Pho tượng Durga quý hiếm của Mỹ Sơn

LÊ THÍ 01/07/2023 22:25

Ngày 22/6/2023, Văn phòng điều tra An ninh nội địa (HIS) của Hoa Kỳ cho biết đã tịch thu pho tượng Durga quý hiếm được cho là có nguồn gốc từ Thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam bị “buôn bán trái phép” sang Hoa Kỳ. Họ cũng đề cập khả năng “hồi hương” pho tượng này cho “chủ nhân hợp pháp” của nó.

Tượng Durga (theo Email của Latchford).
Tượng Durga (theo Email của Latchford).

Nữ thần Durga trong văn hóa Hindu giáo

Người Chăm chịu ảnh hưởng to lớn của Hindu giáo từ Ấn Độ. Hầu hết công trình kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của họ đều mang màu sắc Hindu giáo. Chỉ có giai đoạn Đồng Dương dưới triều đại Indrapura (875 - 982) là thời kỳ thịnh vượng của Phật giáo.

Tuy nhiên tinh thần Hindu giáo vẫn là “thống soái”: “Di tích Đồng Dương thường được nói đến với tên gọi “Phật viện”, nhưng toàn bộ kiến trúc đều giữ kiểu thức đền tháp Siva giáo ngoại trừ các trụ cổng”. (Võ Văn Thắng, Báo Quảng Nam ngày 21/6/2023).

Trong Hindu giáo, Durga là một nữ thần đặc biệt; được hóa thân dưới hàng trăm tên gọi khác nhau như: Kali, Bhagvati, Bhavani, Ambika, Lalita, Gauri, Kandalini, Java, Rajeswari, Skandamata, Kushmanda, Shailaputri, Kaalratri, Brahmacharini, Maha Gauri, Katyayani, Chandraghanta và Siddhidatri….

Một hóa thân của Durga là nữ thần Parvati, vợ của thần Siva tối cao và là em (chị gái) của thần Vishnou.

Nữ thần Parvati trong hóa thân của Durga là một nữ chiến binh đầu đội mũ hình trụ, ngực trần, vú to, mông nhỏ, đầy sức mạnh đứng bên hổ hoặc sư tử, đang dũng cảm tiêu diệt con quỷ đầu trâu Mahisshasura để bảo vệ sự hòa bình và thịnh vượng cho con người.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Tiến trong “Thế giới một số vị thần Hindu” (Khoa Đông phương học, Đại học KH&XHNV Hà Nội) thì: “Durga từ tiếng Sanskrit có nghĩa là pháo đài hoặc một nơi được bảo vệ và khó tiếp cận.

Durga là vị nữ thần có dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của các tín đồ Hindu và được tôn thờ như biểu tượng của lực lượng siêu nhiên, thánh thiện, vị nữ thần diệt trừ và chiến thắng cái ác.

Nữ thần Durga được coi là một biểu tượng của tình yêu tinh khiết, lòng dũng cảm và ánh sáng. Nữ thần đại diện cho quyền năng của Đấng tối cao duy trì trật tự đạo đức và sự công bằng xã hội.

Nữ thần Durga cũng tượng trưng cho sự đón nhận tính nữ nên hội tụ mọi quyền năng của chư thần. Các quyền năng ấy cũng biểu tượng cho nhiều đức tính cần thiết để hàng phục những khuynh hướng xấu trong tâm hồn mỗi con người, đặc biệt đối với tín đồ Hindu. Do đó, để đạt được những đức tính như vị nữ thần, mỗi tín đồ phải có thái độ sẵn sàng đón nhận với một thái độ gắn liền với nữ tính của thần Durga”.

Chính vì vậy, nữ thần Durga được các tín đồ Hindu giáo thờ cúng vô cùng thành kính. Lễ hội truyền thống Durga thường được gọi là Navratri nhằm tôn vinh nữ thần Durga được tổ chức hàng năm ở nhiều nơi trong cộng đồng những tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ. Đó là lễ hội dài nhất (9 ngày) được mô tả là “được tổ chức trong một thời gian đặc biệt để hát thờ phượng và vinh quang của các nữ thần, và cầu nguyện cho sức khỏe, thịnh vượng, tâm thanh tịnh, tình yêu, hòa bình và hạnh phúc”.

