Đưa ẩm thực lên tầm thương hiệu

LÊ QUÂN 08/10/2023 08:43

Trong số 121 món ăn vừa được vinh danh trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam”, Quảng Nam góp mặt với với mỳ Quảng, cao lầu, bánh tráng đập mắm nêm. Và một “bản đồ ẩm thực Việt Nam” cũng vừa được xây dựng, từng bước định hình cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam.

Bánh đập mắm nêm là một trong 3 món vừa được vinh danh trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam”.
Bánh đập mắm nêm là một trong 3 món vừa được vinh danh trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam”.

Bản đồ ẩm thực Việt

Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” bắt đầu triển khai từ năm 2022 với đầu tàu là Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA). Mục tiêu đề án nhằm định hình hệ sinh thái văn hóa ẩm thực Việt Nam và định hướng hỗ trợ, chuyển giao, phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực địa phương, tạo ra các giá trị và lợi ích gắn với địa phương.

Một chương trình khảo sát, thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam bắt đầu. Đây là hoạt động nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu này thành Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam và Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam. Trong năm 2022, VCCA đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh thành.

Những ngày cuối tháng 9 mới đây, để kết thúc giai đoạn 1 của đề án, đã có 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam được vinh danh. Trong số này, có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam. Quảng Nam góp mặt trong Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam với mỳ Quảng, cao lầu, bánh tráng đập mắm nêm.

Trước đó, một bản đồ ẩm thực trực tuyến khác được xây dựng bởi các thương hiệu kinh doanh gia vị, với tên gọi “Biến tấu - Vạn nguyên liệu, nấu triệu món Việt” vừa phát hành vào ngày 8/9. Mô hình mới lạ này nhằm hướng đến mục tiêu mang các trải nghiệm về ẩm thực và nguyên liệu địa phương cùng cơ hội khám phá, tìm hiểu văn hóa các vùng miền đến với đông đảo công chúng.

Được xây dựng như một nền tảng mạng xã hội, ở bản đồ này, mọi người dân đều có thể tham gia cùng những câu chuyện văn hóa ẩm thực vùng miền và nguyên liệu địa phương. Đó cũng chính là cảm giác những người xây dựng nên Bản đồ trực tuyến về ẩm thực mong muốn mang lại, khi người tham gia có thể vừa thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương, vừa đủ kiến thức để thấu hiểu và trân quý giá trị đa dạng, phong phú của ẩm thực Việt.

Hệ sinh thái văn hóa ẩm thực địa phương

Thông tin công bố từ đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”, ở giai đoạn 2 vào năm 2023, đề án sẽ sẽ chú trọng vào chuyện hỗ trợ địa phương hình thành bộ sự kiện cùng các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực.

Câu chuyện quảng bá để tôn vinh các giá trị văn hóa, dinh dưỡng và kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch ẩm thực địa phương cho đến hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động văn hóa ẩm thực địa phương trên cùng một nền tảng bản đồ, bảo tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam... sẽ được cân đối hỗ trợ bởi các tổ chức, doanh nghiệp.

 Một “nhà bếp của thế giới” là điều hướng tới của Việt Nam trong nhiều năm nay khi ẩm thực vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng sẵn có. Nhận định từ phía các chuyên gia du lịch khi ẩm thực thế giới đặt sự chú ý và đưa các món ngon Việt Nam như bánh mì, phở, cà phê… vào những danh sách bình chọn uy tín thì cơ hội để đưa ẩm thực Việt trở thành thương hiệu rất gần.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng tất cả món ngon của địa phương trong nền ẩm thực Việt vẫn mang tính thụ động. Từ cả phía địa phương lẫn doanh nghiệp vẫn thiếu những chiến lược nhận biết, thiếu những chương trình khuếch trương bài bản để đẩy mạnh hiệu quả trong phát triển thương hiệu quốc gia gắn với ẩm thực - du lịch, văn hóa.

Mở rộng cách nhìn để văn hóa ẩm thực khoác một giá trị mới, không đóng khung trong việc chỉ là món ngon hoặc đặc sản địa phương là điều cần được nhận chân.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, địa phương này đang tính toán đến chuyện phát triển mạnh thương hiệu thành phố ẩm thực và lễ hội, cùng với danh hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO. Điều này có lẽ hoàn toàn khả thi khi các món ngon tại Hội An gần như bao chứa rất nhiều tri thức bản địa, kể cả sự tham gia của cộng đồng ở mọi khâu.

Cho đến hiện tại, dù rất nhiều ấn phẩm ở lĩnh vực văn hóa, nhưng một “biên niên sử” về ẩm thực xứ Quảng vẫn chưa có. Món ngon của Quảng Nam vẫn mang đậm tính “dân gian” với đặc tính lưu truyền theo kinh nghiệm thay vì công thức chặt chẽ. Điều này vừa là điều thú vị vừa là thách thức khi muốn ghi chép lại lai lịch món ngon. Nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa món ăn vào câu chuyện của bối cảnh dòng chảy lịch sử, văn hóa, xã hội... là cách để ẩm thực không chỉ là món ngon.

LÊ QUÂN