Xúc cảm ngày hội

ĐĂNG PHƯƠNG MỸ 22/08/2023 05:49

Bên trong khu bảo tồn văn hóa Bh’noong huyện Phước Sơn, dòng người tìm đến ngày một đông đúc. Họ đến, để thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm và cùng vui trong nhịp sống cộng đồng. Mặc cho thời tiết bất lợi, cuộc trình diễn sắc màu văn hóa vùng cao đầy cảm xúc, tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho người dân và du khách.

Các nghệ nhân đoàn Phước Sơn trình diễn văn hóa kết hợp giới thiệu không gian ẩm thực.
Các nghệ nhân đoàn Phước Sơn trình diễn văn hóa kết hợp giới thiệu không gian ẩm thực.

Sắc màu truyền thống

Nắng nóng những ngày cuối tháng 8, chừng như không thể cản bước chân của du khách tìm đến Phước Sơn chứng kiến Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX, năm 2023. Bởi với nhiều người, đi là để trải nghiệm, cùng hòa vào không gian ngày hội, giúp “sống dậy” thức cảm một miền núi đầy sắc màu văn hóa truyền thống.

Cơ hội để giao lưu, gắn kết

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam là cơ hội tốt để đồng bào Bh’noong nói riêng và nhân dân trên địa bàn huyện Phước Sơn nói chung giao lưu, chia sẻ những giá trị văn hóa tiêu biểu, thành quả đạt được trong lao động, sản xuất và thi tài, trình diễn kỹ năng, kỹ thuật các môn thể thao quần chúng và chuyên môn nghiệp vụ.

“Với tất cả sự chân thành và khát vọng vun đắp tình đoàn kết, phát triển về mọi mặt trong đời sống xã hội, đồng bào Phước Sơn luôn mong muốn được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng từ đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh để làm giàu hơn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, để văn hóa phát huy thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Phước Sơn giàu mạnh trong tương lai” - ông Trung nói.

Không thể rời mắt trước màn trình diễn nghệ thuật ấn tượng của các đoàn nghệ nhân miền núi, chị Phạm Thị Bảo Ngọc (Đà Nẵng) nói, rất lâu rồi chị và người thân chưa có dịp chứng kiến không gian nghệ thuật dân gian truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số. Mấy năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, rồi công việc kinh doanh bận rộn khiến chị Ngọc không thể thu xếp thời gian đến trải nghiệm các chương trình lễ hội miền núi.

Vì thế, những ngày ở lại Phước Sơn lần này, chị Ngọc cùng gia đình gần như không bỏ sót chương trình nghệ thuật trình diễn nào, từ không gian trưng bày hiện vật lịch sử, ẩm thực truyền thống, cho đến cuộc tái hiện nghi thức cúng thần và các đêm trình diễn nghệ thuật sân khấu.

“Ấn tượng nhất vẫn là các hoạt động tái hiện nghi thức cúng thần linh và cưới hỏi của đồng bào miền núi. Nhiều cuộc trình diễn dù trong điều kiện phạm vi, quy mô nhỏ hẹp, thời gian ngắn nhưng bằng tất cả công sức và niềm tin, các nghệ nhân đã tái hiện đầy đủ sắc màu văn hóa một cách độc đáo và ấn tượng.

Ngoài ra, các không gian trình diễn sắc phục thổ cẩm, trưng bày và giới thiệu ẩm thực truyền thống cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách, đặc biệt là những người muốn khám phá, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của đồng bào miền núi như chúng tôi” - chị Bảo Ngọc chia sẻ.

Được đánh giá có sự chuẩn bị công phu, với lợi thế là chủ nhà, Phước Sơn đã có màn “trình làng” chương trình giới thiệu ẩm thực kết hợp trình diễn vũ điệu truyền thống.

Ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng phòng VH-TT huyện Phước Sơn cho biết, chủ đạo trong các hoạt động này là sắc màu văn hóa truyền thống được thể hiện như lời mời gọi du khách đến khám phá ngày hội.

