Quảng Nam đề nghị TP.Đà Nẵng phối hợp tiếp nhận và chuyển giao 2 chi tiết liên quan đến bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara
(QNO) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi UBND TP.Đà Nẵng về việc tiếp nhận và chuyển giao 2 chi tiết liên quan Bảo vật quốc gia - Tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP. Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam thực hiện thủ tục tiếp nhận, chuyển giao 2 chi tiết con ốc và hoa sen từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP.Đà Nẵng theo đúng quy định.
Đây là động thái được thực hiện theo đề nghị của UBND TP. Đà Nẵng tại Công văn số 1698/UBND-KGVX ngày 20/3/2019 và hướng dẫn của Cục Di sản văn hóa tại Công văn số 328/DSVH-BT ngày 26/5/2020. Điều này cũng nằm trong đề xuất của Sở VH-TT&DL để Tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương được hoàn chỉnh, phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
Tượng Bồ tát Tara (Laskmindra - Lokesvara) được phát hiện năm 1978 bởi nhân dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định (nay là xã Bình Định Bắc), huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) tại di tích Phật viện Đồng Dương. Ngay sau đó, pho tượng này đã được thu hồi, đưa về lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP.Đà Nẵng. Ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận tượng Bồ tát Tara (Laskmindra - Lokesvara) là bảo vật quốc gia.
Sau thời điểm phát hiện Tượng Bồ tát Tara (năm 1978), nhân dân thôn Đồng Dương đã phát hiện thêm 2 chi tiết là con ốc và hoa sen - hiện vật cầm ở hai tay pho tượng (pháp khí). Hai hiện vật này sau đó đã được Nhân dân giao cho UBND xã Bình Định cất giữ.
Cuối năm 2019, 2 chi tiết trên đã được Nhân dân thôn Đồng Dương và chính quyền xã Bình Định Bắc thống nhất giao cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam tạm thời lưu giữ theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
Theo các chuyên gia, vật cầm tay của các vị Bồ tát trong Phật giáo được gọi là pháp khí. Riêng Bồ tát Tara thì 2 pháp khí là một đóa sen và một con ốc. Đóa sen tượng trưng cho sự tinh khiết, trí tuệ, tình yêu thương, sự sinh sôi nảy nở. Vật thứ hai là con ốc biển có chiều cao 7,2cm tượng trưng cho sự chủ trì mọi âm thanh, là vũ khí để thanh lọc, tập hợp, ban phát niềm hy vọng cho mọi loài vật trên thế gian. Các hiện vật trên tay tượng mang ý nghĩa đặc trưng tôn giáo của vương quốc Chăm-pa thời kỳ Indarvarman II.