Ký ức cũng cần "số hóa"

HỨA XUYÊN HUỲNH 11/06/2023 11:27

(VHQN) - Sự hư hại của hiện vật theo thời gian và đòi hỏi về hướng tiếp cận mới của công chúng đã đặt ra yêu cầu sớm “số hóa” để biến di sản thực sự trở thành tư liệu sống.

Một góc nhìn ra biển từ “Vọng giang đài”.
Một góc nhìn ra biển từ “Vọng giang đài”.

Lên mạng làm du khách “ảo”

Tôi click vào địa chỉ “bandodisandanang.vn”, một bản đồ du lịch số do Bảo tàng Đà Nẵng thiết lập, để tìm đến một trong 2 di tích quốc gia đặc biệt của Đà Nẵng: Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Mới hồi đầu tháng 3, hệ thống ma nhai (văn tự khắc trên vách núi) Ngũ Hành Sơn chính thức đón bằng công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cũng giữa đầu tháng 3 năm nay, đề tài về giá trị ma nhai Ngũ Hành Sơn cũng được các chuyên gia diễn thuyết tại lễ hội Quán Thế Âm.

Vào vai du khách “ảo” tham quan Ngũ Hành Sơn, tôi được mời xem đoạn clip gần 2 phút giới thiệu sơ lược về danh thắng, với các cảnh quay sinh động kèm những dòng thông tin song ngữ Việt - Anh.

Tiếp đó, cứ lần theo dấu mũi tên, tôi băng qua ngã ba đường ở núi Thủy Sơn, vào thăm chùa Tam Thai. Đến khu vực dừng chân dưới núi Thủy Sơn, tôi phân vân nên rẽ trái vào động Linh Nham hay rẽ phải để sang động Vân Thông…

“Trên các vách đá rêu phong vẫn còn in đậm những văn bia cổ, các ký tự Hán - Nôm, mỗi ngọn núi, mỗi hang động đều chứa đựng những truyền kỳ về văn hóa Đại Việt và văn hóa Champa”.

Đoạn thuyết minh đọc ở clip ngắn nhắc du khách “ảo” nhớ rằng, có tổng cộng 78 ma nhai được khắc ở các vách động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Thiên Phước Địa và các hang Vân Căn Nguyệt Quật, Vân Nguyệt Cốc…

Nhưng xem ra, với các cú click chuột, du khách chưa cảm nhận rõ nét các vết khắc. Phải nhìn kỹ lắm tôi mới thấy 3 chữ Hán “Vân Thông động” màu đỏ trên vách, khi tôi chuẩn bị rời động Vân Thông (nơi có 2 ma nhai) để theo hướng mũi tên ra phía đình Thượng Nhai.

Liệu rồi những văn bia cổ, các ký tự Hán - Nôm trên vách đá sẽ mãi mãi in đậm trên các vách đá rêu phong?

Vách động Vân Thông trong tour ảo, có 3 chữ “Vân Thông động”...
Vách động Vân Thông trong tour ảo, có 3 chữ “Vân Thông động”...

Câu hỏi này bật ra sau khi tôi lần theo bản đồ du lịch số để đi sâu vào bên trong các hang động, thoải mái xoay 360 độ để xem rõ các bức vách, thậm chí “leo” lên Vọng hải đài, Vọng giang đài...

Và câu trả lời từ phía Bảo tàng Đà Nẵng gần như đã giải tỏa được nhiều nghi vấn. Còn nhớ, tại lễ hội Quán Thế Âm vừa mở hồi giữa đầu tháng 3, Bảo tàng Đà Nẵng đã đưa ra triển lãm 26 tác phẩm ma nhai, trong đó có cả thác bản bia Phổ Đà sơn linh trung Phật.

Không chỉ có vậy, trước đó đại diện Bảo tàng Đà Nẵng khẳng định đã số hóa toàn bộ 78 thác bản ma nhai. Trong tương lai, chính bản đồ du lịch số Đà Nẵng (bandodisandanang.vn) được chọn là nơi cập nhật ma nhai, sau khi đã số hóa.

