Đam mê hội họa
Vì đam mê hội họa, cô giáo trẻ Trần Thị Thương (TP.Tam Kỳ) đã dồn toàn bộ vốn liếng dành dụm của vợ chồng để đầu tư cửa hàng kinh doanh và lớp dạy vẽ cho học sinh.
Cô giáo Thương tận tình chỉ bảo cho học sinh ở lớp dạy vẽ của mình. Ảnh: V.ANH |
Mở quầy lưu niệm
Tốt nghiệp trung cấp ngành Sư phạm Mỹ Thuật (Trường Đại học Nghệ thuật Huế) năm 2009, đến năm 2017 chị Thương lấy được tấm bằng đại học sư phạm sau quá trình vừa học vừa làm. Với niềm đam mê hội họa và mong ước được gắn bó với nghề giáo, khoảng thời gian này, chị liên hệ nhiều trường học trên địa bàn để dạy vẽ nhưng nhiều năm trôi qua chị phải sắm vai “người đóng thế” vì không chen chân được vào biên chế. “Thường thì tôi chỉ xin được vào dạy thế cho những giáo viên nghỉ thai sản, sau khi họ trở lại thì mình phải nghỉ và đi tìm việc chỗ khác” – chị Thương tâm sự. Không tìm được “chỗ đứng” lâu dài trong nghề giáo nên chị Thương vừa tranh thủ đi dạy thêm ở Trung tâm Thiếu nhi thành phố vừa suy tính đến việc mở cơ sở dạy vẽ tự mình đứng lớp. Chị cho biết: “Trong quá trình đi làm mình cố gắng tích lũy thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng hội họa để mong một ngày có thể tự tin mở lớp vẽ riêng. Đây là dự định tôi luôn ấp ủ nhưng do tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ, trong khi vốn liếng chưa có nên đành tạm gác lại”.
Dự định sẽ mở lớp dạy vẽ và kinh doanh vật tư hội họa, nhưng khi dự định đó chưa thực hiện thì chị lại quyết định đầu tư vào một mảng hoàn toàn mới lạ khi cơ hội đến. Quầy hàng lưu niệm tại làng bích họa (thôn Thượng Thanh, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) là dự án kinh doanh đầu tay của chị. Đây cũng là quầy hàng lưu niệm phục vụ du khách đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại ở làng bích họa. Chị Thương cho hay: “Lúc triển khai dự án mỹ thuật ở làng bích họa, tôi được mời cùng tham gia vẽ các tác phẩm ở đây. Lúc ấy trong đầu tôi chợt bật ra suy nghĩ về việc kinh doanh quầy hàng lưu niệm để phục vụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho du khách đến tham quan. Nghĩ là làm, ngày hoàn thành dự án mỹ thuật ở làng bích họa cũng là lúc tôi khai trương quầy hàng lưu niệm phục vụ khách”. Theo chị Thương, quầy hàng lưu niệm tuy diện tích còn khiêm tốn và còn phải thuê lại nhà dân nhưng sản phẩm bày bán thì khá phong phú. Đặc biệt, với lợi thế về hội họa, chị Thương tự mình vẽ tranh và kết nối với các họa sĩ gần xa để đưa tranh về phục vụ du khách. Sản phẩm khá độc đáo ở quầy hàng lưu niệm chính là những chiếc nón lá do chị Thương và bạn bè trang trí bằng tranh vẽ. Thấy thú vị, một số hộ dân ở Tam Thanh cũng nhập nón lá của chị Thương về chào bán cho du khách.
