Tình người miền núi với đồng hương
Trong hành lý mang theo của các nghệ nhân Cơ Tu huyện Tây Giang tham gia “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh”, ngoài trống chiêng và sắc phục truyền thống, còn có những câu chuyện văn hóa độc đáo của người miền núi. Các hoạt động trình diễn trống chiêng và tái hiện nghi thức dựng cây nêu hứa hẹn mang đến một không gian nghệ thuật đầy màu sắc về tình người xứ Quảng…
Di sản mang theo
Tham gia trình diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, nhưng các nghệ nhân Cơ Tu huyện Tây Giang cho biết, họ lần đầu tiên góp mặt tại không gian ngày hội văn hóa đồng hương Quảng Nam được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.
Vì thế, sự háo hức hiện rõ trên từng gương mặt, với hành trang mang theo là di sản của cộng đồng, từ trống chiêng, trang phục truyền thống cho đến nghi thức dựng cây nêu… góp thêm vào cuộc hội ngộ.
Ông Palăng Bưng, người được giao vai trò già làng trong các sự kiện trình diễn của Tây Giang kể, những ngày qua, gần như đêm nào, các nghệ nhân, diễn viên trống chiêng của huyện cũng tập trung luyện tập để có phần trình diễn ưng ý nhất mang đến với đồng hương phương Nam.
“Đó là văn hóa truyền thống, là di sản phi vật thể của cộng đồng Cơ Tu nên từng điệu nhảy, từng dáng đi hay các động tác của vũ điệu tâng tung, da dá phải được chỉnh sửa cho đúng nguyên bản. Không thể múa qua loa được, vì đây không chỉ để phục vụ trình diễn, mà còn là cơ hội giới thiệu bản sắc của người Cơ Tu đến với đồng hương ở miền Nam” - ông Palăng Bưng chia sẻ.
Hơn 30 nghệ nhân tham gia chương trình, đều là hạt nhân chủ lực của Tây Giang trong hoạt động trình diễn. Nhưng, khác với những chuyến đi trước đây, tâm thế của họ bây giờ trở nên thoải mái hơn.
Bh’ling Hùng - chàng trai Cơ Tu đang công tác tại Trung tâm VHTT & TTTH Tây Giang nói, ngoài tham gia múa tâng tung, chuyến đi này anh còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ gõ trống hỗ trợ đội hình trống chiêng.
Ở tuổi của mình, Bh’ling Hùng nói nhiệm vụ này là rất khó. Bởi không chỉ đòi hỏi khả năng gõ nhịp chuẩn xác, liền mạch, người đánh trống còn phải am hiểu nhạc khí, cách thẩm âm trong nghệ thuật trống chiêng kết hợp.
Vậy là phải học. Nhiều tháng qua, ngoài tham gia tập luyện múa tâng tung, da dá, Hùng tìm đến các già làng uy tín của địa phương để học cách đánh trống, gõ nhịp chuẩn nhất theo từng giai điệu trống chiêng Cơ Tu.
“Các nghệ nhân trong đoàn rất hào hứng khi lần đầu tiên được tham gia sự kiện lớn tại không gian hội tụ của đồng hương xứ Quảng phía Nam. Vì thế, ai cũng muốn góp thêm màu sắc cùng những người con Quảng Nam xa quê, phục vụ du khách” - Bh’ling Hùng bộc bạch.
Sắc màu
Ông Pơloong Plênh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, hoạt động trình diễn trong “Những ngày hội văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh” thực sự là cơ hội để giới thiệu, quảng bá những sắc màu văn hóa Cơ Tu đến với những người đồng hương và du khách.
Bên cạnh nghệ thuật trống chiêng kết hợp vũ điệu tâng tung, da dá sống động, cuộc hội ngộ lần này, các nghệ nhân Cơ Tu còn mang đến cuộc trình diễn tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng miền núi, với nhiều hoạt cảnh đặc trưng như tuốt lúa, rê lúa, giã gạo, mừng cơm mới…
Đặc biệt, là nghi thức dựng cây nêu kết hợp lễ cúng thần được dàn dựng và trình diễn một cách công phu, đặc sắc, hứa hẹn mang lại cho những đồng hương xa xứ một không gian văn hóa đầy màu sắc núi rừng.
“Với người Cơ Tu, cây nêu được xem là biểu tượng văn hóa cộng đồng, như vật thể trung gian kết nối câu chuyện giữa con người và thần linh. Vì thế, cây nêu có vai trò hết sức quan trọng, thể hiện ước vọng về đời sống tâm linh không thể thiếu trong ngày hội cộng đồng vùng cao” - ông Pơloong Plênh nói.
Cuộc trình diễn của nghệ nhân Cơ Tu được kỳ vọng sẽ tạo nên điểm nhấn trong hành trình giới thiệu bản sắc vùng cao đến với cộng đồng người Quảng xa quê. Giữa thanh âm của nhịp trống chiêng rộn rã, vũ điệu tâng tung, da dá truyền thống kết hợp nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu sẽ mang đến sự trải nghiệm thích thú, làm sống dậy “màu nhớ” hương sắc quê nhà của những người con xứ Quảng xa quê.
Như góp thêm màu sắc của tình người miền núi với đồng hương phía Nam, câu chuyện gắn kết một thời “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” sẽ còn được nhắc nhớ nhiều hơn trong tâm thức của những người con xứ Quảng nghĩa tình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi cho hay, tại chương trình “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh” năm nay, Tây Giang là địa phương miền núi duy nhất của tỉnh được chọn tham gia trình diễn nghệ thuật trống chiêng, múa tâng tung, da dá kết hợp tái hiện nghi thức dựng cây nêu truyền thống. Đây là cơ hội lớn giúp địa phương giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu đến phương Nam.
Thông qua các hoạt động trình diễn này, địa phương mong muốn được gặp gỡ giao lưu, giới thiệu các tiềm năng phát triển của vùng đất, văn hóa và con người Tây Giang với các nhà đầu tư, đơn vị lữ hành... Qua đó kêu gọi, xúc tiến đầu tư, kết nối phát triển ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái thời gian tới.