"Tay ngang" làm nông nghiệp hữu cơ

QUỐC TUẤN 25/12/2017 14:06

Lựa chọn phát triển sự nghiệp bằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kỹ sư công nghệ thông tin Dương Hiển Tú (quê Điện Phong, Điện Bàn) bước đầu gặt hái được “quả ngọt”.

Anh Dương Hiển Tú bên cạnh các sản phẩm của mình ở một cửa hàng “An Phú Farm” tại Đà Nẵng. Ảnh: Q.T
Anh Dương Hiển Tú bên cạnh các sản phẩm của mình ở một cửa hàng “An Phú Farm” tại Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng vào năm 2005 với ngành công nghệ thông tin, anh Tú sớm tìm được cho mình một công việc ổn định ở lĩnh vực IT và gắn bó trong nhiều năm sau đó. Đến năm 2011, do nhận thấy quỹ đất nông nghiệp của gia đình khá lớn, anh quyết định gom hết vốn liếng (khoảng 300 triệu đồng) để đầu tư vào chăn nuôi cá, gà, heo… theo phương pháp truyền thống trên diện tích khoảng 2ha ở Điện Phong, Điện Bàn. Tuy vậy, do không có kinh nghiệm, đầu ra thị trường bấp bênh, dịch bệnh… nên dự án của anh trầy trật trong hai, ba năm liền và dần dần cạn vốn. Phải đến năm 2014, trong một chuyến đi Hàn Quốc tham quan nông trại hữu cơ và được ở lại học một khóa về nông nghiệp hữu cơ thì ý tưởng sản xuất nông nghiệp sạch một cách chuyên nghiệp mới được định hình trong chàng trai quê xứ Gò Nổi này.

Làm lại từ đầu, Tú quyết định đầu tư xây dựng thêm một nông trại với diện tích 5.000m2 tại xã Điện Thắng Nam (Điện Bàn) để nuôi heo, gà và rau sạch theo quy trình hữu cơ không chất tăng trưởng, không chất tạo nạc, đồng thời thay đổi quy trình chăn nuôi, canh tác đối với 2ha trang trại trước kia của mình. “Trong quá trình nuôi tôi đã tự mày mò nghiên cứu để tạo ra chế phẩm sinh học vệ sinh chuồng, chống mùi hôi trong khi nguồn nguyên liệu làm thức ăn cho động vật được đặt riêng với nông sản không biến đổi gen” - anh Tú cho hay. Ngoài ra, anh Tú không dùng cám thông thường làm nguồn thức ăn mà tự mua cá, xác mắm, đậu nành… để chế biến cung cấp cho động vật trong trang trại. Gần đây, dự án của anh đã mở thêm một trại nuôi giun quế tại xã Bình Tú, huyện Thăng Bình để làm thức ăn tăng cường lượng đạm cho heo. Mặc dù vậy, anh Tú tìm đầu ra cho sản phẩm hữu cơ của dự án “An Phú Farm” của mình là không hề dễ dàng bởi giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường trong khi anh lại chưa tạo được liên kết chuỗi tiêu thụ với các đối tác. Loay hoay suốt hơn một năm trời trong việc đi tìm đầu ra cho sản phẩm, cuối cùng chàng trai “8x” đã tự tìm cho mình hướng đi riêng. Cuối năm 2015, anh tiếp tục mạnh dạn gom góp số vốn ít ỏi còn lại để mở một cửa hàng tiêu thụ sản phẩm của chính trang trại mình sản xuất. Sau một thời gian ngắn tích cực tham gia “Phiên chợ nông dân”, tự mình quảng bá sản phẩm…, các sản phẩm hữu cơ của trang trại anh đã được thị trường Đà Nẵng tin tưởng và yêu thích. Đến thời điểm này, “An Phú Farm” đã mở được thêm 2 cơ sở khác để tạo thành chuỗi 3 cửa hàng phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng Đà Nẵng. Anh Tú chia sẻ: “Bình quân mỗi ngày các cửa hàng tiêu thụ được khoảng 200kg rau các loại và 100kg thịt heo, bò, cá…, hiện đơn vị có khoảng 30 lao động sản xuất ở quê và phục vụ tại các cửa hàng”.

Tìm được hướng đi và có được những kết quả ban đầu, trang trại của anh Tú sắp tới sẽ cho ra lò lứa heo đầu tiên nuôi hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, trị bệnh bằng thảo dược sau khi tham quan các mô hình ở Mỹ, Thái Lan… với sự hỗ trợ của các chuyên gia nông nghiệp đến từ Úc, Pháp sống tại TP.Hội An. “Phương pháp nuôi hữu cơ ở miền Trung phức tạp hơn các nơi khác bởi khí hậu khá khắc nghiệt nên phải chọn lọc các cây, con có gen bản địa mới có thể sinh trưởng tốt” - anh Tú nói thêm. Cũng từ nguyên liệu “cây nhà lá vườn”, “An Phú Farm” đã chế biến thêm nhiều loại thực phẩm sạch được khách hàng đón nhận như chả, bánh chưng… Ngoài ra, để đa dạng thêm các sản phẩm tại chuỗi cửa hàng, đơn vị đã liên kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ khác để cung ứng các loại thực phẩm, đặc sản như dâu Đà Lạt, bò một nắng Phú Yên, tỏi Lý Sơn, gạo Tây Bắc…

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai của mình, ngoài việc tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh Tú còn dự định đặt vấn đề với chính quyền địa phương về việc phục hồi lại cây dâu tằm ở Điện Phong. Hiện tại, anh Tú đã đi một số nơi để tham khảo các giống dâu và tìm hiểu kinh nghiệm trồng từ chính những thế hệ đi trước ở quê nhà từng gắn bó với loại cây này. Anh cho rằng, cây dâu tằm sẽ giúp khôi phục một nét đẹp truyền thống quê hương, ngoài ra còn là lối mở để tìm hướng nghiên cứu làm giàu từ chính sản phẩm này.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN