Tôn vinh văn hóa Việt

LÊ QUÂN 24/09/2023 06:18

Dòng chảy văn hóa truyền thống vẫn đang được tiếp nối. Định vị về giá trị văn hóa Việt, vẫn là vô giá...

Mặt nạ “Dấu ấn tiền nhân” dựa trên tinh thần nghệ thuật tuồng truyền thống, được nghệ nhân Bùi Quý Phong cùng các cộng sự trẻ tuổi thực hiện trên chất liệu giấy dó. Hiện tác phẩm được trưng bày tại VinWonders Nam Hội An. Ảnh: X.H
Mặt nạ “Dấu ấn tiền nhân” dựa trên tinh thần nghệ thuật tuồng truyền thống, được nghệ nhân Bùi Quý Phong cùng các cộng sự trẻ tuổi thực hiện trên chất liệu giấy dó. Hiện tác phẩm được trưng bày tại VinWonders Nam Hội An. Ảnh: X.H

Đam mê giá trị truyền thống

Nghệ nhân Bùi Quý Phong vẫn chưa thôi niềm xúc động khi tác phẩm mặt nạ bằng giấy dó với kích thước ấn tượng (chiều cao 3,5m và chiều ngang 2,65m) do ông cùng các cộng sự thực hiện, vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam. Mặt nạ “dấu ấn tiền nhân” với mong muốn xác lập giá trị của truyền thống trong đời sống đương đại, bằng chính tinh thần của loại hình nghệ thuật truyền thống.

Chất liệu truyền thống vô giá

Chúng tôi gặp lại Trần Thị Yến - người “nương theo hương lụa” Mã Châu trong dáng vẻ tất bật của một cô gái phải vun vén những chuyện không tên trong kinh doanh.

Những thớ lụa Mã Châu vẫn đang trở thành cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều thiết kế độc đáo trên những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế.

Năm 2020, ở dự án Cổ phục Việt, Ỷ Vân Hiên - một thương hiệu chuyên về các thiết kế truyền thống đã lựa chọn tơ lụa Mã Châu để phục dựng trang phục truyền thống của thời nhà Nguyễn.

Mới nhất, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa đã dùng lụa Mã Châu cho toàn bộ trang phục trình diễn của Việt Nam tại các sân khấu thời trang quốc tế.

Các chất liệu truyền thống đã được những người bên cạnh đam mê còn tự nhận thêm phần trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn. Và những cái tên như Bùi Quý Phong, Trần Thị Yến... vẫn miệt mài với hành trình đáng trân quý ấy.

Ông Bùi Quý Phong nói, tác phẩm này mang hơi hướm của nghệ thuật hát bội nhưng lại không phải là sự bê nguyên các giá trị đã được xác lập hàng mấy trăm năm trước vào đây.

Một tác phẩm đại diện cho tính cách mạnh mẽ, chính trực, khẳng khái và anh dũng của các bậc tiền nhân thời khai hoang mở cõi, với tinh thần uy phong, khí sắc của một trí tướng trong tuồng đồ.

Lạ lùng thay, khi cùng lúc chiêm ngưỡng “gian phòng tuồng đồ” trong một khuôn viên của khu du lịch, hình dung con người như có sợi dây kết nối với những tháng ngày đã qua.

Năm 2018, những người yêu nghệ thuật truyền thống đầy tính tượng trưng này xúc động không ngừng khi được chiêm ngưỡng những bức họa đặc biệt từ hơn 40 nghệ sĩ trẻ mang dòng máu Việt trên toàn thế giới, với chủ đề duy nhất là vẽ về tuồng.

Khi hát bội chỉ còn xuất hiện qua sách vở hay những thước phim tài liệu, họ đã tái hiện bộ môn đặc biệt này dưới con mắt đương đại. Những tìm tòi để làm sống lại điều xưa cũ qua lăng kính sáng tạo của người trẻ.