Dành tâm huyết cho hội họa
Để động viên cho các ý tưởng khởi nghiệp trên địa bàn TP.Tam Kỳ, vừa qua thành đoàn tổ chức diễn đàn hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp dành cho thanh niên thành phố. Tại đây, dự án quầy hàng lưu niệm tại làng bích họa Tam Thanh của chị Thương là một trong những ý tưởng khởi nghiệp được Thành đoàn Tam Kỳ trao kinh phí hỗ trợ. Cụ thể, thành đoàn hỗ trợ chị Thương một số kệ gỗ để bày bán các sản phẩm lưu niệm tại đây. |
Sau khi mở quầy hàng lưu niệm, cách đây gần 4 tháng, chị Thương tiếp tục khai trương cửa hàng vật tư hội họa và lớp dạy vẽ có địa chỉ nằm trên đường mới Tam Kỳ - Tam Thanh (cách cầu Kỳ Phú gần 200m). Nếu quầy hàng lưu niệm chỉ là quyết định bất chợt thì lớp dạy vẽ và cửa hàng vật tư hội họa là dự định lớn mà chị Thương ấp ủ nhiều năm trời. Toàn bộ diện tích mặt bằng chừng 30m2 của cửa hàng, chị Thương vừa bố trí bày bán các dụng cụ, vật tư hội họa vừa kê đủ gần 10 bộ bàn ghế để dành cho học sinh đến học vẽ.
Dù quy mô không lớn nhưng cửa hàng bày bán khá đầy đủ dụng cụ, vật tư về hội họa, điêu khắc, thư pháp. Đối tượng khách hàng mà chị Thương hướng đến là học sinh, sinh viên đam mê mỹ thuật và giới họa sĩ tại TP.Tam Kỳ. Chị cho biết: “Là người trong nghề nên tôi hiểu, có nhiều dụng cụ, vật liệu dành cho hội họa không dễ để mua ngay được ở TP.Tam Kỳ mà phải vào Quảng Ngãi hoặc ra Đà Nẵng. Đó là lợi thế và cơ hội để tôi dồn toàn bộ tâm huyết đầu tư cửa hàng. Tôi tự tin rằng, các sản phẩm ở cửa hàng sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cả dân không chuyên lẫn chuyên nghiệp về mỹ thuật”.
Đầu tư quầy hàng lưu niệm đến cửa hàng vật tư hội họa trong một thời gian ngắn buộc chị Thương phải bỏ vốn gần 250 triệu đồng. Đó là số tiền mồ hôi nước mắt mà nhiều năm đi làm vợ chồng chị tích góp được. “Số tiền ấy vợ chồng dự định để dành mua đất sau này có điều kiện làm nhà. Nhưng dự định đó phải tạm gác lại để dành vốn đầu tư cửa hàng và quầy lưu niệm. May mắn là những quyết định kinh doanh của tôi luôn được chồng ủng hộ và động viên” - chị Thương chia sẻ. Trong khi đó, với lớp dạy vẽ, dù mới mở cửa ít tháng nhưng khá nhiều phụ huynh đã tin tưởng gửi con vào học. Hàng ngày, vừa tranh thủ trông coi cửa hàng, chị Thương lại dành tâm huyết truyền đạt niềm đam mê mỹ thuật của mình đến các em nhỏ. Em Nguyễn Trương Nhật Hạ (lớp 6, Trường THCS Chu Văn An, TP.Tam Kỳ), một học trò ở lớp vẽ, nói: “Con mới học ở lớp của cô Thương được 2 tháng. Cô vui tính và rất nhiệt tình. Con rất thích vẽ và mong sau này sẽ vẽ đẹp như cô Thương”.
Được chồng ủng hộ nhưng khi bước chân vào kinh doanh, tâm trạng chị Thương cũng không khỏi lo lắng. Chị nói: “Mỹ thuật, hội họa là mảng tôi đam mê, yêu thích nên tôi tin quyết định kinh doanh của mình là chính xác. Nhưng tôi biết, khởi nghiệp ban đầu sẽ gặp khó khăn và cần phải học hỏi nhiều thứ. Trước mắt tôi mong muốn phụ huynh tin tưởng, gửi gắm thêm học sinh đến lớp vẽ. Về lâu dài, tôi mong cửa hàng buôn bán tốt để mình có thể đầu tư, mua sắm và mở rộng thêm”.
ANH ĐÔNG
TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP – SÁNG TẠO”