Nhiều món ăn dân dã của người Bh’noong được “nâng cấp” mang đến hương vị rất độc đáo, hấp dẫn như: nước giải khát được làm từ ươi bay, cá suối, rau rừng… mang đến sự trải nghiệm độc đáo và ấn tượng cho du khách gần xa.

Không gian bếp quê ấn tượng và độc đáo của huyện Nông Sơn. Ảnh: N.C.Q
Không gian bếp quê ấn tượng và độc đáo của huyện Nông Sơn. Ảnh: N.C.Q

Đọng lại dư âm

Với đặc ân của một vùng quê sơn cước, Nông Sơn sưu tầm và mang đến ngày hội không gian bếp quê người Việt và nghề truyền thống ươm tơ tằm. Trong đó, căn bếp dường như sống lại trong ký ức nhiều thế hệ, về không gian quê yên bình, thân thuộc với những đồ vật ám mùi khói bếp. Trải qua biến đổi, người dân quê Nông Sơn vẫn gìn giữ nét văn hóa truyền thống địa phương độc đáo.

Ông Phạm Thanh Lục - chuyên viên Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Nông Sơn cho biết, xuất phát từ nghề trồng lúa, trồng dâu, gian bếp của miền quê Nông Sơn là nơi chứa đựng đầy đủ dụng cụ, vật dụng gắn với lao động, sinh hoạt của người dân.

Từ dao rựa, nơm cá, thúng mủng, cho đến hạt giống, mắm muối, củi khô,… mỗi thứ đều được đặt ở vị trí phù hợp, gọn gàng, dễ tìm kiếm. Và đặc biệt, ở gian bếp, mọi thứ sẽ được sử dụng lâu hơn.

Một phụ nữ Co huyện Bắc Trà My giới thiệu sản phẩm bánh koát với du khách.
Một phụ nữ Co huyện Bắc Trà My giới thiệu sản phẩm bánh koát với du khách.

“Thời gian tới, theo chủ trương các cấp thì Nông Sơn không còn là đơn vị hành chính cấp huyện nữa. Ngày hội này có thể là lần tham gia cuối cùng của chúng tôi với tên gọi Nông Sơn.

Do đó, chúng tôi mang những gì đặc sắc nhất, giới thiệu bạn bè về sự tồn tại của của miền quê sơn cước, nơi đó có bếp quê và nghề trồng dâu nuôi tằm. Hy vọng dấu ấn này sẽ góp thêm những màu sắc tươi mới cho ngày hội và thu hút du khách đến địa phương ngày càng nhiều hơn” - ông Lục nói.

Ngày cuối cùng ở lại Phước Sơn, dù hoàn thành hết phần việc được giao, nhưng cô gái Cơ Tu Đinh Thị Thìn (Đông Giang) vẫn không thể ngồi yên. Thìn tranh thủ thời gian tham quan hết khu trưng bày của các huyện bạn để khám phá nét văn hóa truyền thống độc đáo của từng tộc người.

Thìn nói, dù được đi nhiều nơi, nhưng mỗi lần có dịp đặt chân đến vùng đất của cộng đồng thiểu số cũng đều để lại rất nhiều ấn tượng với chị. Vì thế, chuyến đi này, với Thìn không chỉ để giao lưu, còn là cơ hội học hỏi, tìm hiểu lẫn nhau, nhất là cách thức quảng bá để phát triển du lịch.

“Rất nhiều cảm xúc đọng lại, không chỉ tôi mà cả những người tham gia ngày hội. Bằng tình cảm tốt đẹp nhất được trao gửi, tôi tin chắc dư âm ngày hội sẽ còn đọng mãi trong tâm trí của mỗi người, như một kỷ niệm đẹp và đáng nhớ” - chị Thìn tâm sự.

ĐĂNG PHƯƠNG MỸ