2018 thu hút 5.500 lượt người tham dự, trong đó có khoảng 250 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, diễn giả trong nước và đại diện 20 nước trên thế giới. Chương trình triển lãm cũng thu hút 250 gian hàng khởi nghiệp tham gia - con số kỷ lục đối với các kỳ Techfest từ trước đến nay.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Techfest 2018 cho thấy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từng bước hội nhập với quốc tế và đó là cơ sở để hệ sinh thái và nền kinh tế phát triển bền vững.

Tham dự hội thảo, chuyên gia về Smart Farming (nông nghiệp thông minh) người Hàn Quốc An Chang Doek cho rằng, giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề trên chính là nông nghiệp thông minh và năng lượng tái tạo. “Với công nghệ nhà kính, sản phẩm nông nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa tác động của khí hậu, côn trùng và đất bạc màu” - ông An Chang Doek nói. Cũng tại chương trình, diễn giả người Australia David Davies thông tin đến hội thảo về việc trợ giúp người nông dân ở các nước đang phát triển ứng dụng công nghệ blockchain vào nông nghiệp. “Chúng tôi không tập trung về việc giải thích cho họ khái niệm về blockchain mà tìm khó khăn họ đang vướng mắc để giải quyết cho những người nông dân nghèo tại Papua New Guinea hay Kenya và đã giúp họ tăng thu nhập gấp 3 lần sau một mùa vụ” - ông David Davies giải thích.

Trăn trở về việc phát triển ngành nông nghiệp hiện nay, ông Phù Tường Nguyên Dũng (một start-up đến từ Bến Tre) cho rằng: “Tiềm năng trong khởi nghiệp nông nghiệp là bao la, tuy nhiên có vẻ chưa có nhiều người trẻ mặn mà với đồng ruộng. Những chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp nông nghiệp nên hướng tới việc tạo ra một hành lang thông thoáng và đúng người, đúng việc”. Theo PGS-TS.Phạm Công Hoạt (Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN), điểm yếu lớn hiện nay trong ngành công nghiệp chính là khâu chế biến, vì vậy rất khuyến khích các start-up hướng vào việc khởi nghiệp trong lĩnh vực này”. Ông Đào Quang Thắng cũng nhận định, sản xuất chỉ là một yếu tố và nếu muốn hướng đến việc nâng cao chất lượng cũng như thu nhập thì nhất thiết phải gia tăng chuỗi giá trị.

Theo TS. Nguyễn Huy Cường (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ KH&CN): “Giới trẻ, nhất là sinh viên nên hình thành thói quen nghiên cứu chính sách xem tìm được gì cần thiết phục vụ cho việc khởi nghiệp sau này thay vì dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động trên mạng xã hội”. Cũng theo ông Cường, thời gian tới các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục cố gắng mở rộng mạng lưới các khu làm việc chung cho start-up để tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát triển của giới khởi nghiệp.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN