Truyền tải giá trị điểm đến bằng ẩm thực

QUỐC TUẤN 06/10/2023 07:36

(VHQN) - Ẩm thực là chỉ dấu quan trọng thể hiện sức hấp dẫn của điểm đến với khách du lịch nhưng dường như những người làm du lịch ở địa phương chưa có sự chăm chút tương xứng cho văn hóa ẩm thực.

Xí mà - đặc sản Hội An được du khách yêu thích. Ảnh: Q.T
Xí mà - đặc sản Hội An được du khách yêu thích. Ảnh: Q.T

Nhiều món ngon, ít địa điểm

Xứ Quảng không thiếu món ăn ngon. Giữa tháng 9/2023, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Quảng Nam đã đón chứng nhận món ăn tiêu biểu Việt Nam cho mỳ Quảng, cao lầu và bánh tráng đập. Trước đó, các món ăn như bê thui Cầu Mống, cơm gà Hội An hay gà tre đèo Le cũng từng lọt vào tốp các món ăn đặc sản Việt Nam.

Chưa kể, lâu nay các món ăn như hoành thánh, cao lầu, bánh mì… luôn được gợi ý là những trải nghiệm nhất định phải thử của du khách khi đến Hội An. Nhưng thực tế, mỗi lần có nhu cầu, ngay nhiều người địa phương cũng khó tìm một địa chỉ ưng ý để chiêu đãi bạn bè các món đặc sản xứ Quảng. 

Tại Hội An - nơi được xem như “thủ phủ” quy tụ các món ngon xứ Quảng, ngoài loanh quanh vài địa chỉ ẩm thực đã dựng thành thương hiệu từ lâu đời thì những năm gần đây việc trau chuốt lại tinh hoa ẩm thực bản địa để xây dựng bản đồ ẩm thực du lịch ít được chú ý.

Trong trào lưu khởi nghiệp sôi động, khởi nghiệp du lịch được đánh giá là một trong những lĩnh vực trầm lắng nhất, do đó không bất ngờ khi các ý tưởng sáng tạo mới mẻ về ẩm thực du lịch càng trở nên hiếm hoi hơn.

Các món ăn được chế biến theo hướng tiết giảm rác thải đang dần phổ biến hơn tại Hội An. Ảnh: Q.T
Các món ăn được chế biến theo hướng tiết giảm rác thải đang dần phổ biến hơn tại Hội An. Ảnh: Q.T

Đề án tái cơ cấu du lịch Hội An được triển khai trong thời kỳ COVID-19 cũng xác định du lịch ẩm thực là một trong số các loại hình được ưu tiên thúc đẩy và sắp xếp lại nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển động.

Với các địa phương vùng Tây của tỉnh, đã có phản hồi từ chuyên gia du lịch về việc ẩm thực vùng cao Quảng Nam rất đặc sắc nhưng trong hành trình hầu như đến điểm nào cũng được phục vụ các món ăn na ná như vậy thì sẽ rất nhàm chán.

Theo bà Trịnh Diễm Vy - Giám đốc Công ty Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An, nguyên nhân sâu xa của vấn đề chưa hình thành được hệ thống ẩm thực đa dạng phục vụ du lịch đến từ việc sản phẩm nông nghiệp địa phương khá nghèo nàn, ít nông sản có thương hiệu chiến lược cộng thêm vùng nguyên liệu rời rạc... Vì vậy, rất khó tạo ra đột phá cho du lịch ẩm thực bởi đây là thị trường khó tính.

Tại hội thảo về phục hồi du lịch diễn ra tại TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel chia sẻ rằng, nếu điểm đến có chuỗi sản phẩm ẩm thực đặc sắc, lôi cuốn thì có thể kéo khách lưu trú thêm 1 - 2 ngày bởi đây là một trong những ưu tiên lớn của khách trong chuyến đi.

Ẩm thực chuyển tải giá trị điểm đến

Thời gian gần đây, nhiều du khách thích thú khi ghé lại xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) thưởng thức mỳ Quảng. Món ăn này không hề mới nhưng được ông Lê Minh Cảnh, một người dân địa phương biến tấu bằng cách chế biến bằng niêu, kèm thêm đó là việc chuyển tải thông điệp về các nguyên liệu trong tô mỳ niêu đều xuất xứ từ những làng nghề lâu đời của Hội An.

Nhờ chất lượng và cách truyền tải thông điệp, thương hiệu mỳ Quảng niêu của ông Lê Minh Cảnh đang dần lan tỏa đến du khách. Ảnh: Q.T
Nhờ chất lượng và cách truyền tải thông điệp, thương hiệu mỳ Quảng niêu của ông Lê Minh Cảnh đang dần lan tỏa đến du khách. Ảnh: Q.T

Rõ ràng, ngoài chất lượng tốt thì sản phẩm mỳ Quảng niêu lập tức tạo hiệu ứng bằng cách truyền tải thông điệp tinh tế. Ẩm thực, cụ thể ở đây là mỳ Quảng niêu đã trở thành chỉ dấu gom góp tinh túy văn hóa địa phương để giới thiệu đến du khách một cách sinh động. 

Quảng Nam đang kiên trì mục tiêu phát triển du lịch xanh thích ứng với bối cảnh mới hậu COVID-19. Sản phẩm “bữa ăn không rác thải” tại nhà hàng The Field (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) có lẽ là “lá cờ đầu” để cụ thể hóa nỗ lực này trong lĩnh vực ẩm thực.

Như chia sẻ của quản lý đơn vị này, các món ăn hoàn toàn dân dã như chính thế hệ ông bà ta hàng trăm năm trước từng chế biến. Chỉ khác ở cách sắp đặt và nắm được một số thói quen trong ăn uống của khách quốc tế là có thể tạo ra “bữa tiệc đồng quê” với giá trị cao.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, có một điều đáng suy ngẫm là không ít món ăn đặc sản bản địa đang ít nhiều mất đi vị nguyên bản. Điều này đến từ việc đáp ứng khẩu vị của du khách, ảnh hưởng của các loại gia vị pha chế theo kiểu công nghiệp cũng như quy trình đào tạo nhân sự trong lĩnh vực này.

“Cần có sự nhìn lại về câu chuyện này bởi nó có thể ảnh hưởng đến giá trị đặc trưng của văn hóa ẩm thực vốn bồi đắp qua nhiều thế hệ. Việc sử dụng nguyên liệu và hương vị nguyên bản cũng có thể góp phần giúp chuyển tải câu chuyện văn hóa của chính vùng đất đó” - ông Thanh nói.

QUỐC TUẤN