Từ Câu Chiêm đến Dinh Chiêm

VŨ HÙNG 25/06/2023 09:20

Địa danh Quảng Nam ngày nay đã trải qua hành trình thay đổi tên gọi nhiều lần. Sử sách cùng những ghi chép của các giáo sĩ khi đến xứ Đàng Trong lưu lại dấu Chăm rõ nét.

Bức họa đồ mô tả Dinh trấn Thanh Chiêm xưa. Ảnh: Internet
Bức họa đồ mô tả Dinh trấn Thanh Chiêm xưa. Ảnh: Internet

Những cứ liệu

Vào nửa đầu thế kỷ 17, khi các vị giáo sĩ châu Âu đến Đàng Trong thường ghi chép Quảng Nam và Dinh Chiêm bằng các tên gắn với Champa. Năm 1621, giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri gọi thị trấn có Chúa (Đàng Trong) đóng ở đó bằng tiếng Ý là Cacciam, cách Đà Nẵng 6 hay 7 dặm bằng đường sông.

Cùng năm trên, hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha Gaspar Luis và João Roiz viết bằng tiếng La tinh và tiếng Bồ về dinh trấn Thanh Chiêm đều ghi là Cacham. Năm 1626, giáo sĩ Antonio De Fonte, người Bồ Đào Nha, viết bằng tiếng Bồ và giáo sĩ Gaspar Luis viết bằng tiếng La tinh, về trụ sở Dinh Chàm đều ghi là Cacham.

Giáo sĩ người Bồ Đào Nha Francisco de Pina, năm 1623, khi viết về dinh trấn Thanh Chiêm bằng tiếng Bồ nhiều lần ghi là Ca Chão. Năm 1644, ghi chép về một vị tử vì đạo tên An-rê Phú Yên cũng cho biết ông bị hành quyết tại Ca Chão, Cacham, cách Hội An khoảng 6 dặm Anh (Quảng Nam và những vấn đề sử học; Dinh trấn Thanh Chiêm - Quảng Nam).

Năm 1653, giáo sĩ Alexandre De Rhodes ghi trên bản đồ bằng tiếng Bồ về Quảng Nam là “tỉnh Chàm” và Ciam. Trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621” bằng tiếng Ý, giáo sĩ Cristoforo Borri ghi rằng xứ này có 5 tỉnh: Renran (Phú Yên), Quingnim (Quy Nhơn), Quamguia (Quảng Ngãi), nơi vua đóng là Thuận Hóa (Sinuua) và Quảng Nam - nơi hoàng tử làm trấn thủ, là Cacciam.

Vào đầu thế kỷ 20, Albert Sallet, trong một bài viết nghiên cứu về tỉnh Quảng Nam đăng trên tạp chí Những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) năm 1923, tương tự như Alexandre De Rhodes, gọi tỉnh Quảng Nam là “Quảng Chàm”. Trong “Phủ biên tạp lục” ghi dinh trấn Quảng Nam là Dinh Chiêm.

Cacham, Cacciam, Ca Chão khá trùng âm với địa danh Câu Chiêm được ghi trong chính sử vào đầu thế kỷ 14. Năm 1311, “mùa đông, tháng 12, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc”. Năm sau, “mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về; phong em hắn là Chế Đà A Bà Niêm làm Á hầu trấn giữ đất ấy.

Trước đó, Chế Chí sai người sang cống. Người ấy là trại chủ Câu Chiêm. Vua sai Đoàn Nhữ Hài bí mật ước hẹn với hắn. Đến khi vua đích thân đi đánh, đến phủ Lâm Bình, chia quân làm ba đường: Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn theo đường núi, Nhân Huệ Vương Khánh Dư theo đường biển, vua tự dẫn quân theo đường bộ; thủy bộ, cùng tiến. Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước.

Vua đến Câu Chiêm dừng lại. Nhữ Hài sai người tới chỗ trại chủ, nói rõ ý yêu cầu quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí. Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng”. Vào nửa cuối thế kỷ 15, địa danh Câu Chiêm lại ghi trong chính sử. Năm 1471, khi đại quân của vua Lê Thánh Tông ngay khi “vào đất giặc” liền bắt vị quan trấn giữ “cửa quan Cụ Đê nước Chiêm” (Đại Việt sử ký toàn thư, tr.266, 466, 469).