Nhưng số hóa di sản tư liệu như thế nào để trở thành tư liệu sống, để không lệch từ thái cực này (nằm khô cứng trong bảo tàng hay trên vách đá) sang thái cực khác (chỉ hiện diện kiểu “cho có” trên không gian ảo) lại là một câu hỏi lớn khác.

Theo chia sẻ của đại diện Bảo tàng Đà Nẵng, không chỉ “đưa” văn bia ma nhai lên không gian mạng, mà ngay tại các hang động trong danh thắng Ngũ Hành Sơn còn thiết kế bảng giới thiệu thứ tự các ma nhai, gắn mã QR từng ma nhai để du khách truy cập.

TP.Đà Nẵng cũng lên kế hoạch mở 10 khóa đào tạo cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế, thông qua lực lượng này chia sẻ thông tin nhiều hơn về di sản tư liệu ma nhai đến với cộng đồng.

Tạo hứng thú cho công chúng, dễ hay khó?

Nhiều bảo tàng chuyên ngành ở Đà Nẵng cũng nhanh chóng “số hóa”. Như Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, ngoài không gian triển lãm hiện hữu sẽ có thêm không gian ảo trên metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo). Khán giả có thể tham quan từ xa, tương tác và xoay 360 độ đối với các tác phẩm, đối tượng…

... và cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn trên bản đồ di lịch số, được ghi chú chi tiết.
... và cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn trên bản đồ di lịch số, được ghi chú chi tiết.

Đây là hình dung thú vị về giai đoạn 3 của kế hoạch chuyển đổi số mà Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ký kết với Công ty CP Giải pháp chuyển đổi số (VR360) hồi tháng 9/2022. Hai giai đoạn trước đó, các bên tập trung xây dựng website thực tế ảo chi tiết cho toàn bảo tàng, tích hợp tính năng MC ảo, số hóa chi tiết từng vật phẩm bằng công nghệ scan 3D…

Ngay đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nơi có khoảng 300 hiện vật đang cất giữ trong 2 kho bảo quản, cũng tính chuyện tổ chức lại khâu quản lý, truy xuất nhanh thông qua ứng dụng công nghệ.

Lâu nay, các chuyên viên phụ trách kho hoặc nhà nghiên cứu muốn tiếp cận hiện vật cũng phải tốn thời gian truy xuất theo kiểu truyền thống: tìm đọc mã kiểm kê trên hiện vật, mở hồ sơ giấy để đối chiếu (hoặc hồ sơ lưu trữ trên máy tính)… Thử tưởng tượng, nếu là du khách, niềm hứng thú sẽ vơi hết bao nhiêu với cách “truy xuất” đó?

Ở cố đô Huế, dù điện Thái Hòa khởi động trùng tu từ năm ngoái, nhưng quãng thời gian từ nay đến năm 2025 du khách vẫn không quá “hụt hẫng”. Muốn ngắm ngôi điện quan trọng nhất trong Đại nội Huế, đã có sẵn tour du lịch thực tế ảo.

Trước khi hạ giải điện Thái Hòa, nếu Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế không kịp số hóa scan 3D toàn bộ di tích, thì làm gì có “tour du lịch thực tế ảo” để du khách quét mã QR trên điện thoại thông minh…

Theo thời gian, ma nhai Ngũ Hành Sơn - di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới - đối diện nguy cơ hư hại. Nếu không có cách bảo tồn hiệu quả trên thực tế và biết cách làm hồi sinh trên không gian mạng, “ký ức” ấy sẽ sớm hư khuyết, mờ nhòe. Liệu những kinh nghiệm số hóa từ các bảo tàng khác ở Đà Nẵng, hay ở cố đô Huế, có gợi ra ý tưởng mới cho hành trình bảo tồn di sản tư liệu xứ Quảng?

HỨA XUYÊN HUỲNH