Tượng nữ thần Durga ít được tìm thấy trong văn hóa Chăm (chỉ có một hóa thân của nữ thần là Devi được tìm thấy ở Hương Quế, Quế Phú (Quế Sơn) và một phù điêu bằng sa thạch ở Mỹ Sơn, hiện trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng) mà chủ yếu trong văn hóa Óc Eo.

Tiêu biểu cho những pho tượng Durga của nền văn hóa này là pho tượng bằng sa thạch tìm thấy ở Trà Vinh năm 1902 hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh. Pho tượng Durga mà ta đề cập dưới đây là pho tượng Durga hiếm hoi được tìm thấy ở Mỹ Sơn trong nền văn hóa Chăm.

Tượng Durga của Mỹ Sơn

Ngày 22/6/2023, có một thông tin đăng trên United States Attorney’Ofice của quận Nam Newyork với chủ đề: Vụ tịch thu số tiền từ bán cổ vật bị đánh cắp lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm cả việc tịch thu bức tượng đồng quan trọng có niên đại thế kỷ thứ 7 từ Việt Nam (Nguồn: https://www.justice.gov/.../us-attorney-announces-12...).

Nội dung chính của thông tin này là: “Damian Williams, luật sư Hoa Kỳ cho quận phía Nam của New York, và Ivan J. Arvelo, Đặc vụ phụ trách Văn phòng điều tra An ninh nội địa tại New York (HSI) hôm nay đã thông báo rằng Hoa Kỳ đã đệ trình và giải quyết một vụ kiện tịch thu dân sự đối với 12 triệu USD thu được từ việc bán cổ vật Đông Nam Á bị đánh cắp bởi nhà buôn cổ vật bị truy tố Douglas Latchford.

Dàn xếp với con gái của Douglas Latchford - người đã qua đời vào năm 2020, giải quyết khiếu nại rằng Latchford đã chuyển số tiền thu được từ việc bán cổ vật bị đánh cắp vào tài khoản ngân hàng ở Bailiwick của Jersey.

Là một phần của Thỏa thuận Thu xếp, con gái của Latchford cũng đã đồng ý việc tịch thu bức tượng đồng thế kỷ thứ 7 mô tả nữ thần Durga bốn tay, được cho là đã bị đánh cắp từ Việt Nam vào năm 2008 - bức tượng mà Latchford bị cáo buộc đã mua bằng tiền bẩn. Đề xuất giải quyết có thể được xem xét bởi một thẩm phán quận ở Quận phía Nam của New York”.

Cũng theo nguồn tin này thì dựa vào hồ sơ gồm email, thư từ trao đổi với nhân viên ngân hàng, Douglas Latchford hé lộ thông tin ông đã đến Việt Nam vào tháng 11/2008 và mua pho tượng với giá 2 triệu USD.

Qua email gửi cho một đại lý vào tháng 1/2009 ông cũng cho biết thêm nguồn gốc của pho tượng là Mỹ Sơn - Di sản Thế giới của UNESCO tại Việt Nam và hình ảnh pho tượng khi mới được phát hiện “là một Durga nằm ngửa, được bao phủ bởi thứ dường như là bụi bẩn và khoáng chất cho thấy mới được khai quật gần đây”.

Thông tin từ bài báo cũng dấy lên một tin mừng: “Đặc vụ HSI phụ trách Ivan J. Arvelo cho biết: “Douglas Latchford quá cố là một tay buôn đồ cổ bị đánh cắp rất giỏi. Sự đồng lõa của anh ta trong nhiều giao dịch bất hợp pháp trong nhiều thập kỷ đã mang lại cho anh ta hàng triệu đô la tiền thanh toán từ người mua và đại lý ở Hoa Kỳ, trong đó như một phần của thỏa thuận này, tài sản của anh ta sẽ bị tịch thu một cách hợp pháp 12 triệu đô la.

HSI New York lưu ý việc hồi hương bất kỳ cổ vật nổi bật nào đang chờ xử lý từ bộ sưu tập thu được bất hợp pháp của Latchford cho chủ sở hữu hợp pháp của chúng và tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa, tác phẩm nghệ thuật và cổ vật”.

Con đường hồi hương pho tượng quý sẽ hết sức phức tạp. Nhưng cứ hy vọng!

LÊ THÍ