"Dải lụa vàng" từ trăm năm
(VHQN) - Như những “dải lụa vàng” trải dọc chiều dài lịch sử, các sắc phong, thần phả tại đình làng, nhà thờ tộc... là kho tàng di sản tư liệu phong phú của đời sống mà xứ Quảng may mắn giữ được.
Mang dáng hình xứ sở
Cụ Võ Mễ - người coi sóc đình làng An Nhơn (xã Điện Phương, Điện Bàn), tự hào kể về những sắc phong làng đang giữ. Bóng thời gian đã phủ tràn vùng đất dinh trấn, nhưng câu chuyện quá khứ như còn tươi nguyên, đầy sống động trong đáy mắt người già.
Ông Mễ nói, cả 15 sắc phong mà các vua triều Nguyễn ban cho những đại thần đã có công lập làng, giữ nước chính là báu vật của xứ đất này, cũng là điều thiêng liêng của gia tộc. Vùng dinh trấn Thanh Chiêm với những vàng son của ký ức từ hơn 400 năm luôn là tự hào riêng có của người bên dòng Thu Bồn.
Trong vỉa tầng trầm tích từ dân gian, có câu chuyện của những sắc phong làm nên dáng hình xứ sở. Lai lịch của đình làng An Nhơn không nằm trong số 15 sắc phong người làng còn giữ, nhưng từ sắc phong theo niên đại đầu tiên được ban tại đây, đã dựng nên một lịch sử lâu đời của di tích.
Ngay lúc chúa Nguyễn lập nên Dinh trấn Quảng Nam, đình An Nhơn ra đời với mong muốn cầu được anh linh tiền nhân phù trợ, cầu quốc thái dân an và ngày càng phát triển hơn nữa để dinh trấn đạt được cực thịnh.
Mấy trăm năm vật đổi sao dời, người làng này vẫn giữ cho được những sắc phong, thần phả từ các triều đại Minh Mạng cho đến Bảo Đại - bởi chính những “dải lụa vàng” đang làm vai trò là chứng tích của mảnh đất thiêng.
Phía bên này cầu Câu Lâu, cũng ở miệt Thu Bồn, người làng Mỹ Xuyên Đông (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) cũng giữ cho riêng mình niềm kiêu hãnh về một vùng đất đặc biệt.
Như những “báu vật của làng”, những sắc phong được niêm phong và bảo quản kỹ càng ngay tại đình làng. Sắc phong đầu tiên của vua Minh Mạng năm thứ 5 ban năm 1824 cho người làng Mỹ Xuyên hiện được xếp vào hàng sắc phong cổ nhất tại Quảng Nam.
Tính từ sắc phong đầu tiên của thời vua Minh Mạng, liên tục các sắc phong của những đời vua Thiệu Trị, Đồng Khánh đến sắc phong cuối cùng của vua Khải Định năm thứ 9, Mỹ Xuyên Đông có đến 32 sắc phong cho các chức thần. Mỹ Xuyên Đông gần như là ngôi làng cổ có nhiều sắc phong nhất hiện nay tại Quảng Nam.
Theo TS. Phạm Văn Tuấn - công tác tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, ở góc độ giá trị lịch sử, sắc phong mang ý nghĩa như những văn bia, là nguồn tư liệu quý giá về nhiều mặt để phác nên dáng hình của một vùng đất. Nhiều làng giờ không còn đình nữa, nhưng nếu vẫn còn giữ sắc phong, dân làng có thể dựa trên sắc phong để xin dựng đình mới.
Giữ “báu vật”
Qua mấy trăm năm, nhiều giai đoạn tao loạn, người dân xứ Quảng vẫn cố để bằng mọi cách giữ những sắc phong của đình làng, tộc họ mình. Ông Nguyễn Văn Thân - người làng Mỹ Xuyên Đông nói, liên tục hứng chịu các trận càn quét của địch trong thời chiến, bom rơi lửa đạn, nhưng người làng vẫn nhắc nhớ nhau phải giữ an toàn bằng được những sắc phong.
Còn sắc phong là còn niềm kiêu hãnh của người làng. Đây cũng là tinh thần của những người ở làng luôn mang tâm ý phải giữ lấy cội nguồn mình từ mạch nguồn truyền thống, bản sắc quê nhà.
Ở xứ Quảng không chỉ có sắc phong ban chức tước, cấp hàm cho các công thần, hoàng thân quốc thích, mà còn có cả sắc phong thần cho các thần linh, nhân thần, những bậc hiển thánh - thành hoàng làng. Lễ hội Bà Thu Bồn (Lệ Bà) vào mỗi mùa giêng hai, với lễ rước sắc luôn được tổ chức thành kính, trang trọng, chính là biểu hiện cũng như nhận thức văn hóa sâu đậm về giá trị nguồn cội.
Tôi vẫn nhớ như in từng động tác nghiêm cẩn của cụ ông Thái Văn Lịch - người làng Thu Bồn, trước lễ rước sắc Bà. Năm 2001, sắc phong Bà Thu Bồn được cung thỉnh từ Huế về Quảng Nam và từ đó, cụ Thái Văn Lịch được người làng giao trọng trách giữ sắc. Bao nhiêu năm trôi qua, sắc của làng được trang trọng đặt ở bàn thờ cạnh bàn gia tiên của gia đình người thủ sắc này.
Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết, năm 2014, trung tâm đã thẩm định và ra mắt công trình nghiên cứu “Sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật di sản Hán - Nôm tại các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.
Trung tâm đã sao chụp, thác bản, in dập được 128 văn bia, 600 trang thần sắc, thần phả của 112 làng trên địa bàn tỉnh và 1.000 trang tư liệu Hán - Nôm làng xã Quảng Nam (Quảng Nam xã chí) trước năm 1945.
Ngoài ra có 3.000 trang tài liệu về các sắc phong ở Quảng Nam, 800 hoành phi, câu đối ở các di tích. Riêng tại các địa phương Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên, các tư liệu Hán - Nôm gồm văn bia, hoành phi, câu đối, gia phả, sắc phong đã in chụp được 4.000 trang tư liệu. Ông Cẩm nói, đây là những tư liệu ký ức quý giá để dựng bức tranh về một vệt văn hóa trong quá trình lập đất lập làng và phát triển của Quảng Nam.
Vẫn còn nhớ tháng 4 năm nay, dư luận xôn xao khi nhiều đạo sắc phong khả năng có nguồn gốc từ Việt Nam bị rao bán, đấu giá công khai trên mạng ở Trung Quốc. Từ trước đó, 40 sắc phong có giá trị ở một ngôi đình tại tỉnh Phú Thọ bị đánh cắp.
Nguy cơ chảy máu thư tịch cổ, trong đó có sắc phong, đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Việc bảo vệ, tránh nguy cơ hư hại từ công tác bảo quản cũng như lưu giữ di sản này như thế nào, là vấn đề khẩn thiết đặt ra...