Thái Nghi Đường và những "con lân sống y như thật"
(VHQN) - Phải làm cho con lân “sống y như thật” là tôn chỉ độc đáo có tính truyền thừa làm nên tên tuổi của Thái Nghi Đường – đoàn nghệ thuật lân sư rồng có lịch sử lâu năm nhất của Cố đô Huế, bắt đầu từ năm 1937.
Của Huế, của người Việt
Võ sư Hồ Văn Thái Sơn - ông chủ của Đoàn nghệ thuật lân sư rồng Thái Nghi Đường hẹn gặp chúng tôi tại nhà riêng ở đường Phan Đăng Lưu, cũng là cơ sở sản xuất và bày bán những mặt hàng liên quan đến lân sư rồng của gia đình ông từ nhiều đời nay cũng với thương hiệu Thái Nghi Đường.
Những năm 1930 của thế kỷ trước, Phan Đăng Lưu là con phố tập trung phần lớn người Hoa ở Huế quây quần sinh sống, buôn bán. Múa lân, xuất phát điểm là thú chơi của người Hoa và đương nhiên ở Huế thời ấy, dù có là kinh kỳ thì người Hoa vẫn là “cha đẻ” và thống trị môn nghệ thuật này.
“Cha tôi, Hồ Văn Nghi, hiệu là Thái Nghi, là một võ sư phái Thiếu Lâm Bạch Hổ. Ông là người Việt nhưng có những mối quan hệ đặc biệt với người Hoa ở khu phố này và được họ truyền dạy các kỹ thuật làm lân cũng như biểu diễn lân” - võ sư Hồ Văn Thái Sơn bắt đầu câu chuyện về sự ra đời của Thái Nghi Đường.
Điều đặc biệt là mặc dù tiếp thu kỹ thuật làm lân, biểu diễn múa lân từ người Hoa, tuy nhiên khi thành lập Thái Nghi Đường vào năm 1937, võ sư Hồ Văn Nghi đã có rất nhiều sáng tạo, cải biến quan trọng để tạo ra những con lân và điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa của Huế, của Việt Nam.
“Sự khác biệt dễ nhận biết nhất với múa lân Huế và múa lân của người Hoa, cụ thể là người Hoa ở Chợ Lớn bây giờ là tiết tấu trống. Nếu như tiết tấu trống của múa lân người Hoa ào ạt, mạnh mẽ, dũng mãnh… thì tiết tấu trống của múa lân Huế - Thái Nghi Đường lại có chút dịu dàng trầm bổng, sâu lắng, đặc biệt là có thêm bộ gõ âm trắc” - võ sư Hồ Văn Thái Sơn nói.
Lân Huế còn được phân biệt bởi lân cung đình với bài múa tiêu biểu là “Lân mẫu xuất lân nhi” do Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế phục dựng, biểu diễn trong nhà hát Duyệt Thị Đường.
Lân của Thái Nghi Đường là lân dân gian, nhưng cũng có phân chia thành nhiều đẳng cấp: Lân râu trắng là của đội múa lân đã có thâm niên hơn 25 năm, lân râu đỏ hơn 10 năm và lân râu đen là hơn 5 năm.
Mỗi màn múa lân Huế bao giờ cũng có hai con là con kỳ và con lân (tức lân đực và lân cái) cùng ông địa tượng trưng cho người dẫn đường và sự hoan hỷ cầm quạt để xua đuổi tà ma…
Khác biệt ở tích tuồng
Sự khác biệt còn ở chỗ các tích tuồng. Nếu như tích tuồng trong múa lân của người Hoa phần lớn là chuyện kể về các nhân vật võ tướng trong truyện Tam Quốc, thì tích tuồng của lân Huế lại là chuyện kể về một con thiên cẩu – chó nhà trời phạm lỗi bị đày xuống trần gian với 7 trường đoạn: “thần linh xuất động”, “bát bộ liên hoa”, “phục lân”, “lân linh chi”, “lân tranh châu”, “lân lý kiều” và “lân hồi sơn”.
Sự khác biệt còn ở chỗ các trường đoạn lân của Thái Nghi Đường đều áp dụng tấn pháp, bộ pháp và quyền pháp của môn phái Thiếu Lâm Bạch Hổ thuộc hệ phái võ cổ truyền Việt Nam.
Cũng là áp dụng võ thuật, nhưng múa lân của người Hoa chủ yếu nhấn mạnh giá trị võ thuật nên người múa phải di chuyển nhanh và trọng độ cao (phổ biến là kiểu mai hoa thung - múa trên dàn cọc sắt). Còn Thái Nghi Đường lại chú trọng sự mềm mại, duyên dáng và đặc biệt cái hồn của con lân. Khi người và lân làm một, đó là lúc đạt đến độ “chín” trong phong cách biểu diễn.
