"Gái Tiên Hà, gà Tiên Lãnh"
(ĐS 21/6) - “Gái Tiên Hà, gà Tiên Lãnh” là câu thành ngữ được lưu truyền ở Tiên Phước quê tôi nhưng không phải ai cũng có thể lý giải ngọn nguồn vì sao có câu thành ngữ ấy...
Ở Tiên Lãnh, tôi có anh bạn tên là Võ Mười Sáu. Trao đổi qua điện thoại, anh bảo: “Dễ ợt! Ông lên đây rồi sẽ hiểu ngay thôi! Đúng hẹn, tôi có mặt ở nhà anh. Vùng quê này là “vương quốc cau” của huyện Tiên Phước. Nhà nào cũng trồng cau. Xóm làng nào cũng là những vườn cau nối tiếp nhau ngỡ như bất tận.
Võ Mười Sáu dẫn tôi đi dạo quanh vườn nhà anh và vườn nhà hàng xóm. Chớm hạ. Đang mùa thu hoạch lúa đông xuân. Rơm rạ được bà con nông dân gánh về rải khắp vườn cho gà tha hồ bươi chải kiếm ăn. Lác đác trong vườn là những cành nhánh gỗ tạp, những bìa gỗ xẻ không dùng được vào việc gì, vứt quăng mục ải vì mưa nắng.
Trưa. Tôi được chủ nhà thết đãi món quê dân dã. Rượu gạo ngâm cây sâm cau màu hổ phách. Mồi đưa cay là thịt gà xé phay bóp trộn với rau răm, rau tần và hành củ thái mỏng. Tống hạ là món cháo gà đầy váng mỡ vàng ruộm và nóng hôi hổi vừa thổi vừa húp. Quả là “danh bất hư truyền”, gà Tiên Lãnh thịt săn chắc và thơm ngon không chê vào đâu được.
“Hôm trước ông bảo tôi lên chơi rồi sẽ nói rõ nguyên do gà Tiên Lãnh thơm ngon có tiếng. Nhưng từ sáng đến giờ ông cứ lơ đi, vì sao?”. Tôi hỏi Võ Mười Sáu. Anh bạn tròn mắt ngạc nhiên: “Ơ… mình giải thích rồi cơ mà?”. Tới lượt tôi thảng thốt: “Ông nói khi nào vậy?”. Anh bạn nhoẻn cười: “Mình dẫn ông đi dạo vườn tược, xem gà ta bươn chải kiếm ăn… Đó chẳng phải là một cách lý giải sao”.
Tiên Lãnh là vùng quê liền kề rừng thẳm núi cao, cây gỗ dồi dào. Ngày xưa, người dân địa phương khai thác gỗ làm nhà, đóng bàn ghế, giường tủ… chỉ lấy gỗ lõi, còn gỗ bẹ gỗ bìa đem vứt ngoài vườn. Mối đùn lên xơi gỗ. Và gà ta thả vườn tìm kiếm mối để ăn. Hai chân vận động hoài và được bồi dưỡng bằng những con giun, con mối béo trục béo tròn nên thịt gà ta thả vườn Tiên Lãnh có tiếng thơm ngon.
“Ngày nay, ngành kiểm lâm nghiêm cấm khai thác gỗ rừng tùy tiện như một thời đã qua. Bà con chặt gỗ tạp và gánh rơm rạ ngoài đồng về rải trong vườn cho gà bươi chải kiếm ăn. Vì thế, Tiên Lãnh vẫn là nơi có giống gà ta thả vườn “danh bất hư truyền” được nhiều người biết đến”. Võ Mười Sáu bảo với tôi.
Rời Tiên Lãnh, tôi về “miền gái đẹp” Tiên Hà.
Qua gặp gỡ trò chuyện với dân làng Trung An, Tú An, Phú Vinh, Tiên Tráng, Đại Tráng và Tài Thành, không ai biết rõ nguyên do vùng đất xưa kia từng là nơi được coi là chốn “khỉ ho cò gáy”, biệt lập với bên ngoài bởi “Dốc Si đi không nổi thì bò” lại có nhiều gái đẹp.
Không ít người cho rằng, Tiên Hà có con sông Khan như dải lụa mềm ngày đêm êm ả trôi xuôi giữa hai bờ núi, có hòn Núi Vú thanh tân căng tràn sức sống… Sông Khan là tên gọi khác của con sông Tiên khi chảy qua địa phận Tiên Hà.
Còn Núi Vú nhô lên ở khu vực giáp ranh giữa hai xã Tiên Hà và Tiên Châu. Nếu bảo do hình sông thế núi, tại sao làng Tài Thành nằm bên kia sông Khan và các làng Thanh Bôi, Thanh Tân và Thanh Khê của xã Tiên Châu ở liền kề với Tiên Hà lại không có nhiều gái đẹp?
Xưa nay, hầu hết mỹ nhân đều sinh ra và lớn lên ở làng Trung An, Tú An, Phú Vinh, Tiên Tráng và Đại Tráng. Họ có chung đặc điểm là vóc dáng cao ráo mảnh mai, da dẻ trắng ngần, chân mày lá liễu, hàm răng bắp nếp tỏa nắng khi cười.
