Trà Mót gieo ước mơ xanh
Con đường kinh doanh du lịch dịch vụ chưa đủ dài, thế nhưng hành trang khởi nghiệp của chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Xuân (SN 1992, trú phường Minh An, TP.Hội An) khiến nhiều người nể phục. Tiệm trà Mót hoài cổ nhỏ xinh tại số nhà 150 Trần Phú níu chân hàng nghìn du khách là thành quả sau chuỗi ngày Xuân nghiên cứu, gieo ước mơ xanh vào thức uống thảo mộc có một không hai ở phố cổ.
Nguyễn Hữu Xuân khởi nghiệp với tiệm trà Mót giữa lòng phố cổ Hội An. Ảnh: NHƯ TRANG |
Gian nan tìm hương vị trà
Sau khi tốt nghiệp ngành Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ TP.Đà Nẵng, Nguyễn Hữu Xuân làm việc ở một công ty du lịch theo đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, niềm mong ước đi trên con đường kinh doanh du lịch vẫn không ngừng nhen nhóm trong anh. Trải qua khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu về sở thích, nhu cầu của khách du lịch là thường nhắc đến herbal, thanh lọc cơ thể…, Xuân nảy ra ý tưởng mở tiệm trà mang phong cách xưa cũ từ thức uống đến không gian bày trí. Xuân kể: “Ban đầu, mình cứ loay hoay không biết sẽ bán trà gì cho phù hợp. Mãi đến khi uống chén trà mẹ nấu theo công thức bài thuốc thảo mộc của gia đình, mình mới chợt nhớ ra trong tay đang có “bí kíp” gia truyền không ai có được. Đó chính là bài thuốc bắc An Thái Ông Thầy Tải – 100 Cường Để do ông nội của mình truyền lại trước khi qua đời!”. Có bài thuốc trong tay, Xuân lại bắt đầu tìm kiếm hương liệu thiên nhiên như chanh, sả, húng quế, cánh sen... để pha chế.
Những người thân trong gia đình, cô bác hàng xóm và bạn bè chính là “khách hàng” đầu tiên nếm thử món trà của chàng trai trẻ. Ngoài bao lời khen ngợi, động viên còn có những lời góp ý chân thành. Khi thì “chua quá”, “đắng quá”, lúc lại “ngọt quá”, “mùi quế bị át đi rồi”, “mùi vỏ chanh và rau húng quế đâu?”. Vô vàn khó khăn chất chồng bởi “chín người mười ý” khiến Xuân không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, đổ bỏ hết ấm trà này đến ấm trà khác. Rồi tranh thủ lúc sáng sớm trước giờ đi làm, tối mịt sau giờ tan ca, Xuân như nhốt hẳn mình nơi góc bếp để nhóm lửa nấu ra vị trà chua ngọt, cay nồng, thanh mát nơi đầu lưỡi; các nguyên liệu đảm bảo cân bằng âm dương hài hòa, vừa có tính mát nhưng cũng làm ấm bụng. Chia sẻ về điều này, bà Thái Cẩm Hồng (mẹ của Xuân) nói: “Khoảng hơn 1 tháng ròng rã nấu rồi bỏ đi, làm lại, cuối cùng thằng bé mới tìm ra công thức trà thảo mộc sả chanh làm hài lòng nhiều người. Những cái gật đầu và nhấp môi uống đến hết ly trà thử nghiệm ấy là hành trang theo nó suốt chặng đường khởi nghiệp. Tôi tin như thế!”.
Gieo ước mơ xanh ở phố cổ
Ly trà thảo mộc với bài thuốc bắc gia truyền, sả, chanh, húng quế, chè xanh được làm nên từ đôi bàn tay chịu thương, chịu khó ấy, Nguyễn Hữu Xuân đặt cho nó tên trà Mót. Cùng tấm bảng hiệu đơn sơ từ miếng gỗ mỏng làm nền cho dòng chữ viết bằng phấn, bàn nước chứa đủ xoong trà, nia thảo mộc và lọ hoa sen ngát hương, Xuân mang bán khắp các tuyến đường phố cổ. Những ngày đầu còn khó khăn, lại không có vốn đầu tư, Xuân vẫn cố duy trì việc làm ở công ty kiếm thêm thu nhập. Tranh thủ lúc sáng sớm Xuân dậy nấu trà, sau đó đi làm, vừa tan ca lại vội vã mang đồ ra bán. Có tiền lương, Xuân dùng mua thêm nguyên liệu, ấm trà và những gì cần thiết nhất phục vụ khách hàng. Hơn 1 năm gắn bó “gánh hàng rong”, đối mặt với biết bao khó khăn, nào là tìm kiếm du khách để giới thiệu, lúc mưa gió trở trời phải xách đồ chạy, tìm chỗ trú mưa..., đến tháng 9.2016, Xuân có đủ nguồn vốn, đăng ký thương hiệu và mở tiệm trà Mót tại chính ngôi nhà số 150 Trần Phú.
Hỏi về tên Mót, Xuân liền nở nụ cười hồn hậu và nói: “Đó là tên ở nhà mọi người hay gọi mình. Chọn con đường kinh doanh du lịch dịch vụ đúng với đam mê, nhưng cũng là cách để mình sống lại tuổi thơ. Từ cách pha chế trà sử dụng bí quyết của ông bà xưa đến cách bày trí không gian tiệm, mình đều thực hiện bằng tất cả tâm huyết và lòng biết ơn”. Và dù đã kết thúc bao tháng ngày khó khăn đi bán dạo ven đường, nay có tiệm trà cao ráo, khang trang, Xuân vẫn giữ gìn nguyên vẹn nia thảo mộc, lọ hoa sen cũng như xoong đựng nước trà đặt trên rế tre đan. Với tiệm trà Mót, Xuân kiếm nguồn thu hàng trăm triệu đồng vào mùa hè, mỗi ngày bán ra gần 80 lít trà thảo mộc giá 10 nghìn đồng/ly. Để đảm bảo tiêu chí an toàn, chất lượng, bảo vệ tốt sức khỏe người dùng, Xuân mượn nhà vườn của chị ruột ở Cẩm Châu trồng chanh, sả và trực tiếp lên các vùng cao tìm chọn nguồn chè xanh tốt nhất nấu trà thảo mộc.
Ngoài vốn tiếng Anh lưu loát, Xuân còn học tiếng Trung, tiếng Hàn để phục vụ du khách, giới thiệu đến họ món trà thảo mộc cũng như những điểm đến hấp dẫn ở phố cổ Hội An. Có thời gian rảnh, Xuân tạo điều kiện cho hàng chục học sinh phổ thông, sinh viên tham gia sinh hoạt tại tiệm trà Mót nhằm giúp các em trao dồi vốn ngoại ngữ. Bạn Lê Tấn Lập (sinh viên học tại TP.Hội An) chia sẻ: “Bọn em xem tiệm trà Mót như ngôi nhà thứ hai. Tại đây em có dịp tìm hiểu về ngành du lịch, tiếp xúc với khách nước ngoài để nâng cao kỹ năng nói tiếng Anh”. Đến nay, sau gần 2 năm khởi nghiệp từ hương vị trà Mót, hình ảnh “anh Mót” pha trà bên lọ hoa sen trở nên quen thuộc với nhiều du khách trong nước, quốc tế. Bằng tâm niệm không ngủ quên trên chiến thắng, mỗi năm Xuân lại tìm cho mình những chuyến đi sang nước bạn, tham gia các hội thảo, khóa học kỹ năng kinh doanh du lịch, từ đó mang về gieo ước mơ xanh tại tiệm trà của mình…
NHƯ TRANG