Khởi nguồn đất thiêng Mỹ Sơn

VÕ VĂN THẮNG 22/10/2023 06:35

Khu di tích Mỹ Sơn là một quần thể gồm các đền tháp được xây dựng trong nhiều thời kỳ của lịch sử Champa. Có hai bản văn khắc quan trọng giúp xác định thời điểm khởi lập và ý nghĩa của đất thiêng Mỹ Sơn.

Một cột đá có văn khắc hiện còn tại Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: V.V.T
Một cột đá có văn khắc hiện còn tại Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: V.V.T

Tấm bia khởi lập

Đây là tấm bia tìm thấy ở khu vực nhóm tháp A, Khu di tích Mỹ Sơn (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Tấm bia có chiều cao 2m, rộng 1m, khắc chữ Phạn ở hai mặt; mặt A có 11 dòng, mặt B có 10 dòng trong đó có một số chữ đã bị sứt vỡ.

Nội dung văn khắc trên bia (ký hiệu C 72) cho biết vua Bhadravarman dâng cúng đất đai và ngôi đền cho thần Bhadravreśvara (một danh xưng của thần Siva). Căn cứ bản dịch tiếng Pháp của Louis Finot (1902) và tiếng Anh của R.C. Majumdar (1927), chúng tôi dịch ra tiếng Việt như sau:

Mặt A: (1) Thành kính. Kính lạy Mahesvra và Uma… (2) Bhrama và Visnu. Kính lạy đất, gió trong không gian, nước (3) và thứ năm là lửa. Với sự chứng giám của chư thần, ta có lời nguyện để nói cho những người hiểu biết: (4-5) nhằm sám hối lỗi lầm, thực hiện công đức, và ý thức về vận mệnh của cuộc sống con người, vua Bhadravarman, quỳ lạy dưới chân thần Bhadresvarasvami, bày tỏ lòng thành kính và ký thác nguồn quỹ vĩnh viễn cho thần tối cao Bhadresvara (6) phạm vi ranh giới núi Sulaha ở phía đông, núi Lớn ở phía nam, núi Kucaka ở phía tây và sông Lớn ở phía bắc, (7) đất đai cùng với cư dân ở đó được dâng cúng.

Một phần sáu hoa lợi thuộc phần của hoàng gia (8) nhưng được vua giảm còn một phần mười, là để cúng cho thần. Bất kể ai không thực hiện điều vừa nói (9) thì mọi công đức của họ từ khi sinh ra đều thuộc về Bhadravarman. Nếu có ai cướp bóc hay phá hủy (10) thì người đó gánh chịu toàn bộ tội lỗi được miễn trừ của người khác. Đối với nhà vua, thông hiểu bốn kinh Vệ-đà, (11) cùng các vị chức sắc và dân chúng, ta tuyên cáo: Hãy vì lòng yêu thương ta mà đừng phá hủy những gì ta dâng cúng.

Mặt B: (1) Nếu ngươi phá hủy nó thì tất cả những công đức của ngươi đã có trong các kiếp sẽ trở thành của ta (2) và tất cả những tội lỗi của ta sẽ chuyển qua cho ngươi. Ngược lại, nếu ngươi giữ gìn tốt (món dâng cúng) (3-8) thì tất cả công đức sẽ thuộc về ngươi. Một lần nữa, ta tuyên cáo… (9) kẻ gìn giữ sẽ được hưởng công đức. Kẻ nào không gìn giữ mà phá hủy, thì bản thân y sẽ bị hủy diệt… (10) Bhadresvarasvami chứng giám.

Kế tục lời nguyện

Một tấm bia khác tìm thấy ở gần bia C 72, cao 1, 08m, rộng 0,7m, đã bị vỡ mất một góc, mặt A gồm 24 dòng chữ Phạn (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Nội dung văn khắc (ký hiệu C 73A) nói đến vị vua có danh xưng Rudravarman và người kế tục là Śambhuvarman.

