Gắn kết cộng đồng qua lễ hội

VĂN TOÀN - NGUYỄN TRÀ 03/08/2023 10:40

(QNO) - Nhiều hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Các vận động viên không chuyên hào hứng với môn thi đi cà kheo. Ảnh: VĂN TOÀN
Hào hứng với môn thi cà kheo. Ảnh: TOÀN TRÀ

Lần đầu tiên tham gia môn thi cà kheo trong lễ hội, anh Hồ Văn Em (đồng bào Ca Dong, xã Trà Don) rất phấn khởi. Anh Em cho biết, dù chỉ là cuộc thi giao lưu nhưng anh và đồng đội háo hức tập luyện thường xuyên.

Với tốc độ và xử lý khéo léo, đội hình cà kheo xã Trà Don xuất sắc giành giải nhất môn thi này. “Lâu lắm rồi mới diễn ra lễ hội lớn như vậy, đặc biệt đúng dịp kỷ niệm 20 năm tái lập huyện nên bà con rất vui!” - anh Em chia sẻ.

Phần thưởng động viên tinh thần các đội thi. Ảnh: VĂN TOÀN
Trao thưởng động viên tinh thần các đội thi. Ảnh: TOÀN TRÀ

Còn với chị Hồ Thị Teng (đồng bào Ca Dong, xã Trà Mai), vừa là người quán xuyến các hoạt động của phụ nữ xã Trà Mai tham gia lễ hội, vừa trực tiếp trình diễn nghề dệt thổ cẩm nhưng chị luôn tràn đầy năng lượng trong các hoạt động.

Tại xã Trà Mai, chị Teng là một trong số ít phụ nữ thành thạo nghề dệt thổ cẩm. Do đó, lễ hội lần này là dịp để chị quảng bá với người dân và du khách nét đặc trưng của địa phương.

Chị Teng biểu diễn nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: TOÀN TRÀ
Chị Hồ Thị Teng trình diễn nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: TOÀN TRÀ

Chị Teng cho biết, nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì và am hiểu nét văn hóa của đồng bào các dân tộc. Quy trình dệt phải qua nhiều công đoạn từ bỏ chỉ, lên len, dệt… và đặc biệt là khâu làm khung, nẹp khung cũng phải phù hợp với người dệt.

“Hiện nay, sản phẩm dệt thổ cẩm trên địa bàn xã đủ dùng để phục vụ đồng bào tham gia các sự kiện văn hóa, lễ hội, chưa có tính thương mại cao. Do đó, thông qua lễ hội cũng là dịp để khơi gợi nghề truyền thống cho thế hệ trẻ và giới thiệu đến du khách thập phương” - chị Teng cho biết.

Thi giã gạo truyền thống. Ảnh: TOÀN TRÀ
Thi giã gạo truyền thống. Ảnh: TOÀN TRÀ

Ngoài các hoạt động trên, ban tổ chức còn lồng ghép nhiều hoạt động gắn với sinh hoạt đời sống thường ngày của người dân, đặc biệt là các hoạt động truyền thống lâu đời như giã gạo, đan lát, gói bánh sừng trâu, thi bắn nỏ...

Bà Lê Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My cho biết, hội phối hợp các hội - đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dịp này. Trong đó, chú trọng việc phát huy tinh thần cộng đồng và giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My.

Phần thi giã gạo truyền thống thu hút nhiều thí sinh trẻ người đồng bào tham gia. Ảnh: TOÀN TRÀ
Phần thi giã gạo thu hút nhiều thí sinh trẻ tham gia. Ảnh: TOÀN TRÀ

“Không quản ngại đường sá xa xôi, đồng bào các dân tộc Ca Dong, Mơ Nông, Xê Đăng tham gia rất sôi nổi. Tất cả hoạt động đều hướng đến gìn giữ bản sắc văn hóa, quảng bá đến du khách và gắn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn ngày càng khắng khít hơn” - bà Thúy nói.

VĂN TOÀN - NGUYỄN TRÀ