Dù mang đậm hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ linh hồn và cốt cách của hát bội truyền thống. Một nghệ thuật hát bội với cách thể hiện của hội họa đương đại, được chắt lọc tinh tế qua các mô hình giấy, tranh digital, acrylic, tranh lụa, màu chì cho đến sắp đặt tương tác. Người xem như bắt cùng nhịp đập với âm điệu lan truyền vô cùng đẹp đẽ.

Gìn giữ cho mai sau

Có vẻ như mặt nạ tuồng trở thành cảm hứng cho rất nhiều sự sáng tạo. Những sắc màu đậm, tượng trưng cho từng loại tính cách. Tính tượng trưng này là điều đầu tiên để tuồng luôn mang trong nó những giá trị đặc biệt. Và lựa chọn khắc họa tuồng theo cách riêng của mình, dựa trên những chất liệu truyền thống của Việt Nam, là điều đã nhiều người lựa chọn.

Riêng với nghệ nhân Bùi Quý Phong - người đã quá nổi tiếng với “mặt nạ thời gian”, thì bố cục cùng sắc màu trong cách kẻ mặt cho mỗi nhân vật tuồng, là điều luôn khiến ông đau đáu, để một sự kết hợp tinh tế giữa cái tĩnh sâu lắng của hội họa trong cái động của nghệ thuật biểu diễn tuồng đã mở ra một góc nhìn thú vị hơn.

Gần như trở thành một người tái tạo ký ức, Bùi Quý Phong mong sẽ truyền tải được tấc lòng của ông với vốn văn hóa cổ truyền từ những điều tâm huyết như vậy.

 

Mặt nạ tuồng chỉ xuất hiện trên sân khấu và tất nhiên, nó sẽ đại diện cho tính cách nhân vật. Với “mặt nạ thời gian” - nơi Bùi Quý Phong chọn để truyền tải linh hồn của đời sống Việt, thì mỗi sự sáng tạo trên nền chất liệu truyền thống, cũng là cách để giữ lấy vốn văn hóa Việt.

Giấy dó được lựa chọn, để “Dấu ấn tiền nhân” trở thành kỷ lục Việt Nam, không chỉ bởi sự to lớn về kích thước hay khuôn hình. Đó là kỷ lục về một sản phẩm sử dụng nhiều nhất chất liệu riêng có của người Việt.

Một khu vực dành riêng cho các nghệ nhân thực hiện quy trình sản xuất giấy dó - cũng đồng thời là nguồn nguyên liệu để cung cấp cho nghệ nhân Bùi Quý Phong thực hiện sản phẩm mặt nạ “Dấu ấn tiền nhân” được tổ chức ngay tại VinWonders Nam Hội An.

Bà Ngọc Giàu - Tổng quản lý VinWonders cho biết: “Với mong muốn mang giá trị di sản giữ gìn và bảo tồn, đồng thời lan tỏa đến từng người khi tham quan tại khu du lịch VinWonders, chúng tôi kết hợp cùng đội ngũ “Mặt nạ thời gian” của nghệ nhân Bùi Quý Phong để lên ý tưởng thực hiện tác phẩm mặt nạ “Dấu ấn tiền nhân”.

Toàn bộ quá trình làm giấy dó - nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của xứ kinh Bắc với lịch sử tồn tại hàng trăm năm được chúng tôi tái hiện sinh động và dành một không gian để trưng bày mặt nạ tuồng.

Cùng với việc xác lập kỷ lục “Mặt nạ tuồng bằng giấy dó lớn nhất Việt Nam”, VinWonders Nam Hội An muốn khẳng định vai trò tiên phong trong việc góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa của nghệ thuật tuồng cũng như lan tỏa thông điệp gìn giữ bảo tồn các giá trị di sản lâu đời với du khách trong nước và quốc tế”.

Mở ra một hướng mới với câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, hẳn phải nghĩ đến việc kết nối giữa doanh nghiệp du lịch và nghệ nhân. Lan tỏa rộng rãi đến mọi thế hệ, lớp người, để tự mỗi người sẽ nhận chân được tính vô giá của nghệ thuật truyền thống, có lẽ chính là phương pháp bảo tồn di sản tốt nhất.

LÊ QUÂN