Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể vùng Trung Bộ

QUỐC TUẤN 29/09/2023 10:27

(QNO) - Ngày 28/9, tại TP.Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp Học viện Chính trị khu vực III tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Di sản văn hóa phi vật thể vùng Trung Bộ: Tiềm năng và động lực phát triển".

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q.T
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q.T

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Trần Minh Đức - Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ nói, miền Trung với dải đất trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là nơi có đủ các yếu tố rừng, biển, đồng bằng duyên hải và hải đảo; là nơi hội tụ của nhiều giá trị văn hóa độc đáo, rực rỡ và đa sắc gắn liền với sự phát triển của nhiều tộc người. Trong những giá trị văn hóa đó, có di sản văn hóa phi vật thể.

Thống kê sơ bộ của ngành văn hóa các địa phương, tại khu vực này có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể, với đủ các loại hình như tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian...

Hiện khu vực miền Trung đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh gồm: Nghệ thuật bài chòi Trung bộ; Nhã nhạc cung đình Huế; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh các thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể miền Trung vẫn tồn tại nhiều hạn chế, thậm chí đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nghề đan võng ngô đồng là giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T
Nghề đan võng ngô đồng là giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo ở Cù Lao Chàm (TP.Hội An). Ảnh: Q.T

Thực tế cho thấy giá trị, tiềm năng của di sản văn hóa chưa được nhận diện và phát huy đúng mức. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập. 

Ông Bùi Văn Tiếng
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Q.T

Hội thảo đã tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính: Đánh giá thực trạng và nhận diện các giá trị văn hóa phi vật thể các tỉnh miền Trung; Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phí vật thể các tỉnh miền Trung; Định hướng và giải pháp khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể các tỉnh miền Trung gắn với sinh kế của người dân, cộng đồng; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể miền Trung từ góc nhìn của nhà quản lý.

Hội thảo lần này là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý trong cả nước đánh giá, thảo luận và tìm kiếm những giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vùng Trung Bộ một cách bền vững nhất.

QUỐC TUẤN