Về quê làm nông nghiệp sạch
Tốt nghiệp ngành kế toán và đã có việc làm ổn định ở TP.Đà Nẵng nhưng Sương quyết định trở về quê để thực hiện mong muốn xây dựng mô hình nông nghiệp sạch, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, cho giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng rau theo phương thức thủy canh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chị Sương. |
Giấc mơ nông nghiệp sạch
Chứng kiến công việc đồng áng của cha mẹ, chị Bùi Thị Thu Sương (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) luôn trăn trở về câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nông dân. Đầu năm 2017, chị mạnh dạn vay mượn bạn bè cộng với số tiền tích góp của mình đầu tư hơn 100 triệu đồng, thành lập Công ty TNHH MTV vườn nhiệt đới KAPI chuyên sản xuất rau bằng phương pháp nông nghiệp thủy canh.
Với tinh thần ham học hỏi, chị Sương tích cực tham khảo thông tin từ sách báo, các buổi hội thảo về trồng rau thủy canh. Sau đó, chị bắt đầu liên kết với nhà cung cấp hệ thống rau thủy canh, đồng thời tìm kiếm nguồn cung ứng giống đạt tiêu chuẩn để xây dựng mô hình của mình. Trên diện tích hơn 100m2 vườn nhà, chị chọn giống rau xà lách ôn đới để trồng trên hệ thống thủy canh. Đối tượng khách hàng chị Sương nhắm đến là các siêu thị nông sản sạch, các resort, nhà hàng yêu cầu cao về chất lượng thực phẩm. Để đáp ứng được điều đó, chị Sương lựa chọn giống F1 xuất xứ từ Hà Lan có tỷ lệ nảy mầm cao, khả năng phòng chống dịch bệnh tốt và đặc biệt thích nghi được với khí hậu địa phương. Ngoài ra, trong quá trình vận hành hệ thống nông nghiệp thủy canh của mình, chị không hề dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo cho cây phát triển tốt và an toàn.
Chị Sương chia sẻ: “Thời gian đầu khi khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp thủy canh, mình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sự phản đối từ gia đình mình. Ai cũng nghĩ bỏ ra số tiền 100 triệu đồng chỉ để trồng rau là một việc hết sức vô lý. Đến khi bắt tay vào làm thì việc tìm con giống, kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm vô cùng khó khăn. Nhưng sau đó, thấy được quyết tâm của mình nên mọi người đã ủng hộ. Đồng thời trong quá trình học hỏi, mình có thêm nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ, dần dần đã khắc phục được những trở ngại đó”.
Hiệu quả kinh tế cao
Do chủ động chuẩn bị nhiều mặt cho mô hình từ chất lượng sản phẩm, kỹ thuật canh tác đến yếu tố môi trường nên trại rau thủy canh của chị Sương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 2 tháng khởi nghiệp, mô hình cho thu hoạch 3 lứa, mỗi lứa được khoảng 255kg rau. Với giá bán ra thị trường khoảng từ 65 - 85 nghìn đồng/kg, mỗi lứa rau, chị Sương thu được khoảng 15 triệu đồng. “Trên cùng một đơn vị diện tích, trồng rau theo phương thức thủy canh cho hiệu quả gấp 3 lần so với cách canh tác thông thường. Mô hình thủy canh ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân còn đem đến cho người tiêu dùng sự an toàn” - chị Sương chia sẻ.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và kỹ thuật canh tác, thời gian qua, chị Sương đã chủ động liên kết với dự án H20 Farm (mô hình nông nghiệp công nghệ cao). Theo đó, tất cả cơ sở vật chất từ giàn ươm đến giá thể sinh trưởng của Công ty TNHH MTV vườn nhiệt đới KAPI đều do dự án H20 Farm cung cấp và không ngừng cải thiện nâng cao. Ngoài ra, dự án H20 Farm còn thường xuyên đến mô hình này để kiểm tra, gửi các mẫu nước, đất đi Hà Lan xét nghiệm và đánh giá. Chính vì vậy, mô hình trồng rau thủy canh của chị Sương luôn đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn vì được giám sát kiểm tra từ nhiều bên. Ông Nguyễn Quốc Phong - Giám đốc dự án H20 Farm cho biết: “Nông nghiệp thông minh đang là xu thế mới hiện nay, và mô hình của chị Sương đang đi theo một hướng như thế. Khi người sở hữu mô hình luôn có tư duy không ngừng nâng cao kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm thì chắc chắn họ sẽ dần có được thương hiệu và đưa nông nghiệp sạch phát triển rộng hơn”.
Sắp tới, chị Sương có dự tính sẽ mở rộng mô hình rau thủy canh của mình. Cụ thể, do nhu cầu của thị trường ngày càng lớn và đa dạng về các loại rau nên chị sẽ đầu tư mở rộng trại rau lên 300m2, đồng thời triển khai thử nghiệm với nhiều loại rau khác. Anh Nguyễn Viết Tâm - Phó Bí thư Đoàn phường Điện Ngọc cho biết: “Mô hình nông nghiệp sạch của chị Sương đã nhiều lần được giới thiệu tại các hội thảo, hội nghị liên quan đến vấn đề nông nghiệp tại địa phương. Ngoài việc lấy mô hình này làm tiêu biểu để giới thiệu cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn noi theo thì chúng tôi cũng đang tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả bền vững của mô hình để xem xét cấp vốn vay ưu đãi cho chị Sương mở rộng quy mô”.
VĂN TRUNG - PHAN VINH
TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP - SÁNG TẠO”