Khởi nghiệp từ đất quê

NGUYỄN HƯNG 11/01/2018 09:28

Anh Nguyễn Văn Chương và Nguyễn Văn Bình cùng trú tại thôn 3 xã Tiên Phong (Tiên Phước) khởi nghiệp bằng cách nuôi dê, nuôi heo rừng lai và nuôi dế. Kết quả bước đầu rất khả quan.

Hiệu quả mô hình nuôi dê

Sau 10 năm làm công nhân Công ty Dệt sợi tại TP. Hồ Chí Minh nhưng cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chương quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi dê. Đó là năm 2015. Trước khi bắt tay vào chăn nuôi dê, anh Chương đi tham khảo một số trang trại chăn nuôi dê ở Thừa Thiên Huế nhằm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm rồi anh quyết định mua 10 con dê giống về nuôi thả. Sau thời gian chăn thả đàn dê phát triển tốt, số lượng ngày một tăng lên, có lúc lên hơn 60 con. Dê nuôi khoảng một năm tuổi bắt đầu sinh sản. Các lứa tiếp theo trung bình khoảng  5 - 6 tháng dê sinh sản một lứa, từ  lúc sinh ra đến khoảng 6 - 7 tháng tuổi là dê có thể đạt trọng lượng khoảng 20 - 25kg, vừa tiêu chuẩn để xuất chuồng. Thấy đàn dê phát triển tốt, năm 2016, thông qua Hội Nông dân xã, anh Chương vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện để đầu tư chuồng trại, mua thức ăn, chăm sóc đàn dê…

Hiện tại đàn dê của gia đình anh Chương có hơn 40 con, mỗi con đạt trọng lượng khoảng 25 - 30kg. Anh Chương cho biết: “Việc nuôi dê cũng khá đơn giản, vì dê có sức đề kháng tốt, ít mắc các dịch bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ voi, cỏ sả, lá cây ngoài tự nhiên… người nuôi chỉ cần cho dê mẹ lúc sinh con ăn thêm bột cám gạo, bột bắp để tăng thêm nguồn sữa, giúp dê con phát triển tốt. Diện tích đất rừng đồi ở đây tương đối rộng có thể chăn thả dê, thời gian đến nếu được chính quyền quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay tôi sẽ đầu tư xây chuồng trại, nhân rộng đàn lên khoảng vài trăm con”. Do mới đầu tư chăn thả được hơn 2 năm, anh Chương chủ yếu là nhân đàn dê, chưa xuất bán với quy mô lớn. Gia đình chỉ mới xuất bán hơn 20 con dê, khoảng gần 600kg thịt, với giá dao động 110 - 120 nghìn đồng/kg, số tiền thu được xấp xỉ 70 triệu đồng. Ông Thái Viết Phục - Chi hội trưởng nông dân thôn 3 xã Tiên Phong nói: “Mô hình nuôi dê của gia đình anh Chương là một trong những mô hình mới, cần nhân rộng để bà con trong thôn học tập làm theo”.

Nuôi heo rừng lai và dế

Anh Nguyễn Văn Bình cũng là thanh niên ở Tiên Phong. Ba năm làm công nhân dệt may tại TP.Hồ Chí Minh, rồi về quê làm nghề mộc, nhưng cuộc sống của gia đình anh vẫn không khấm khá nổi. Đầu năm 2017, anh Bình bàn với gia đình đầu tư nuôi heo rừng lai và nuôi dế, bởi anh nghĩ hai mô hình này ở quê khá mới mẻ, việc đầu tư cũng không tốn quá nhiều kinh phí. Được gia đình ủng hộ, anh Bình đi tham quan mô hình nuôi heo rừng lai tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh) và một số mô hình nuôi heo rừng tại huyện Quế Sơn. Sau đó, anh chọn mua 4 con heo rừng lai giống (một heo đực và 3 con nái) về nuôi thả. Ngay trong lứa đầu 3 heo nái giống đã sinh sản được 20 heo con. Nhờ diện tích vườn đồi rộng, nguồn thức ăn dồi dào nên đàn heo con phát triển khá nhanh. Vừa qua, anh xuất bán 4 con heo giống với giá 150 nghìn đồng/kg hơi. Anh Bình, cho biết: “Việc nuôi heo rừng lai không khó vì thức ăn của chúng chủ yếu là cám gạo, rau, củ quả... nên cũng ít tốn kinh phí mua thức ăn. Heo rừng sống quen với môi trường tự nhiên ít mắc các dịch bệnh, nếu được chăm sóc tốt heo phát triển nhanh”.

Đối với mô hình nuôi dế, anh Bình tự tìm tòi, học hỏi trên Internet, đọc sách báo, liên hệ với một số cơ sở chăn nuôi dế tại Hà Nội để chọn mua con giống và xuất bán sau này. Anh Bình chia sẻ, ban đầu mua dế về nuôi thả cũng gặp không ít khó khăn, do điều kiện khí hậu ở quê khác với khí hậu ngoài Bắc nên dế giống chết hàng loạt. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu học hỏi các mô hình nuôi dế của những người đi trước, đồng thời anh linh hoạt thay đổi kỹ thuật nên đàn dế bắt đầu phát triển. “Chăm nuôi dưỡng dế đơn giản, ít vốn, ít dịch bệnh, dễ thực hiện nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao, ai cũng có thể nuôi được. Hàng ngày xịt nước để giữ độ ẩm và nhiệt độ ở mức 37 - 38oC, đàn dế phát triển tốt. Dù vậy, cũng cần phải theo dõi tách đàn cho phù hợp với quá trình tăng trọng của chúng. Ngoài ra, môi trường sống cho dế gần giống với môi trường ngoài tự nhiên. Nguồn thức ăn chủ yếu của dế là các loại rau, cỏ… Khi có đủ các yếu tố trên ta chỉ cần tỉ mỉ, cần cù chịu khó chăm sóc là dế phát triển tốt. Nếu dế được chăm sóc tốt khoảng 30 ngày là có thể xuất bán” - anh Bình cho biết thêm.

NGUYỄN HƯNG

NGUYỄN HƯNG