Đi lên từ nhang trầm
Sớm đoán được thị trường trầm hương nhân tạo sẽ bị tụt dốc nên anh Lê Ngọc Long (thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) đã nhanh chóng chuyển đổi loại hình sản xuất kinh doanh. Cũng gắn bó với trầm nhưng anh Long lại quyết định đầu tư sản xuất nhang trầm.
Mỗi ngày, cơ sở của anh Long sản xuất được gần 1 tấn nhang trầm cùng nhiều sản phẩm trầm hương khác. Ảnh: P.VINH |
Vượt khó
Tốt nghiệp ngành cơ khí nhưng Lê Ngọc Long chỉ theo nghề được vài tháng rồi nghỉ. Bởi những năm 2011 - 2013, cơn sốt trầm hương và kỳ nam lan mạnh về vùng núi Nông Sơn, nhiều người thoáng chốc đã thành đại gia nhờ nghề nấu trầm hương xuất bán qua Trung Quốc, Thái Lan. Trong số người bị cuốn theo cơn sốt trầm hương này, có anh Long. Không thể cạnh tranh được ở quê hương, anh Long vào TP.Hồ Chí Minh học nghề làm trầm. Khoảng một năm sau đó, anh mở được cơ sở sản xuất trầm hương riêng ở thành phố này. Đã có thương hiệu, anh Long quyết định từ bỏ chốn thành thị để về quê phát triển. Nhưng anh về quê không phải làm trầm hương mà là sản xuất nhang trầm khiến nhiều người bất ngờ. Dù năm 2013 là giai đoạn hoàng kim của những người làm trầm hương nhưng anh Long vẫn quyết định dừng cuộc chơi này. “Bởi về lâu dài, nấu trầm nhân tạo sẽ không bền vững. Mặt khác, thị trường nhang trầm luôn có sức tiêu thụ lớn, gần như nơi nào cũng dùng đến. Và tôi xác định đây mới là thị trường bền vững. Ở huyện Nông Sơn thời điểm đó chưa có ai làm nhang trầm bài bản. Và đây là điều kiện thuận lợi để tôi khởi nghiệp” - anh Long nói.
Lê Ngọc Long phải bỏ ra khoảng thời gian hơn 3 tháng đi học ở làng nghề Quán Hương (Thăng Bình) để hiểu cách làm nhang trầm. Thạo nghề, anh Long đầu tư mở xưởng, mua các thiết bị máy móc. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm, các máy móc anh mua từ đại lý không được bảo hành và thường xuyên hư hỏng, xuống cấp. Nghĩ rằng, cái gì không biết thì phải học, anh lại xuống TP.Đà Nẵng và tìm đến những cơ sở sản xuất để học cách vận hành, sửa chữa các loại máy làm nhang. Bởi theo từng đơn đặt hàng khác nhau mà kích thước, độ mịn của các loại nhang cũng khác nhau. Tất cả phải điều chỉnh trong máy để cho ra một loại nhang đúng chuẩn.
Thế nhưng, sau khi đã vận hành ổn định quy trình sản xuất nhang trầm khép kín, anh Long lại đối mặt với một khó khăn nữa, điều này quyết định sự thành công của mô hình. Anh chia sẻ: “Làm được sản phẩm rồi, sản xuất có số lượng rồi nhưng bán cho ai? Vì mình sản xuất số lượng nhiều, với quy mô lớn nên thị trường của mình phải lớn và ổn định. Tìm kiếm được thị trường như vậy là quá khó khăn. Để khắc phục được điều đó, tôi đã đi rất nhiều tỉnh và đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung bộ trong vai trò như một người tiếp thị sản phẩm và tôi đã thành công”.
Tiếp tục vươn xa
Từ diện tích 20m2 ban đầu, đến nay cơ sở sản xuất nhang trầm của anh Long đã mở rộng lên 300m2. Anh còn đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại và mua một xe vận tải để chở hàng đi các tỉnh phía Bắc. Thời gian đầu, mô hình của anh Long mỗi tháng chỉ sản xuất ra 2 tấn nhang và bị động trong khâu phơi khô nhang vào mùa mưa. Vừa rồi, được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công của Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nông Sơn, anh Long đã đầu tư thêm 3 máy bắn nhang và 1 hệ thống sấy nhang tự động trị giá hơn 130 triệu đồng. Đến nay, mỗi tháng cơ sở nhang trầm Bình An của anh Long đã sản xuất được hơn 30 tấn nhang và duy trì ổn định lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường. “Trước đây, vì quy mô còn nhỏ lẻ nên tôi chưa dám tiếp cận với những hợp đồng lớn và dài hạn. Nay đã mở rộng quy mô, dây chuyền vận hành ổn định, khép kín từ khâu trộn bột trầm, đến bắn nhang và sấy chỉ cần khoảng 24 giờ đồng hồ, nên tôi đã mạnh dạn tìm kiếm thị trường lớn và cung cấp hàng quanh năm” - anh Long chia sẻ.
Không dừng ở việc sản xuất nhang trầm, đến nay, cơ sở của anh Long còn sản xuất nụ trầm hương và các loại trang sức, vòng đeo tay bằng trầm nhân tạo. Cơ sở thu về gần 100 triệu đồng mỗi tháng và giải quyết lao động cho gần 10 người với thu nhập ổn định 4 - 6 triệu đồng hằng tháng. Đặc biệt, khi đã ổn định với mô hình nhang trầm, vừa qua, anh Long đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Anh ra TP.Đà Nẵng mở xưởng gỗ công nghiệp. Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, năm 2017, anh Long được Tỉnh đoàn khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phong trào “Sáng tạo trẻ”.
Ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc cho hay, đối với những thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp tại quê hương thì anh Lê Ngọc Long là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Cơ sở nhang trầm Bình An là một trong những mô hình tiểu thủ công nghiệp được địa phương đánh giá cao về hiệu quả trong thu nhập và giải quyết nguồn lao động tại chỗ. “Trong các buổi đối thoại với thanh niên hay làm việc với các cơ sở, chúng tôi thường đưa tấm gương anh Lê Ngọc Long ra để cho mọi người noi theo. Dù còn khá trẻ nhưng anh đã thành công với mô hình kinh tế. Và đặc biệt nhất, khi thành công rồi, anh không ngồi hưởng thụ mà tiếp tục đầu tư ở lĩnh vực mới để thử sức với bản thân. Đây quả là tấm gương có chí lớn mà thanh niên địa phương cần học hỏi” - ông Tân nói.
PHAN VINH