“Lấy ví dụ trường đoạn “Lân lý kiều” (lân qua cầu) mà Thái Nghi Đường đã đoạt giải nhì trong liên hoan lân sư rồng toàn quốc năm 2015” - võ sư Hồ Văn Thái Sơn nhớ lại - “Cầu của mình ngày xưa thường nhỏ, trong khi ông hộ pháp thì to nên khi ông lân lên cầu thấy rung rinh thì sợ hãi. Lúc đó, người múa phải làm sao để cho người xem thấy được biểu cảm sợ của con lân.
Rồi khi trên cầu nhìn xuống mặt nước, ông lân trên cầu lại lần nữa sợ hãi muốn bước lui khi bỗng thấy có một ông lân khác – bóng mình ở dưới nước. Lúc này thì ông địa phải có những động tác kiểu ngôn ngữ cơ thể để báo cho ông lân (và cho cả người xem) biết ở dưới nước chỉ là cái bóng của mình, không răng cả, đừng sợ và cứ mạnh dạn bước qua…”.
Đưa lân ra khỏi biên cương xứ sở
Võ sư Hồ Thái Nghi truyền nghề cho tất cả 5 người con trai của mình, tuy nhiên hiện chỉ có người con út là võ sư Hồ Văn Thái Sơn nối được nghiệp cha, lãnh đạo Thái Nghi Đường, đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ lân dân gian Huế với hơn 100 thành viên võ công, kinh nghiệm đầy mình.
Ngoài những bài múa truyền thống, võ sư Hồ Văn Thái Sơn còn nghiên cứu và phục dựng nhiều bài múa cổ như “Độc chiến ngao đầu” - mừng các dịp đại lễ, “Song hỷ” - mừng đám cưới, “Tam tinh” - chúc thọ, “Tứ quý hưng long” - mừng khai trương, “Ngũ phúc lâm môn” - mừng tân gia...
Bởi vậy, trong khi thực trạng chung của các môn nghệ thuật cũng như làng nghề truyền thống ở Huế ngày càng mai một thì Câu lạc bộ lân sư rồng Thái Nghi Đường vẫn phát triển mạnh mẽ, lịch diễn quanh năm từ sự kiện lớn cho đến sự kiện nhỏ không chỉ ở Huế mà còn ở các tỉnh lân cận là Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình...
Sau hơn 86 năm hình thành và phát triển, Thái Nghi Đường ngày này không chỉ là một thương hiệu lân của riêng Huế. Trong các năm 2000, 2002, 2004 và nhiều năm sau này, Liên hoan múa lân châu Á được tổ chức ở Okinawa (Nhật Bản), rồi các liên hoan ở Trung Quốc, Pháp,… Thái Nghi Đường đều được mời sang tham dự và năm nào cũng vượt qua nhiều đoàn lân giàu truyền thống như Hồng Kông, Nhật Bản, chỉ đứng sau Trung Quốc, mang về tiếng thơm cho nghệ thuật múa lân Việt Nam.
Tại liên hoan năm 2002, võ sư Hồ Văn Thái Sơn cùng các môn sinh của mình đã mang đến Nhật Bản trường đoạn “Lưỡng lân tranh châu” mang đậm bản sắc văn hóa Việt với những phụ kiện được làm hoàn toàn bằng tre đã lấy trọn tình cảm của khán giả Nhật Bản và bạn bè các nước.
“Nhớ mãi cảnh chúng tôi tung những hạt kim sa xuống đất (trong trường đoạn lân tranh châu), hàng trăm người Nhật đã đổ xô đến nhặt để cầu may. Không ít người còn tìm cách chạm vào đầu lân để cầu mong sự ấm no, hạnh phúc... Điều đó làm chúng tôi tự hào và phấn khích vô cùng” - võ sư Hồ Văn Thái Sơn nhớ lại.
Võ sư Hồ Văn Thái Sơn nói: “Mỗi lần mang lân ra khỏi Huế đến xứ lạ, đặc biệt là biểu diễn ở nước ngoài, bao giờ môn sinh Thái Nghi Đường cũng tự nhắc mình bằng những lời dặn của ba tôi lúc sinh thời.
Rằng muốn sống lâu với nghề lân thì ngoài tạo được nét riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa quê hương xứ sở, còn phải làm cho con lân sống y như thật. Và hãy chơi lân cho bạn bè biết Huế mình là ai. Đó cũng là triết lý làm nghề, đồng thời cũng là lời tuyên thệ của những môn sinh gắn bó với Thái Nghi Đường trên hành trình gìn giữ và phát huy bản sắc lân Huế”.