Hát trống quân dưới ánh trăng thu
(VHQN) - Hát trống quân là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian của người Việt ở vùng Bắc Bộ và thường diễn ra vào mùa thu hoặc những dịp hội hè để trình diễn tài nghệ đối đáp và trao đổi tâm tình trai gái.
Nguồn gốc
Theo cụ Dương Quảng Hàm, cuộc hát trống quân thường tổ chức ở các vùng quê về dịp Tết Trung thu do các đàn anh trong làng treo giải. Một người con trai và một người con gái ngồi đối diện nhau vừa hát vừa gõ vào dây để lấy nhịp (dây này căng thẳng trong khoảng hai cái cọc, ở giữa buộc một tấm ván hoặc một cái thùng sắt tây chôn xuống đất để lấy tiếng vang). Hai bên đối đáp mượn những câu hát có sẵn mà biến hóa thay đổi cho hợp với tình ý mình, đến khi nào một bên không hát được là thua, bên kia sẽ được lĩnh giải.
Về thời điểm ra đời của hát trống quân, nhiều truyền thuyết cho rằng loại hát này xuất phát từ những điều kiện lịch sử là trống quân có từ đời nhà Trần thời kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược (thế kỷ thứ 13).
Theo Vũ Ngọc Phan, những lúc đóng quân để nghỉ ngơi, muốn giải trí, binh sĩ Việt Nam ngồi thành hai hàng đối diện nhau, gõ vào tang trống mà hát. Cứ một bên “hát xướng” vừa dứt thì bên kia lại “hát đối”. Sau khi đuổi được quân xâm lăng khỏi bờ cõi, hòa bình được lập lại, điệu hát trống quân được phổ biến trong dân gian. Có nơi gõ nhịp vào tang trống, có nơi căng một dây thép thật thẳng để đánh nhịp.
Theo hồ sơ tư liệu còn lưu giữ, hát trống quân ở Bắc Bộ nói chung có nguồn gốc gắn liền với những sự kiện chống ngoại xâm của dân tộc. Hát trống quân được chia làm hai bên nam nữ, mỗi bên giữ một đầu dây gắn với trống đất.
Họ thường cử một người vừa có giọng hát hay, vừa có tài ứng đáp linh hoạt, ngoài ra còn mời thêm những người có kinh nghiệm tham gia. Sau mỗi câu hát, người ta dùng dùi đánh vào đầu dây, âm thanh phát ra rộn ràng lên bổng xuống trầm đầy tùy hứng và sáng tạo.
Hát trống quân có nhiều chặng, nhưng chỉ sử dụng một làn điệu âm nhạc khá giản đơn chân chất với nội dung ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, hỏi han tình duyên. Chính vì thế có thể xem hát trống quân thuộc thể loại ca hát giao duyên.
Từ những đặc điểm này, chúng ta thấy hát trống quân khá gần gũi với hình thức hát hò khoan đối đáp của vùng Nam Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Nam.
Trống đất trong diễn trình cuộc hát
Theo diễn trình của cuộc hát, có một nhạc cụ duy nhất đệm theo, đó là trống đất (thổ cổ) còn gọi là trống quân. Cách làm trống đất ở mỗi nơi có khác nhau. Họ đào một cái hố khoảng nửa mét làm hộp cộng hưởng và úp mâm hoặc miếng ván mỏng lên miệng hố, sau đó căng sợi dây thừng đã được ghim ở hai đầu bằng một nạng chống đặt giữa mâm, chia dây ra hai phần bằng nhau.
Hộp cộng hưởng của trống đất được lập theo nguyên tắc âm dương tương sinh. Vì theo quan niệm xa xưa, con người sống gửi, thác về, đều nhờ đất. Đất vừa linh thiêng, vừa bí ẩn đối với con người trong quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai.
Khi đệm cho hát trống quân, hai người dùng que gõ vào phần dây bên nhóm của mình. Tiếng trống tùng tùng như lời của đất hòa hợp cùng với tiếng hát nam nữ ngân lên tạo thành âm vang đất trời hòa quyện với nhau, phản ánh sâu sắc tâm thức về tính phồn thực của những người dân lao động nơi thôn dã ở Bắc Bộ, thuộc vùng trung du và châu thổ sông Hồng. Không chỉ người Kinh mà người Mường ở Phú Thọ cũng có hát trống quân.
Cuộc hát trống quân thường có 3 chặng. Chặng 1 hát mở đầu: thăm hỏi, dò xét quê quán, tên tuổi, gia thất. Chặng 2 hát trung tâm: gồm các bài hát xướng họa, hát đố, hát truyện, hát xin cưới, hát thách cưới… Đây là chặng thể hiện tài đối đáp của hai bên nam nữ trao đổi tình tứ, ví von, ướm hỏi, thách nhau và ước hẹn. Chặng 3 hát kết giã bạn: chia tay và hẹn đêm mai hát tiếp.
Cuộc hát diễn ra cảnh hai người thuộc hai nhóm nam và nữ, ngồi đối diện nhau vừa hát vừa cầm dùi gõ nhịp lên dây mây, thanh âm trầm bổng nhịp nhàng, đều đặn hòa với lời hát đối đáp của trai gái, đôi này hát xong lại chuyển cho đôi khác hát tiếp cho đến khi tàn cuộc. Khi những lời hát chào, hát giã bạn cất lên, mọi người cùng đứng lên bịn rịn chia tay.
Âm thanh phát ra tiếng thùng thình của trống đất vang vọng điểm nhịp cho lời hát vào lúc ngắt nhịp lưu không. Có cuộc hát kéo dài tới ba bốn đêm liền. Nhóm nam thôn bên này hát thi với nhóm nữ thôn kia để giật giải của làng. Trống quân là hình thức ca hát giao duyên đối đáp nam nữ có tổ chức, có lề lối, bài bản. Nam xướng thì nữ họa. Nam đố thì nữ giảng, nam hát sử thì nữ hát truyện...
Về cơ bản, trống quân chỉ có một làn điệu chính. Nhưng nội dung lời ca lại khá phong phú hàm chứa nhiều vấn đề về lịch sử, địa lý, cuộc sống đời thường... Lời ca được biên soạn phổ biến theo thể lục bát (đôi khi là song thất lục bát).
Hát trống quân có tính chất trữ tình, giao duyên rất sâu sắc. Vì đối đáp, xướng họa, nên hát trống quân đòi hỏi người hát phải có tài ứng đáp nhanh trí… song bao giờ cũng luôn giữ thái độ phong nhã.
Chính vì thế loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian hát trống quân là di sản văn hóa của vùng châu thổ và trung du Bắc Bộ của người Việt. Hiện nay, thôn Đan Nhiễm (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội) là địa phương duy nhất ở Hà Nội còn lưu giữ nghệ thuật dân gian hát trống quân.