Di sản Tết Trung thu Hội An: Thành tố của thành phố sáng tạo

THƯ QUÂN 29/09/2023 09:19

(VHQN) - Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dẫu là một hoạt động văn hóa dân gian có sức sống mạnh mẽ ở Hội An hàng trăm năm nay, nhưng khi định danh di sản, có nhiều hơn phần việc phải làm với một lễ hội bao chứa rất nhiều thành tố của các loại hình nghệ thuật dân gian...

 

Hội lễ của cộng đồng

Theo hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể, Tết Trung thu là dịp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc biệt trong năm của người dân Hội An. Chính điều này sản sinh nhiều sản phẩm vật chất đặc trưng so với nhiều địa phương khác.

Các tri thức dân gian trong quá trình tạo nên các sản phẩm vật chất ấy đã hình thành nghề thủ công truyền thống của Hội An cũng như các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, bao gồm cả tín ngưỡng và tập quán xã hội. 

Văn bản xưa nhất cho tới nay đề cập Tết Trung thu ở Việt Nam là tấm bia chữ Hán tại tháp Sùng Thiện Diên Linh, chùa Long Đọi (Hà Nam) lập năm 1121. Văn bia miêu tả Tết Trung thu thời đó được Hoàng đế Lý Nhân Tông tổ chức tưng bừng, hoành tráng với những màn biểu diễn đặc sắc, nhộn nhịp tại kinh thành Thăng Long. Cội nguồn của lễ tiết này hàm chứa ý nghĩa của nghi lễ hội mùa, về sự sinh sôi, nẩy nở và cầu cho “Quốc thái dân an; phong điều vũ thuận”. Ban đầu, lễ hội trung thu xuất phát từ nhu cầu của người lớn, nhưng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, Tết Trung thu đã được định hướng trở thành lễ hội của trẻ em, một dịp để người lớn trong gia đình và toàn xã hội quan tâm, chăm lo, thể hiện tình yêu thương đối với trẻ em.

Một Hội An rộn ràng ở khắp các ngõ phố, xóm vùng ven đô cho tới trung tâm của đô thị. Từ đầu tháng Tám âm lịch, các hoạt động chuẩn bị đón Tết Trung thu đã bắt đầu. Đêm đêm, tiếng trống tập dượt rộn rã khắp vùng. Hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị mua sắm để bày cỗ, thưởng nguyệt, ngâm thơ và đoán định thời tiết, vụ mùa...

Mọi khía cạnh trong thực hành tín ngưỡng đến sắc thái tập quán lễ hội đều mang hồn dân tộc. Riêng ở Hội An, chủ thể của lễ hội truyền thống này là cả cộng đồng.

Đặc biệt, những công trình tín ngưỡng như chùa, đình, miếu của người Việt, các hội quán của cộng đồng người Hoa là trung tâm của nhiều hoạt động, thu hút đông đảo người dân Hội An cũng như du khách cùng đến tham gia. Một sợi dây cố kết cộng đồng từ chính các hoạt động mang tính nghi thức lẫn vui chơi trong dịp Tết Trung thu mở ra. 

Ông Trần Văn An - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VH-NT Quảng Nam) cho biết, Tết Trung thu là một lễ hội dân gian cổ truyền, vì vậy, sức sống của lễ hội được thể hiện rõ qua những biểu hiện trong đời sống dân gian.

“Tiêu biểu ở đây là các hoạt động chế biến, tiêu thụ bánh trung thu truyền thống, một phần không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Trung thu. Ngay cả chế tác và trang trí đèn lồng tại các không gian di tích, thờ tự, nhà riêng, cửa hiệu, các tụ điểm trang trí của thành phố hay chế tạo và biểu diễn múa linh vật, trong đó đặc sắc nhất là thiên cẩu... cũng chính là sản phẩm của cộng đồng” - ông An nói. 

Không gian mở và kết nối

Nhận định Tết Trung thu là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa và là môi trường duy trì, dung dưỡng văn hóa truyền thống của Hội An, bảo lưu những nét đẹp truyền thống của các thực hành văn hóa liên quan chính là một trong những thành tố để Hội An từng bước hướng đến mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong đó, yêu cầu mở rộng không gian sống cho văn nghệ dân gian, bao gồm cả lễ hội truyền thống là điều kiện để Hội An sớm nhận được danh hiệu này.

Tết Trung thu ở Hội An. Ảnh: TTVH HỘI AN
Tết Trung thu ở Hội An. Ảnh: TTVH HỘI AN

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, thời gian tới, Hội An sẽ đề xuất và sớm triển khai phương án phục hồi, phát huy lễ hội Tết Trung thu ở địa phương.

Theo đó, các tục lệ, hoạt động truyền thống giàu ý nghĩa được bảo vệ và phục hồi, đặc biệt chú trọng khôi phục mạnh mẽ đối với nghệ thuật trình diễn dân gian múa thiên cẩu, tôn vinh giá trị văn hóa đặc trưng của di sản này.

Theo đó, dự kiến Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An sẽ từng bước tổ chức tư liệu hóa quy trình, bài bản theo hình thức ghi âm, ghi hình, gồm các câu chuyện, nghi thức, nghi lễ, các nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian, ẩm thực liên quan Tết Trung thu để có tài liệu phục vụ việc học và truyền dạy trong cộng đồng. 

Việc phát triển, duy trì các giá trị văn hóa đời sống qua trăm năm lở bồi của cư dân vùng hạ nguồn Thu Bồn đã đủ để minh định sức sống bền bỉ của những tập quán, sinh hoạt truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Lanh nói thêm, từ rất lâu, Hội An đã nhận chân được sự vô giá của các giá trị văn hóa bản địa. Đó chính là “tấm căn cước” mang tên Hội An để từng ngày một, các nghệ nhân, người thợ và cộng đồng người dân Hội An làm sống lại nhiều loại hình nghệ thuật dân gian cũng như phát huy giá trị làng nghề.

THƯ QUÂN