Số hóa tư liệu văn hóa Chăm

VĨNH LỘC 05/06/2023 08:10

(VHQN) - Việc sưu tầm, sao chép, số hóa tư liệu, hiện vật liên quan đến các di sản vật thể và phi vật thể dân tộc Chăm không chỉ giúp công tác lưu trữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Champa hiệu quả mà còn phù hợp với xu hướng hiện nay. Dù vậy, công tác này thực tế vẫn triển khai khá chậm so với yêu cầu đặt ra.

Việc số hóa hiện vật văn hóa Chăm tại Khu di tích Mỹ Sơn mới chỉ mở mức độ đơn giản. Ảnh: V.L
Việc số hóa hiện vật văn hóa Chăm tại Khu di tích Mỹ Sơn mới chỉ mở mức độ đơn giản. Ảnh: V.L

Quản lý hiện vật tại Mỹ Sơn

Năm 2003, lần đầu tiên Ban Quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn tiến hành kiểm kê, đánh số toàn bộ hiện vật tại di tích Mỹ Sơn và nhập dữ liệu vào máy tính để theo dõi. Đây là một trong số ít đơn vị tiên phong xây dựng kho dữ liệu quản lý hiện vật Chăm ở Quảng Nam, khởi đầu manh nha quá trình số hóa.

Đến năm 2006 khi nhiều hiện vật khảo cổ học tại nhóm tháp G Mỹ Sơn được khai quật, thu gom về kho, việc mô tả, sao chụp hình ảnh, đánh số hiện vật… tiếp tục được lưu trữ vào hệ thống phần mềm chuyên dụng do Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) cung cấp.

Đến nay, hơn 1.800 hiện vật Chăm Mỹ Sơn đã nhập vào phần mềm quản lý chuyên dụng của đơn vị và được hệ thống theo từng nhóm tháp và chất liệu khác nhau (đất nung, đá…). Con số này không ngừng tiếp tục bổ sung qua những dự án khai quật, bảo tồn các nhóm tháp Mỹ Sơn, kể cả số lượng hiện vật từ Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Duy Xuyên.

Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, số hóa hiện vật, di tích được đơn vị xác định là yêu cầu cấp thiết. Dù vậy, do một số yếu tố khách quan nên quá trình số hóa mới chỉ dừng ở mức độ đơn giản là chuyển từ quản lý bằng sổ sách thủ công sang quản lý trên máy tính.

“Chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ sẽ giúp công tác quản lý, phát huy giá trị hiện vật, di tích trở nên thuận tiện, hiệu quả. Không chỉ số hóa hiện vật, di tích, chúng tôi đang triển khai chuyển đổi số trong hoạt động tham quan du lịch dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đảm bảo công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuận tiện và tốt nhất” - ông Khiết nói.

Năm 2022, lần đầu tiên BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với đối tác triển khai xây dựng website thực tế ảo VR360 cho toàn khu di sản, bao gồm tích hợp tính năng MC ảo thuyết minh giới thiệu tổng quan bằng nhiều ngôn ngữ, đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World.

Dự kiến, trong năm nay đơn vị sẽ tiếp tục nâng cấp giao diện, tạo không gian triển lãm cho bảo tàng trên metaverse, người xem có thể tham quan từ xa cũng như tương tác tại Khu di tích Mỹ Sơn.  

Chậm chuyển đổi số

Ngày 31/12/2021, Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định số 3611 về Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa hướng đến phát triển kinh tế số do Bộ VH-TT&DL quản lý, trong đó có di sản văn hóa.

Việc số hóa hồ sơ các di tích Chăm sẽ giúp công tác quản lý hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Ảnh: V.L
Việc số hóa hồ sơ các di tích Chăm sẽ giúp công tác quản lý hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Ảnh: V.L

Quảng Nam là địa phương sở hữu nhiều di tích và hiện vật văn hóa Chăm. Ngoài Khu di tích Mỹ Sơn, còn có các nhóm tháp Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An, Đồng Dương cùng hàng chục phế tích nằm rải rác khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng đến nay, quá trình số hóa thông tin hiện vật, di tích, nhất là hiện vật, di tích văn hóa Chăm phần lớn chỉ ở mức cơ bản.

Theo lãnh đạo Bảo tàng Quảng Nam, ngay từ đầu đề cương trưng bày hiện vật bảo tàng đã không đề cập việc áp dụng công nghệ mới vào trưng bày nên không chỉ hiện vật Chăm mà việc số hóa các thông tin hiện vật lưu giữ tại bảo tàng hầu hết khó khăn. Dự kiến, năm 2024 bảo tàng mới bắt đầu triển khai xây dựng đề án số hóa cho những hiện vật này.

Ông Hồ Xuân Ring - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam thừa nhận, mặc dù chuyển đổi số rất quan trọng, nhưng trong tình hình hiện nay khó thực hiện được vì phụ thuộc nhiều yếu tố như hạ tầng công nghệ, nhất là kinh phí. Do đó, công tác quản lý hồ sơ di tích vẫn mang tính thủ công, việc số hóa hầu hết sơ khai đơn giản.

Cách đây 15, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát các phế tích, hiện vật Chăm như văn bia, giếng cổ, linga yoni, kể cả dập nội dung văn bia làm tư liệu lưu trữ… Tuy nhiên đến nay hầu như tư liệu đã thất lạc hoặc hư hại do quản lý thủ công.

“Vừa rồi, Sở VH-TT&DL giao Trung tâm chủ trì phối hợp với các phòng ban liên quan làm đề án chuyển đổi số trong quản lý di tích nhưng cũng phải sang năm 2024 mới có thể triển khai được” - ông Ring nói.

Theo KTS Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), số hóa thông tin hiện vật, di tích là vấn đề tất yếu hiện nay nhằm lưu trữ dữ liệu vô hạn, từ đó có thể cung cấp tư liệu chính xác, thuận tiện nhất khi cần thiết.

“Thật ra, số hóa cũng chỉ là một hình thức quản lý tư liệu từ quản lý truyền thống bằng giấy sang dạng dữ liệu được lưu giữ bằng công nghệ số. Cách làm này giúp ghi nhận tất cả hiện trạng của hiện vật, di tích thông qua phương thức lưu giữ hình ảnh, ghi nhận hiện trạng vào một thời điểm nhằm phục vụ vào từng mục đích, vấn đề cụ thể lâu dài” - KTS Đặng Khánh Ngọc phân tích.

VĨNH LỘC