Nghệ thuật dân gian vào Nam
Với sự chuẩn bị chu đáo và dàn dựng công phu, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong sự kiện “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh” năm 2023 hứa hẹn sẽ mang đến không gian văn hóa đặc trưng xứ Quảng, phục vụ đồng hương ở phương Nam.
Quảng bá nghệ thuật hát bả trạo
Gần một tháng nay, nhà văn hóa thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh, Thăng Bình) rộn ràng tiếng hò hát cùng nhịp điệu chèo thuyền, kéo lưới của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hát bả trạo xã Bình Minh. Họ hăng say luyện tập để chuẩn bị cho những buổi trình diễn tại sự kiện “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh” năm 2023.
Ông Trần Văn Tám - Chủ nhiệm CLB nói, được tỉnh tin tưởng chọn biểu diễn cho đông đảo đồng hương thực sự mang đến động lực lớn cho CLB. Đồng thời cũng mở ra cơ hội quảng bá rộng rãi nét văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển Quảng Nam. Bên cạnh vài nghệ nhân lão luyện, phần lớn thành viên tham gia đợt này đều là gương mặt trẻ.
“Những trụ cột của CLB giờ đã không còn “đủ sức” tham gia, 2 thành viên mới đảm nhận vai trò tổng thương, tổng lái. Các diễn viên chèo thuyền, kéo lưới là các em học sinh THPT trên địa bàn. Do đó, khi nhận lời tham gia, chúng tôi đã nỗ lực tập luyện ngày đêm, chuẩn bị đạo cụ, trang phục với hy vọng mang đến màn trình diễn tốt nhất” - ông Tám chia sẻ.
Đảm nhận vai trò tổng tiền, ông Tám là người chèo lái, dẫn dắt xuyên suốt buổi trình diễn và khơi lên cảm hứng cho người trẻ. Giọng ca của ông Tám ngân vang, khi hùng tráng, lúc nhẹ nhàng.
Theo từng lời hát, nhịp điệu gõ phách của tổng tiền, 12 thuyền viên trẻ chân bước nhịp nhàng, động tác tay chèo, kéo lưới dứt khoát. Họ như đang mang đến bức tranh sinh động về ngư dân miền biển đang băng băng trên con sóng, chinh phục đại dương và mang trở về đất liền tôm, cá đầy khoang.
“Hát bả trạo trong lễ cầu ngư là nghệ thuật diễn xướng dân gian, gồm 3 nội dung chính là vươn khơi, nghỉ ngơi câu cá và kéo lưới, vào bờ. Xuyên suốt màn trình diễn bả trạo sẽ thấy nhiều lối nói – hát được vận dụng linh hoạt, như dân ca, nói lối dựng, hát Nam, hát lý, tán, hò, kệ, xướng…
Theo quan niệm người xưa, hát bả trạo như thông điệp ngư dân gửi đến thần linh, cầu mong sự phù hộ để gia đình bình an, mưa thuận gió hòa, đánh bắt thuận lợi” – ông Tám cho biết.
Nét văn hóa độc đáo này được các thế hệ ngư dân gìn giữ, phát huy, trở thành chỗ dựa tinh thần cho những chuyến vươn khơi. CLB Hát bả trạo xã Bình Minh hy vọng, tham gia sự kiện lần này giúp loại hình nghệ thuật dân gian bả trạo sẽ lan tỏa đến đồng hương Quảng ở phương Nam, mở ra cơ hội phát triển nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch, thu hút sự quan tâm, chung tay gìn giữ của thế hệ trẻ.
Không gian văn hóa đặc sắc
So với bả trạo, hô hát bài chòi đã phần nào trở nên thân thuộc hơn đối với bà con đồng hương, do gần gũi, dễ thu hút và có tính gắn kết. Đảm trách chương trình này tại sự kiện, Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã tập hợp đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên có kinh nghiệm và chuẩn bị nhiều nội dung mới để chuyển tải một cách hấp dẫn nhất.
Theo bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam, các nghệ sĩ sẽ dành phần lớn thời lượng thể hiện những bài dân ca bài chòi ca ngợi quê hương Quảng Nam vừa được sáng tác trong thời gian gần đây. Ngoài những câu thành ngữ, tục ngữ, câu nói dân gian, trong lời hô hát sẽ nhắc đến những nét đặc trưng đất Quảng như món ăn đặc sản, địa danh, lời mẹ ru…
“Qua làn điệu, lời hát cùng những ngôn từ thân thuộc, bà con sẽ dễ cảm thụ hơn và khơi gợi lên tình yêu quê hương. Đây là món quà quê đặc sản mà chúng tôi muốn trao tặng đến những đồng hương thân thương và lan tỏa nghệ thuật dân gian truyền thống này” - bà Mây chia sẻ.
Giữa không gian văn hóa sôi nổi, rộn ràng với nhiều âm sắc tươi vui trong “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh”, hẳn điệu múa Apsara như “nốt trầm” xao xuyến, lắng đọng nhưng gợi nhiều niềm nhớ.
Bà Văn Thị Cẩm Tú - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Duy Xuyên) nói, sản phẩm “Huyền thoại Apsara” đã được Đội Văn nghệ dân gian Chăm biểu diễn nhiều năm nay tại Khu đền tháp Mỹ Sơn và nhận được sự hưởng ứng tích cực của du khách trong, ngoài nước. Mang “đặc sản” này vào Nam, đơn vị đã huy động lượng diễn viên đông hơn và dành nhiều thời gian tập luyện, trau chuốt.
Trên nền nhạc truyền thống Chăm, những giá trị văn hóa phi vật thể dân gian của 2 dân tộc Chăm - Việt được tái hiện sinh động qua nghệ thuật sân khấu, với sự phối hợp giữa ngôn ngữ múa, kỹ xảo ánh sáng. Qua đó mang đến cho bà con đồng hương những cảm nhận thú vị về quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Chăm - Việt trên đất quê hương.
“Huyền thoại Apsara sẽ giới thiệu đến bà con đồng hương góc nhìn hoàn toàn khác về Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đó không phải là di tích khô khan mà còn có những giá trị văn hóa phi vật thể, những câu chuyện lịch sử, nghệ thuật chứa đựng trên vùng đất di sản này. Đặc biệt, hàng nghìn năm qua, những giá trị này được lưu giữ, bảo tồn và được khai thác, phát triển thành các sản phẩm du lịch thu hút du khách” - bà Tú cho biết.
Và “bữa tiệc” văn hóa, nghệ thuật tại TP.Hồ Chí Minh sẽ còn rất nhiều món ăn tinh thần đặc sắc khác. Họ, những nghệ sĩ đất Quảng đã sẵn sàng hồi đáp những háo hức, đợi mong của đồng hương bằng màn trình diễn đầy hứa hẹn…