Người trẻ khởi nghiệp ở quê

PHẠM HOÀNG 16/04/2018 13:46

Những năm gần đây, nhiều thanh niên nông dân ở Tiên Phước đã mạnh dạn đầu tư phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Dưới đây là hai mô hình tiêu biểu...

Cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi của vợ chồng anh Trương Minh Tiến, xã Tiên Thọ. Ảnh: P.H
Cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi của vợ chồng anh Trương Minh Tiến, xã Tiên Thọ. Ảnh: P.H

1. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử viễn thông Trường Đại học Đà Lạt, đã có việc làm phù hợp với chuyên môn nhưng chàng kỹ sư Trần Bảo Thắng ở tại thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, lại quyết định về quê lập nghiệp bằng mô hình sản xuất phù chúc - một loại thực phẩm chay đang được thị trường ưa chuộng. Trần Bảo Thắng năm nay tròn 28 tuổi. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, Thắng được nhận vào làm cho một công ty viễn thông. Có việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học nhưng anh vẫn hướng về quê hương với mong muốn tự mình làm giàu trên mảnh đất quê hơn là làm công ăn lương. Với nguồn vốn tích lũy được khoảng 100 triệu đồng, Thắng về quê bàn với gia đình vay mượn thêm bà con, anh em, vay ngân hàng rồi thuê đất xây dựng cơ sở sản xuất phù chúc, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc sản xuất gặp khó khăn, dẫn đến thua lỗ. Nhưng Thắng vẫn không nản chí, anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi ở những người đi trước, dần khắc phục được những hạn chế, từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất chặt chẽ, khoa học nên sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Hiện cơ sở sản xuất của anh Thắng cho ra lò bình quân mỗi ngày hơn 1 tạ phù chúc các loại, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho 9 lao động với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Trần Bảo Thắng chia sẻ: “Đây là nghề không dễ làm, đòi hỏi vốn đầu tư cao nhưng làm được thì công việc khá ổn định không chỉ cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương do nhu cầu của thị trường khá lớn. Chính vì vậy, tôi quyết định chọn nghề này thay cho công việc bản thân đã chọn trước đây”. Cơ sở từng bước đi vào hoạt động ổn định, nền nếp, Trần Bảo Thắng lại tiếp tục đề ra mục tiêu mới cho bản thân. Đó là mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương. Đồng thời anh cũng dự định sẽ liên kết với các hộ cùng sản xuất mặt hàng này trên địa bàn xã Tiên Hà thành lập hợp tác xã nhằm phát huy sức mạnh của tập thể, giúp nhau thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chị Trần Thị Công - Bí thư Đoàn xã Tiên Hà cho biết: “Trần Bảo Thắng là thanh niên trẻ, đầy nhiệt huyết, có quyết tâm cao. Mặc dù mô hình mới được xây dựng gần hai năm nhưng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đoàn xã chọn đây là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của tuổi trẻ xã nhà để nhân rộng trên địa bàn”.

2. Mô hình dịch vụ kinh doanh tổng hợp cung cấp thức ăn chăn nuôi, thú y, xay xát, vận tải của vợ chồng anh chị Trương Minh Tiến - Nguyễn Thị Đông ở tại thôn 3 xã Tiên Thọ cũng là một điển hình tiêu biểu. Anh chị cưới nhau và “ra riêng” gặp không ít khó khăn vì vốn liếng không nhiều để tạo dựng cơ nghiệp. Bằng ý chí và nghị lực, vợ chồng anh xây dựng mô hình kinh doanh tổng hợp. Ban đầu chỉ là dịch vụ xay xát đơn giản, nguồn thu chỉ đủ trang trải chi tiêu trong gia đình. Nhưng rồi nhờ sự chu đáo, thái độ niềm nở, phục vụ tận tình, dịch vụ của vợ chồng anh ngày một đông khách. Khi đã ăn nên làm ra, vợ chồng anh chị dần mở rộng quy mô, mua sắm thêm máy xay xát thức ăn chăn nuôi, phát triển dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y rồi đến cung ứng con, cây giống, dịch vụ vận tải… Hiện vợ chồng anh là đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi trả chậm cho hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Tiên Thọ và các địa phương trong huyện với số dư nợ 10 - 500 triệu đồng/hộ. Doanh thu của vợ chồng anh hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Anh Trương Minh Tiến chia sẻ: “Là một nông dân đi lên từ khó khăn nên gia đình tôi rất hiểu những khó khăn, vướng mắc của bà con nông dân về nguồn vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất cũng như việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Hơn nữa, phần lớn bà con còn sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Với kinh nghiệm của bản thân cùng với vốn liếng tích lũy được, vợ chồng tôi đã chủ động đầu tư cho bà con về giống heo, gà, thức ăn với phương thức trả chậm hoặc trả sau khi xuất bán, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật. Vợ chồng tôi còn động viên nhiều hộ mạnh dạn phát triển chăn nuôi quy mô lớn, đem lại hiệu quả rõ rệt”. Ông Nguyễn Văn Oanh ở thôn 2, xã Tiên Thọ, là khách hàng thường xuyên của anh Tiến, cho biết: “Nhờ có sự đầu tư của vợ chồng anh Tiến, tôi mới nuôi thường xuyên hàng chục con heo, 200 - 300 con gà, mỗi lứa thu nhập 20 - 30 triệu đồng. Tôi thấy cách làm của anh Tiến rất hay, tạo động lực để hộ khó khăn, hộ nghèo cũng có thể phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình”. Nhờ có lượng khách hàng ngày một tăng, việc kinh doanh của vợ chồng anh Tiến cũng ngày càng phát triển. Hiện anh đã có hai khu kinh doanh thức ăn chăn nuôi, một cơ sở xay xát chế biến thức ăn thô, 2 xe tải chuyên chở thức ăn đến tận gia trại, trang trại của khách hàng.

PHẠM HOÀNG

PHẠM HOÀNG