Sớm có phương án bảo tồn sắc phong tại Đại Lộc

LÊ XUÂN THÔNG - ĐINH THỊ TOAN 09/06/2023 09:39

(VHQN) - Qua cuộc khảo sát vào năm 2022, các sắc phong ở huyện Đại Lộc phần lớn ở trạng thái hư hại, cần sớm có phương án bảo tồn, phục chế, lưu trữ khoa học.

Một đạo sắc ở đình Phiếm Ái (Đại Lộc).
Một đạo sắc ở đình Phiếm Ái (Đại Lộc).

Về cơ bản, số lượng sắc phong hiện còn trên thực địa không nhiều, với 53 đạo. Có bốn địa điểm tại Đại Lộc còn giữ gìn được loại hình tư liệu này. Đó là đình Ái Mỹ Đông (thôn Phú Mỹ, xã Đại An) với 22 sắc phong; đình Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa): 18; đình Phiếm Ái (thôn Phiếm Ái 1, xã Đại Nghĩa): 12; dinh bà Phường Chào (xã Đại Cường): 1.

Sắc phong qua các thời kỳ

Trong tư liệu “Quảng Nam tỉnh tạp biên” hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, cho thấy, đa số làng xã trong các thế kỷ 19, 20 từng được triều đình nhà Nguyễn ban tặng sắc phong để thờ tự các vị thần bảo hộ với 325 sắc phong. So với thực tế hiện nay, số sắc đã mất chiếm đến 86,9% (325/377).

Từ đó có thể nhận định rằng, trong quá khứ, các làng xã đều có tín ngưỡng riêng với niềm kính ngưỡng các vị thần linh có công đức hiển hiện, bảo trợ đời sống người dân theo tâm thức dân gian vùng sở tại. Tuy nhiên, trải qua thiên tai địch họa, các đạo sắc này đã mất đi, trong khi nhiều thiết chế tín ngưỡng vẫn còn tồn tại.

Hòm đựng sắc đình Ái Nghĩa (Đại Lộc).
Hòm đựng sắc đình Ái Nghĩa (Đại Lộc).

Sắc phong có niên đại sớm nhất là năm Minh Mạng thứ 7 (1827). Số này chỉ chiếm tỷ lệ không lớn (43/374), trung bình mỗi di tích có từ một đến hai sắc, trừ châu Phiếm Ái, xã Quảng Đại và An Thanh. Sắc có niên đại muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924). Nơi nhiều nhất là Lâm An do cộng gộp từ bốn châu tách rời trước đó.

Điều này khác biệt với nhiều địa phương khác trong tỉnh như Hội An, Duy Xuyên… và cũng khác với Huế, Đà Nẵng là những nơi có sắc phong mà niên đại kéo dài đến thời Bảo Đại (1926 - 1945).

Ngoài hai khung thời gian trên, các đạo sắc còn có niên đại khác nhau trải từ thời Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1848 - 1883), Đồng Khánh (1885 - 1888) đến Thành Thái (1889 - 1907), Duy Tân (1907 - 1916). Thời vua Minh Mạng, ngoài mốc Minh Mạng thứ 7, còn có Minh Mạng thứ 13, chỉ riêng thấy ở Lâm An tứ châu. Trường hợp dưới thời vua Thiệu Trị có hai mốc ban phong là tháng 4 và tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843).

Dưới thời vua Tự Đức có ba mốc là Tự Đức thứ 3 (1850), Tự Đức thứ 5 (1852) và Tự Đức thứ 33 (1880). Thời Đồng Khánh, Thành Thái, mỗi niên hiệu chỉ có 1 mốc ban phong đó là Đồng Khánh thứ 2 (1886) và Thành Thái thứ 10 (1898). Thời Duy Tân có ba mốc: Duy Tân thứ 3 (1909), Duy Tân thứ 5 (1911) và Duy Tân thứ 7 (1913). Niên hiệu Khải Định có hai mốc là năm thứ 2 (1917) và năm thứ 9 (1924).

