"Vốn không phải là quan trọng nhất khi khởi nghiệp"

NGUYỄN THANH VĨNH 10/09/2018 07:00

Đó là nhận định của ông Trần Vũ Lê – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nội thất Lê Trần đưa ra trong buổi gặp mặt với đại diện Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tỉnh về những vấn đề liên quan đến việc kết nối doanh nhân Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh với khởi nghiệp tại quê hương.

Rất nhiều doanh nhân tại TP.Hồ Chí Minh đến dự buổi gặp mặt. Ảnh: N.T.V
Rất nhiều doanh nhân tại TP.Hồ Chí Minh đến dự buổi gặp mặt. Ảnh: N.T.V

Buổi gặp mặt được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “Kết nối doanh nhân Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh với khởi nghiệp tại quê hương”. Tham dự buổi gặp mặt có đại diện Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và nhiều doanh nhân gốc Quảng đang sinh sống, làm việc tại TP.Hồ Chí Minh.

Ths.Mai Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, những năm qua, ngoài các hoạt động như vận động đóng góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà thì hội đồng hương cũng luôn sát cánh, chia sẻ và hỗ trợ cho nhiều doanh nhân - doanh nghiệp là những người con của quê hương Quảng Nam đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh cùng nhau kết nối phát triển. Hội đồng hương luôn sẵn lòng làm cầu nối, tạo điều kiện để nhiều người con xa quê được biết đến và có cơ hội hỗ trợ cho quê hương, nhất là trong vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp đối với những “nhà doanh nghiệp trẻ” của tỉnh. Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho biết Quảng Nam có rất nhiều nhân tài đang sinh sống ở cả trong và ngoài địa bàn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của quê hương.

Tuy nhiên, dù có đội ngũ người tài đông đảo, nhưng việc kết nối sức mạnh tập thể để phát huy những tiềm lực sẵn có của tỉnh thì chưa thật sự tốt. Trong khi đó, Quảng Nam lại là nơi có nhiều lợi thế về du lịch, có nhiều loại đặc sản nổi tiếng… cần được đẩy mạnh đầu tư phát triển. “Tỉnh Quảng Nam hiện có rất nhiều tài năng trẻ đang muốn được khởi nghiệp. Thế nhưng, để thực hiện khởi nghiệp không phải là chuyện dễ. Đặc biệt là khi những tài năng ấy chưa có số vốn cần thiết để thực hiện các đề án đặt ra. Mặt khác, doanh nghiệp trẻ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm khi bước vào thương trường. Cho nên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang quan tâm là làm sao để kết nối, tạo điều kiện để những tài năng trẻ ở quê hương nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn từ nhiều doanh nhân có “bề dày” về làm kinh tế đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh” - ông Sinh nói.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Trần Vũ Lê -  Chủ tịch HĐQT Nội thất Lê Trần -TP.Hồ Chí Minh (một trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu nhựa lớn nhất Việt Nam) cho rằng, tiền vốn là cần thiết nhưng nó không phải yếu tố quan trọng nhất trong khởi nghiệp. Điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp chính là những cá nhân thực hiện phải đưa ra được những đề án, chiến lược rõ ràng và phải tính toán kỹ lưỡng các bước thực hiện đề án đặt ra chứ không được “ảo tưởng sức mạnh”. Mà để làm được điều đó thì những người khởi nghiệp trước hết cần phải xây dựng được một ê-kíp làm việc có hiệu quả. “Là những người đi trước, chúng tôi sẽ có biện pháp hỗ trợ, trong đó có biện pháp hỗ trợ về vốn cho những người khởi nghiệp tại quê hương. Tuy nhiên, trước khi hỗ trợ, chúng tôi cần thiết phải xem các em xây dựng đề án kinh doanh như thế nào. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không “quay lưng” với những người khởi nghiệp “có triển vọng” dù họ đang sống tại quê nhà” - ông Lê nói.

Cũng liên quan tới vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp, ông Đỗ Thanh Tịnh – Giám đốc Công ty Nội thất Tứ Hưng (Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, bản thân ông đã từng có ý định từ bỏ do thất bại trong 2 lần đầu khởi nghiệp. Khởi nghiệp hoàn toàn không đơn giản, nên người khởi nghiệp cần phải tính toán cẩn thận, biết lựa chọn điểm mạnh của mình để phát huy. Theo ông Tịnh, ông có rất nhiều kinh nghiệm về công nghệ, về maketing, đặc biệt là maketing online. Cho nên, ông có thể hướng dẫn, truyền đạt lại vốn kiến thức mà mình có được cho những người có ý định đang sống tại quê hương. Ngoài ra, ông Tịnh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh nên tổ chức những cuộc thi để chọn lựa ra những đề án xuất sắc nhất để các doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh quan tâm, giúp đỡ. Bởi lẽ, số lượng người muốn khởi nghiệp là rất lớn cho nên các doanh nhân – doanh nghiệp không có đủ thời gian để hỗ trợ, hướng dẫn từng người được.

Ông Võ Duy Lương, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết đang mong muốn phối hợp với tỉnh Quảng Nam trong việc xây dựng thương hiệu yến sào của Quảng Nam. Theo ông Võ Duy Lương, đây là lợi thế và tiềm năng của địa phương, thời gian qua ông đã dùng nhiều công sức, thời gian để về quê hương tìm hiểu, đưa công nghệ về đầu tư. Hiện nay ông hình thành một số nhà yến, nhưng rất mong được tỉnh hỗ trợ để xây dựng làng yến sào hoặc các hợp tác xã nuôi yến vì đây là thu nhập lớn cho bà con địa phương cũng như đầu ra trong nước và xuất khẩu hiện có nhu cầu lớn. Tại buổi gặp mặt, nhiều doanh nhân trẻ là con em của quê hương cũng có nhiều ý kiến đóng góp, cho biết sẵn sàng hỗ trợ cho các chương trình khởi nghiệp tại Quảng Nam.

NGUYỄN THANH VĨNH

NGUYỄN THANH VĨNH