Người đưa công pháp quốc tế vào Việt Nam
Ở thập kỷ 70 của thế kỷ 19, bằng nhãn quan chính trị và khoa học, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ đã tổ chức quảng bá tân thư bằng cách “khắc in nhiều để phổ biến rộng” trong giới trí thức đương thời. Đặc biệt, công pháp quốc tế lần đầu tiên được ông giới thiệu, phổ biến đã tạo ra cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, thiết lập ngoại giao và thương mại giữa Việt Nam và các nước sau này.
Từ sách kinh điển của ngành luật quốc tế
Henry Wheaton (1785 - 1848) là một luật sư Hoa Kỳ, từng làm Đại sứ nước này tại Đan Mạch và Phổ. Ông là tác giả cuốn “Elements of International Law” (Các yếu tố trong luật quốc tế), xuất bản lần đầu năm 1836. Cuốn sách được viết nhằm tạo ra một cẩm nang cho những người làm công tác ngoại giao hay các chức sắc khác, chứ không đơn thuần cho các luật sư.
“Elements of International Law” dày gần 400 trang, nội dung giới thiệu về các chủ đề, các nguồn của luật quốc tế và về các quốc gia có chủ quyền, các quyền tuyệt đối của các quốc gia có chủ quyền, các quyền quốc tế của các quốc gia trong tình trạng quan hệ hòa bình và các quyền quốc tế của các quốc gia trong tình trạng quan hệ thù địch.
“Elements of International Law” nhanh chóng được đón nhận và đánh giá cao không chỉ trong giới ngoại giao chuyên nghiệp, nhiều lần được bổ sung và tái bản trong các thế kỷ 19 và 20. Năm 1906, Quỹ vì Hòa bình quốc tế của Viện Carnegie (Hoa Kỳ) đã công bố một danh sách gồm 40 cuốn sách được xem là kinh điển của ngành luật quốc tế, trong đó có “Elements of International Law”.
Đáng chú ý là trong tác phẩm này, Henry Wheaton đã đưa vào những khái niệm chính trị quan trọng như: “đồng thuận chung”, “độc lập”, “tự chủ” hay “chủ quyền”. Chẳng hạn, theo ông, “một quốc gia có chủ quyền được định nghĩa chung là bất kỳ quốc gia hay dân tộc nào, bất kể hình thức kết cấu, mà tự điều hành chính họ một cách độc lập trước các quyền lực ngoại quốc”.
Cuối thế kỷ 19, trong bối cảnh các nước phương Tây đang dùng sức mạnh hàng hải và quân sự hùng mạnh của mình để đe dọa độc lập, chủ quyền của các nước Đông Á, việc có được những hiểu biết như trong nội dung cuốn “Elements of International Law” trở nên tối quan trọng với giới tinh hoa cầm quyền, giúp họ một thứ ngôn ngữ có thể dùng để “cãi lý” lại những kẻ xâm lược và khẳng định chủ quyền của mình.
Đây cũng chính là lý do mà “Elements of International Law” được dịch ra tiếng Hán và xuất bản năm 1864 tại Trung Quốc với tên gọi: “Vạn quốc công pháp”. Theo Lydia Liu, giáo sư trường Đại học Columbia (Hoa Kỳ), dịch giả cuốn sách này là một nhà truyền giáo người Mỹ, Williams.A.P. Martin (1827 - 1916), tên Trung Quốc là Đinh Vĩ Lương. Ông từng làm Hội trưởng đầu tiên của Hội Đông phương học Bắc Kinh.
Dấu ấn quan trọng
Chuyện cuốn “Vạn quốc công pháp” lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam gắn liền với một người Quảng - Tiến sĩ Phạm Phú Thứ (1821 - 1882). Trong bài viết Người Quảng mở đầu phong trào tân thư, tác giả Nguyễn Dị Cổ cho hay: Năm Tân Hợi (1851), Tiến sĩ Phạm Phú Thứ có chuyến công cán sang Quảng Đông (Trung Quốc).
