Nhận diện di sản tư liệu xứ Quảng từ khảo cổ học
(VHQN) - Miền Trung Việt Nam nói chung (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) và “xứ Quảng” nói riêng có quá trình lịch sử - văn hóa độc đáo. Di sản tư liệu có chất liệu và hình thức rất phong phú, đa dạng: từ chất liệu đá, đồng, vàng, bạc... cho đến gỗ, giấy, vải... trải dài suốt lịch sử.
Đặc điểm nổi bật là từ thế kỷ 15 trở về trước xứ Quảng là trung tâm quan trọng nhất của vương quốc Champa. Từ thế kỷ 15 trở về sau là vùng có nhiều lớp cư dân và văn hóa tộc người “chồng lấn” lên nhau, quá trình giao lưu – tiếp biến mạnh mẽ chủ yếu giữa người Chăm và người Việt; khu vực cảng thị Hội An còn có thêm người Hoa, người Nhật. Bên cạnh đó còn có các yếu tố văn hóa của các tộc người Trường Sơn – Tây Nguyên. Đây là cơ sở tạo nên sự phong phú và độc đáo của hệ thống di sản tư liệu ở đây.
Từ góc độ khảo cổ học có thể nhận biết di sản tư liệu ở xứ Quảng bao gồm nhiều loại hình. Thời kỳ vương quốc Champa, di sản tư liệu thường là di vật tại đền tháp, chủ yếu là “văn bản” chữ viết, bao gồm các bi ký bằng đá, ít hơn là chữ viết trên vật dụng dùng trong nghi lễ như đồ đồng, vàng, bạc… Khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận còn có “kinh sách lá buông”, ngoài ra còn chữ viết trên một số chất liệu khác nhưng không còn tồn tại đến ngày nay.
Cùng với tôn giáo và tổ chức nhà nước, chữ viết Champa xuất hiện khá sớm và đều bắt nguồn từ Ấn Độ. Vì vậy, sự tồn tại của loại hình di sản này không chỉ hữu ích cho việc nghiên cứu về một nền văn minh, một vương quốc cổ từng hiện diện trên lãnh thổ mà còn hữu ích cho nghiên cứu lịch sử quan hệ giao thương – văn hóa của Đông Nam Á và Ấn Độ cổ đại.
Từ cuối thế kỷ 15 với sự hiện diện của chính quyền Đại Việt, xứ Quảng đã có nhiều đợt lưu dân người Việt đến đây, bắt đầu quá trình đan xen, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa hai cộng đồng cư dân Chăm – Việt. Di sản tư liệu không chỉ là chữ viết Champa mà còn là chữ Hán, từ thế kỷ 17 về sau có thêm chữ Quốc ngữ.
Hệ thống di tích, di vật ngoài đền tháp Champa còn có những kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng khác, như đình, chùa, hội quán, nhà thờ họ… Tại đó lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, bài vị, mộc bản, bia đá, chuông, khánh đồng có minh văn… phản ánh lịch sử di tích, qua đó phản ánh lịch sử và văn hóa của một cộng đồng.
Không chỉ có chất liệu gỗ, đồng mà thời kỳ này đã phổ biến tài liệu bằng giấy gồm kinh Phật, gia phả, tác phẩm văn học, ghi chép về lịch sử, du lịch… Nhiều lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội được phản ánh qua những tài liệu này.
Đặc biệt, Hội An là cảng thị lớn nhất Đàng Trong nổi bật với kinh tế ngoại thương, chứa đựng rất nhiều di sản tư liệu. Nguồn tư liệu hiện lưu trữ tại địa phương như hồ sơ di tích, các số liệu thống kê (về di tích, dân số và biến động dân cư, tình trạng quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích), văn tự cổ lưu trữ tại các di tích (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, khế ước mua bán nhà đất, khế ước gán nợ, gia phả… ); văn tự chữ Hán (bi ký, minh văn trên hiện vật, di chúc)… liên quan đến người Hoa và các kiến trúc của cộng đồng. Bên cạnh đó là nguồn tư liệu thời sau như tư liệu thành văn là chính sử, địa chí, ghi chép của người nước ngoài (phương Tây, Trung Quốc và Nhật Bản).
Nghiên cứu khảo cổ học về di tích kiến trúc cổ ở Hội An, trong đó có những di sản tư liệu góp phần nghiên cứu lịch sử xứ Quảng nói riêng và Việt Nam nói chung. Di tích và tư liệu đã phản ánh lịch sử quy hoạch đô thị thời trung - cận đại tại thương cảng Hội An, bức tranh lịch sử các cộng đồng dân cư và sự đa dạng văn hóa của Hội An và xứ Quảng.
Từ thế kỷ 16 - 19, do nhiều nguyên nhân lịch sử – xã hội, cùng với vị trí địa lý và những điều kiện khác về tự nhiên và xã hội, Đàng Trong – mà vùng đất đầu tiên là xứ Quảng đã trở thành nơi tiếp nhận nhiều cộng đồng dân cư đến làm ăn, sinh sống rồi cư trú lâu dài và gắn kết với mảnh đất này.
Trong tiến trình lịch sử mở rộng lãnh thổ của Đại Việt, xứ Quảng có vai trò đặc biệt quan trọng và có bề dày lịch sử cùng sự đa dạng về văn hóa. Di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng của xứ Quảng phản ánh lịch sử các cộng đồng dân cư có những hoạt động kinh tế - xã hội như nông lâm ngư nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nghề y dược...
Theo chân đoàn di dân, các phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của các cộng đồng cư dân cũng bắt rễ và phát triển trên vùng đất mới. Nhiều tôn giáo tín ngưỡng phát triển mạnh mẽ và là chỗ dựa tinh thần cho các cộng đồng dân cư. Tất cả đời sống văn hóa – xã hội ít nhiều đều được lưu lại qua di sản tư liệu.
Từ góc độ khảo cổ học cần quan tâm điều tra, nghiên cứu di sản tư liệu được lưu giữ tại các đô thị hình thành thời thuộc địa (như Đà Nẵng, Tam Kỳ…) để hiểu rõ về quy hoạch xây dựng và văn hóa đô thị thời cận – hiện đại.
Khảo sát điều tra, ghi nhận tư liệu di sản tại nhà ở, công trình công cộng, công trình tôn giáo (nhà thờ công giáo, tin lành)… của các cộng đồng tộc người ở miền núi xứ Quảng/miền Trung và Tây Nguyên trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, qua đó có thể nhận diện một cách đầy đủ và khách quan về di sản văn hóa khu vực này. Trên cơ sở đó các ngành liên quan đề xuất những phương thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả nhất.