Tìm trong dấu xưa

Theo Phan Khoang, “Cu Chiêm” trong sự kiện năm 1312 “có lẽ ở biên giới núi Hải Vân” (Việt sử xứ Đàng Trong, tr.59), nhưng ông không chỉ rõ ở phía bắc hay nam Hải Vân. Bờ bắc Hải Vân không có địa danh nào như thế. “Viên lại giữ cửa quan Cụ Đê nước Chiêm” bị bắt vào năm 1471 chắc hẳn phải là vị quan trấn giữ ở ngay cửa ngõ phía nam núi Hải Vân, tức vùng cửa sông Cu Đê ngày nay.

Hai địa danh Câu Chiêm (俱占) và Cụ Đê (俱低) ghi bằng chữ Nho trong chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư, bản chữ Nho). “Câu” và “Cụ” đều giống nhau về tự dạng (俱) và nghĩa (đều, cùng, tất cả, họ Câu), âm đọc có thể là Câu, Cu, Cụ. Câu là âm Chàm còn lưu lại một số địa danh ở Quảng Nam như Câu Nhí, Câu An, Câu Lâu, Câu Hà, Ngân Câu, Đà Câu…

Chiêm và Đê không trùng nhau về tự dạng, nhưng khá giống nhau về nghĩa: Chiêm (占) còn gọi là Chàm; chữ Đê (低, có bộ nhân) nghĩa là thấp, cúi xuống, hạ, hèn kém; chữ Đê (氐, không có bộ nhân) nghĩa là nền, gốc, sao Đê trong nhị thập bát tú, tên một bộ lạc, ở miền tây Trung Quốc thời cổ. Lê Quý Đôn, khi viết về các sách người Man và người Đê nước Nam Bàn, ở phía tây Phú Yên, giải thích rằng: “Tục gọi Đê là người Chàm, Man là người Mọi”. Đê (低) cũng là Chàm (占).

Vì vậy, Cụ Đê, Cu Đê, Câu Đê là biến thể của Câu Chiêm. Việc đổi Câu Chiêm thành Cụ Đê sớm nhất có thể là vào cuối năm 1470, triều vua Lê Thánh Tông. Sau khi ban chiếu khởi binh bình Chiêm, “vua xem địa đồ nước Chiêm, đổi lại tên sông tên núi” (Đại Việt sử ký toàn thư). Địa danh Câu Chiêm là tên gọi vùng đất phía nam núi Hải Vân từ đầu thế kỷ 14 cho đến nửa cuối thế kỷ 15.

Chức vụ và vai trò của vị trại chủ Câu Chiêm rõ ràng có tầm ảnh hưởng lớn trong vương triều Champa. Ông được cử đi sử sang Đại Việt, vua Chế Chí nghe theo ông đến hàng vua Trần. Sử liệu không ghi chép cụ thể về quy mô trại Câu Chiêm, nhưng có thể bao gồm một vùng đất rộng lớn hơn hoặc tương đương tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Lỵ sở của dinh Quảng Nam gọi là Dinh Chiêm, đóng ở Thanh Chiêm, có địa danh “Thành Chiêm” (Thành Chiêm biến đổi thành Thanh Chiêm?). Ký ức của người dân còn lưu dấu vết thành này “nằm cạnh bờ sông nên bị nước xói lở, nay đã thành một bãi cát, các đoạn thành trì ở khúc khác cũng đã bị san lấp để làm ruộng vườn, nhà cửa”.

Đầu thế kỷ 20, dấu vết “Thành Chiêm”, còn gọi là thành Hoàn Vương, còn lưu trong bài “Quảng Nam tỉnh phú” của đốc học tỉnh Quảng Nam: “Thành Hoàn Vương rêu xanh che phủ” (Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam). Phải chăng “Thành Chiêm” này là thành trì của trại chủ Câu Chiêm?

Cacciam, Cacham, Ca Chão rất có thể là từ địa danh trại Câu Chiêm ghi trong chính sử vào nửa cuối thế kỷ 15. Người Quảng thường gọi Chiêm là Chàm, vào nửa đầu thế kỷ 17, hơn hai thế kỷ sau, có thể trong dân gian vẫn còn lưu dùng Câu Chiêm, Câu Chàm để chỉ về xứ sở, các vị giáo sĩ, trong đó có những người tiên phong sáng tạo chữ quốc ngữ, đã phiên âm thành Cacciam, Cacham, Ca Chão.

VŨ HÙNG