Đánh thức văn hóa ẩm thực Chăm

QUỐC TUẤN 08/10/2018 07:22

Dương Diễm My (quê Nam Phước, Duy Xuyên) đang bắt tay vào thực hiện dự án “ẩm thực Chăm” với mong muốn khôi phục nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của dân tộc Chăm và tạo dấu ấn mới phục vụ du khách khi tham quan di tích Mỹ Sơn.

Diễm My (đội mâm thức ăn) trong chuyến khảo sát ẩm thực Chăm tại Ninh Thuận. Ảnh: NVCC
Diễm My (đội mâm thức ăn) trong chuyến khảo sát ẩm thực Chăm tại Ninh Thuận. Ảnh: NVCC

Rẽ hướng khởi nghiệp

Là sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), Diễm My sớm hình thành thói quen tìm hiểu, tiếp cận với văn hóa bản địa để phục vụ cho việc học, đồng thời tìm tòi, khám phá những hướng đi mới để có thể khởi nghiệp ngay từ khi còn ở giảng đường. Nhận thấy quê nhà Duy Xuyên có nhiều địa điểm với tiềm năng là các làng nghề như lụa, gốm, nón… để phát triển du lịch cộng đồng nên ban đầu Diễm My nảy ra ý tưởng kết nối các địa điểm trên lại với nhau và “phác thảo” một kế hoạch thực hiện dự án để tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đoạt giải ba cuộc thi này.

Tuy nhiên, sau khi kết nối một thời gian với Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) và được đồng ý hỗ trợ ươm tạo dự án khởi nghiệp, Diễm My lại nhận thấy dự án kết nối du lịch cộng đồng có mức độ bao quát lớn và cá nhân khó làm nên đã quyết định rẽ hướng đi sâu vào khai thác ẩm thực Chăm. “Di tích Mỹ Sơn thu hút đông đảo du khách nhờ vào kiến trúc văn hóa Chăm đặc sắc, khác biệt. Thế nhưng tại đây dịch vụ ẩm thực của người Chăm lại chưa được khai thác đúng mức nên em muốn đánh thức lại sản phẩm này để du khách có thêm một trải nghiệm độc đáo” - Diễm My chia sẻ. Sau 3 tháng “ươm tạo” tại Songhan Incubator, dự án ẩm thực Chăm của Diễm My đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm để có thể đứng vững một khi triển khai vào thực tế.

Khôi phục ẩm thực Chăm

Vừa qua, Diễm My đã có chuyến tham quan, học tập tại Ninh Thuận, nơi có đông đảo cộng đồng người Chăm sinh sống để học hỏi văn hóa ẩm thực Chăm. My cho biết, hiện đã nắm được cơ bản cách chế biến một số món ăn “thuần chất” của người Chăm để giới thiệu đến du khách; và nếu dự án được phát triển mạnh, sẽ tìm cách thuyết phục một vài phụ nữ Chăm có tay nghề nấu nướng từ Ninh Thuận để phục vụ khách hàng. Diễm My nói: “Có 3 món thể hiện nét đặc trưng của ẩm thực người Chăm có thể giới thiệu đến du khách là canh chua lá me nấu thịt trâu, thịt dê; canh môn ngọt và giông nướng, xào lá cà ri”. Một khó khăn trong dự án là việc phải tìm cách điều chỉnh một số quy trình chế biến để khách hàng thích nghi được với khẩu vị, phong tục của ẩm thực Chăm bởi theo văn hóa Chăm có tục lấy tay bốc đồ khi nấu ăn hoặc tục ăn bốc… Điều trăn trở của Diễm My là chưa tìm được những người đồng hành có tâm huyết để “đánh thức” một nét văn hóa đặc trưng của người Chăm vốn đã mai một nhiều.

Khâu xác định mặt bằng để thực hiện dự án ẩm thực Chăm được chủ nhân của dự án chia sẻ là đang trong quá trình thương thảo một địa điểm cách di tích Mỹ Sơn khoảng 3km. Nếu mọi chuyện ổn thỏa sẽ tiến hành thương mại hóa dự án trong đầu năm 2019 sau vài tháng tìm hiểu nhu cầu thị trường. Được biết, qua sự kết nối của các start-up có kinh nghiệm thì dự án “ẩm thực Chăm” cũng đã tiếp cận, trao đổi thông tin với một công ty du lịch tại TP.Hội An để tìm kiếm thị trường khách có nhu cầu thưởng thức loại hình ẩm thực này. Songhan Incubator cũng tích cực đồng hành với cô sinh viên trẻ trong việc cố vấn, chia sẻ các kỹ năng start-up, giúp cho dự án có thể thương mại hóa trên thị trường. Vào giữa tháng 10 này, dự án ẩm thực Chăm của Diễm My cùng 4 dự án khác được ươm tạo tại Songhan Incubator sẽ có buổi kết nối với 10 nhà đầu tư để tìm kiếm cơ hội gọi vốn, hợp tác. “Nếu dự án chưa thể kết nối với một nguồn tài chính lớn thì bản thân em vẫn sẽ tự mình thực hiện dự án này từ quy mô nhỏ và sau đó tùy tình hình sẽ lấy ngắn nuôi dài” - Diễm My bộc bạch.

QUỐC TUẤN

TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP - SÁNG TẠO”

QUỐC TUẤN