“Từ thuở xa xưa đến giờ, quê mình nổi tiếng có nhiều gái đẹp. Ai cũng biết vậy. Nhưng không mấy ai hiểu rõ nguyên do. Có chăng là những người già hú hươm đầu óc còn minh mẫn”. Hùng - người làng Phú Vinh, bạn lính từng chinh chiến nơi miền đất lạ với tôi, cười nói. “Người già hú hươm” ở Tiên Hà không đủ đếm trên mười đầu ngón tay, hầu hết đều nhớ nhớ quên quên. Hùng cho biết thêm.
Tôi cảm thấy bất lực trước câu hỏi chưa có lời giải đáp. Trên đường về, tôi thấy đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ ở cánh đồng vừa gặt xong. Tôi dừng xe ngó nghiêng. “Hình như chú là người từ xa đến đây? Và trông chú có vẻ thích thú với cảnh quê yên bình?”. Ông cụ đội nón cời ngồi chăn bò dưới bóng cây tránh nắng, cười hỏi.
Tôi gật đầu và tới bắt chuyện làm quen với ông cụ. Dù đã ngoài tám mươi nhưng trông ông cụ vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Biết tôi lặn lội đến “miền gái đẹp” để tìm hiểu nguyên do nào khiến Tiên Hà có nhiều mỹ nhân, ông cụ bảo: “Không phải tại nước sông Khan, cũng không phải có hòn Núi Vú mà vùng quê này có nhiều gái đẹp. Nó khởi nguồn từ những gánh hát hơn trăm năm trước. Chuyện dài dòng lắm! Chú muốn nghe, tui kể cho nghe…”.
…Cách đây hơn trăm năm, sau Tết Nguyên đán cổ truyền, với người dân quê, tháng Giêng là tháng… ăn chơi! Những kẻ giàu có ở Tiên Hà rước gánh hát về diễn tuồng ở sân đình cho bà con trong làng trong xã cùng xem.
Đối với người dân quê Tiên Hà nói riêng, người dân quê Tiên Phước và cả xứ Quảng nói chung, ai cũng mê hát bội. Bởi thế mới có câu ca: “Tai nghe trống chiến, trống chầu/ Xếp ba miếng kẹo lộn đầu lộn đuôi”.
Hát bội hành tội người ta. Bộ môn nghệ thuật sân khấu ấy có sức hấp dẫn lạ lùng, đến độ: “Tháng Ba ngày Tám nằm suông/ Nghe giục trống tuồng cố lết đến xem”. Theo lời các bậc tiền nhân, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, vùng quê Tiên Hà có nhiều bá hộ, phú ông mê hát tuồng.
Cứ sang tháng Giêng họ lại rước các gánh hát từ các nơi tới lưu diễn hết mùa trăng này đến mùa trăng khác. Đào nương là những cô gái trẻ trung xinh đẹp, hát hay múa dẻo, diễn tuồng điệu nghệ khiến bao người xem chết mê chết mệt.
“Đâu chỉ có bá hộ, phú ông, trong làng trong xã còn có những anh trai tân phải lòng các đào nương, không cam chịu đơn phương thầm thương trộm nhớ, họ chủ động ngỏ lời cầu hôn. Và nhiều cặp đôi đã nên vợ nên chồng…”. Ông cụ cho tôi hay.
“Hóa ra, ngày xưa các đấng nam nhi Tiên Hà cũng hào hoa đa tình và dám bước qua định kiến “xướng ca vô loài” để cưới hỏi các đào nương làm vợ”. Tôi cười.
“Vùng quê có con sông Khan và hòn Núi Vú trở thành nơi “đất lành chim đậu” của những đào nương từ bốn phương tám hướng tụ hội về. Rất có thể ngày nay các thế hệ con cháu của họ được thừa hưởng vẻ đẹp hình thể của ông bà mẹ cha và tạo nên “miền gái đẹp” xứ Tiên”. Ông cụ cười bảo với tôi.
“Nhiều người ở Tiên Hà biết nguyên do quê mình có lắm mỹ nhân xuất phát từ các đào nương của các gánh hát ngày xưa nên duyên chồng vợ với trai làng?”. Tôi hỏi. Ông cụ cho hay, không chỉ lớp người “cổ lai hy” ở Tiên Hà mà các làng xã phụ cận như Tiên Sơn, Tiên Cẩm và Tiên Châu cũng đều tường tận. Tiếc rằng, lớp người ấy ngày càng thưa vắng dần.
Ngồi trò chuyện với ông cụ cho đến khi chiều tà, tôi mới sực nhớ ra mình chưa biết tên ông cụ, vội lễ phép nói: “Thưa cụ! Quý danh của cụ là gì?”. Ông cụ cười: “Người làng gọi tui là ông Bảy Phú Vinh”.
Trên đường về, tôi ghé các nhà quen ở Thanh Tân và Thanh Khê hỏi chuyện người già, ai cũng bảo ông Bảy Phú Vinh nói đúng. Tiên Hà là “miền gái đẹp” nổi tiếng từ xưa, được dân gian đúc kết qua câu thành ngữ “Gái Tiên Hà, gà Tiên Lãnh”…