Đoàn khảo sát tiếp cận sắc phong làng Ái Mỹ Đông (Đại Lộc).
Đoàn khảo sát tiếp cận sắc phong làng Ái Mỹ Đông (Đại Lộc).

Thời Tự Đức có đến 3 thời điểm ban phong nên số lượng sắc thời Tự Đức chiếm số lượng nhiều nhất, tiếp đến là thời Thiệu Trị. Xin lưu ý thêm rằng, ở đình Ái Mỹ Đông có 3 sắc bị hư nát chỉ đọc được số ít chữ ở dòng lạc khoản.

Thông qua những chữ Hán còn sót lại này và họa tiết trang trí có thể nhận định 2 trong ba sắc này thuộc về thời Tự Đức và Thiệu Trị. Như vậy số lượng sắc phong hai thời này vẫn nhiều hơn cả. Sắc phong có niên đại thời Thành Thái chiếm tỷ lệ thấp nhất.

Cần phương án bảo tồn

Việc xác định niên đại của sắc phong dựa vào dòng lạc khoản trên tư liệu. Riêng trường hợp sắc châu Phiếm Ái phong cho bà Phường Chào là bản phục chế được thực hiện khoảng hơn mười năm trước. Mặc dù niên đại ghi trên sắc là thời Khải Định, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đạo sắc này đã phục chế không đúng với quy phạm thường thấy.

Bởi lẽ, khuôn mẫu sắc phong là do triều đình quy định, mỗi niên đại, mỗi thời kỳ sẽ có sự khác biệt và không có biệt lệ nào, đặc biệt là sắc phong thần. Đó là chưa nói đến, chất liệu sắc phải là giấy long đằng, chứ không phải bằng chất liệu vải như thấy hiện nay.

Chất liệu dùng làm sắc phong là giấy long đằng, loại tốt. Vì đều là sắc phong thần và cùng do triều Nguyễn ban phong, nên trên đại thể không có sự khác biệt căn bản giữa các sắc phong. Tất cả đều có nền vàng, trang trí hình rồng, chữ đen, nhưng về chi tiết vẫn có điểm khác biệt.

Chẳng hạn về hình rồng, nếu thời Thiệu Trị thường có màu đen nhạt thì các thời Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Duy Tân hoặc có màu đen nhạt hoặc trắng bạc. Về nền sắc, chủ đạo là màu vàng, nhưng mỗi thời, mỗi lúc độ đậm nhạt cũng khác nhau. Có sắc màu vàng đậm, có sắc màu vàng nhạt.

Trong ba điểm được sưu tầm (Ái Mỹ Đông, Ái Nghĩa, Phiếm Ái), tất cả 22 sắc làng Ái Mỹ Đông đã bị hư hại, trong đó có nhiều sắc thậm chí đã bị hủy nát gần như hoàn toàn.

Số còn lại cơ bản vẫn còn nguyên dạng, ngoại trừ một số bị rách viền hoặc thủng cục bộ. Như vậy, có hơn một phần ba - 18 sắc phong hiện biết trên địa bàn huyện Đại Lộc có nguy cơ hư nát hoàn toàn trong tương lai không xa và 3 trong số đó chỉ còn lại dòng lạc khoản không nguyên vẹn.

Số lượng sắc phong được thống kê tính đến thời điểm hiện tại như trên chưa phải là con số cuối cùng bao quát được toàn bộ làng xã trên địa bàn huyện Đại Lộc. Một khó khăn trong quá trình khai thác tư liệu là hàng loạt địa danh làng xã lúc bấy giờ không thuộc huyện Đại Lộc và đến nay đã có sự thay đổi tên gọi.

Theo đó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải thực hiện thêm thao tác nghiên cứu địa lý học lịch sử mang tính tất yếu. Điều này, cần thêm thời gian và công sức để tìm kiếm, đối chiếu và xác định lại địa danh hiện nay.

LÊ XUÂN THÔNG - ĐINH THỊ TOAN