Sau chuyến đi này, ông giữ mối quan hệ giao lưu với một số trí thức, nhà tân thư ở Trung Quốc. Nhờ đó, về sau Phạm Phú Thứ đã tiếp nhận “mấy món sách quý”, trong đó có “Vạn quốc công pháp”. Ông đã cùng các quan cùng thành là ngài Nguyễn Trung thừa Tử Cao, Phiên niết sứ Vũ Nguyên Nhị, Nguyễn Tiến Khanh trù tính khắc in nhiều để phổ biến rộng cuốn sách quý này.
Giải thích vì sao phải in “Vạn quốc công pháp”, trong lời tựa cuốn sách này, Phạm Phú Thứ cho hay: “Muốn liệu việc người Tây, tất phải biết tình hình phương Tây. Một quyển sách “Vạn quốc công pháp” nói về tình hình phương Tây vậy. Nay sông lớn, sông nhỏ rồi sẽ ngập đầy nước biển, chảy về Đông vậy”.
Cụ chỉ rõ thực trạng kém hiểu biết công pháp quốc tế lúc bấy giờ: “Nước ta ở phương Đông, người Tây không thể không lập điều khoản thông thương, tra hỏi bến bờ, lấy ước thư làm đường đi trước vậy. Ngoái trông lại việc giao thiệp, nhiều điều ước vốn không nắm hết, động thì bó tay, thì giao tình không tin tưởng. Lúc đó ta đem công lý tự nhiên cùng tranh luận với người phương khác tục khác được chăng. Nhưng việc phát ra từ tình hình, sao như lấy công lý tự nhiên được”.
Cụ Phạm nhấn mạnh đến tác dụng của công pháp quốc tế: “Tham khảo công lệ từng trải của mọi người có phù hợp với lý không mới làm, thì sẽ nắm được tình hình vậy…
Phàm người điều khiển xe ngựa đi thuần thục đường thì cả người và ngựa đều có ích lợi. Cũng như người dùng thuyền, không tranh nhau cây sào hay mái chèo, cứ thuận dòng chảy thì (thuyền) đi nhanh vậy”. Theo cụ, nhờ hiểu biết về công pháp quốc tế mà “trong khoảng hai, ba năm qua thương sự đã được tiến hành, ở Kinh đô và các cảng biển đã lập sứ quán và thiết lập lãnh sự”.
Đối với giới trí thức nước nhà, tác giả lời tựa sách “Vạn quốc công pháp” lưu ý rằng: “Phàm chúng ta học người xưa, làm quan thì hiền đức, hàng ngày miệng đọc câu: Việc trong vũ trụ đều là phận sự của người học; nhận làm thực tiễn của ta, thì cớ sao chỉ mượn làm câu nói hay?
Thế thì ngoài các sách Kinh, sử, tử, tập ra, các sách người Trung, người Tây đã dịch cũng có bổ ích cho người dùng, cần phải gia ý giảng giải rõ để lưu hành, giúp cho người lo về việc phương Tây đáp ứng mong ước của trên, nhằm ngăn ngừa lâu dài tình hình người Tây giữ được tình hữu nghị, thúc đẩy ước thư mới trông cậy được”.
Tấc lòng còn ghi...
Sở dĩ Phạm Phú Thứ chủ trương tổ chức quảng bá “Vạn quốc công pháp” và các tân thư khác bằng cách “khắc in nhiều để phổ biến rộng” thay cho việc mua sách in từ Trung Quốc vì vừa xa xôi, khó khăn, lại không có sức mua do nước nhà còn nghèo. Đáng trân trọng là cụ Phạm đã bỏ tiền lương tháng của mình để in sách.
Sau này, trong Bản bố cáo quyên góp tiền in ấn “Giá Viên thi văn toàn tập” của Phạm Phú Thứ (khi ông đã qua đời), các quan đầu tỉnh Quảng Nam: Đốc bộ Nguyễn Bút Phong, Tuần phủ Phan Uy Nhạc và Án sát Nguyễn Tiểu Cao đã nhắc lại nghĩa cử cao đẹp này của ông: “Khi ông còn sống, mưu to cả hoàn cầu, xem rộng các sách lạ, như: “Hàng hải kim châm”, “Khai môi yếu pháp”, “Vạn quốc công pháp”… Dù lương bổng của mình không có mấy, nhưng vẫn cho in. Riêng các trước tác của ông có tới bao nhiêu cuốn thì không hề để ý đến…”.