Đoạn cuối của bản văn cho biết vua Śambhuvarman dựng ngôi đền thờ thần Śambhu- Bhadresvara (ghép tên vua và một danh hiệu thần Siva) và nhắc lại việc ký thác cho thần Siva phần đất giống như vua Bhadravarman ghi trong văn khắc C 72 nói trên, nghĩa là trong phạm vi “phía đông là núi Sulaha, phía nam là núi Lớn, phía tây là núi Kucaka…”; đồng thời cầu nguyện vị thần tối cao mang lại hạnh phúc cho Vương quốc Champa.

Bản dập văn khắc C 72. Nguồn: EFEO
Bản dập văn khắc C 72. Nguồn: EFEO

Đặc biệt trên văn khắc này có một dòng liên quan đến niên đại, một số chữ đã bị mòn mờ, dịch nghĩa như sau: “Thời vua Rudravarman trị vì, trong năm 4 (...) (…), ngôi đền thờ thần tối cao bị cháy…”. Căn cứ chữ số “4” còn lại trong chuỗi ba chữ số chỉ năm, Louis Finot (1903) xác định thời gian xảy ra hỏa hoạn là trong khoảng 100 năm từ năm 401 đến năm 499 của lịch Saka, phiên qua Dương lịch là từ năm 479 đến năm 577; cũng có nghĩa là trước thời điểm vua Śambhuvarman dựng lại ngôi đền mới thay cho ngôi đền đã bị cháy.

Đất thiêng ký thác cho thần Siva

Kết nối các thông tin về danh xưng của vua, về phạm vi đất ký thác, trong văn khắc C 72 và C 73A, có thể hình dung khởi nguồn của khu đền tháp ở Mỹ Sơn. Vào khoảng thế kỷ 5, vua Champa, có tên ghi bằng chữ Phạn là Bhadravarman, đã dựng ngôi đền thờ thần Siva, với lời nguyện hiến cúng một vùng đất như là nguồn quỹ ký thác vĩnh viễn (akṣaya nīvī) cho thần nhằm đảm bảo hạnh phúc lâu dài cho vương quốc.

Một vụ hỏa hoạn dưới đời vua Rudravarman đã làm cháy ngôi đền và rồi được vua Śambhuvarman xây dựng lại vào khoảng thế kỷ 6. Vị vua này không những tiếp tục truyền thống tôn thờ thần Siva (ghép tên của vua với danh xưng của thần) mà còn duy trì lời nguyện ký thác đất đai như vua Bhadravarman đã hiến cúng ban đầu.

Nội dung hai văn khắc thế kỷ 5 và 6 cho thấy các vị vua Champa thời kỳ này có sự hỗ trợ của tầng lớp đạo sĩ bà-la-môn trong việc tiến hành các nghi lễ đăng quang, thờ các vị thần, áp dụng lịch pháp Saka và sử dụng chữ Phạn trong việc chuyển tải các nội dung của kinh Vệ - đà cổ xưa.

Đó là hai bản văn khắc có niên đại sớm nhất ở Mỹ Sơn, có giá trị đầu mối để kết nối và hiểu được nhiều văn khắc có niên đại muộn hơn, như văn khắc C 96, ghi phả hệ vua Champa, trong đó có các đời vua Rudravarman và Śambhuvarman (Báo Quảng Nam online, 5/2/2023); hoặc văn khắc C 147 trên phiến đá ở bờ sông Thu Bồn có ghi các phạm vi ranh giới trùng hợp với ranh giới phần đất mà vua Bhadravarman ký thác cho thần Siva.

Danh xưng Bhadravarman cũng là một gợi ý cho việc giải mã một danh xưng trong văn bản chữ Hán thế kỷ 6. Liệu vua “Bhadravarman” có phải là vua “Phạm Hồ Đạt/ Phạm Tu Đạt”, là vị vua được “người Di tán tụng công đức” trong một tấm bia cổ bên bờ sông Hoài như chép trong sách “Thủy Kinh Chú” của Trung Hoa?

VÕ VĂN THẮNG