Lệ Hằng bình yên cùng văn chương
Lệ Hằng - một cô gái nhỏ nhắn nhưng ẩn chứa năng lượng sáng tạo đến khó ngờ: viết truyện, thơ, kịch bản, dịch sách và cả vẽ. Lệ Hằng dấn thân vào thế giới ấy bằng cả đam mê, tìm thấy bình yên và hạnh phúc trong thế giới văn chương.
Đi tìm thế giới hạnh phúc
* Cơ duyên nào đưa Lệ Hằng đến với văn chương?
- Nhà văn Lệ Hằng: Lệ Hằng có niềm yêu mến đặc biệt với văn chương từ nhỏ, nhưng có một khoảng thời gian dài, hơn mười năm, khi đã qua thời niên thiếu không đọc một tác phẩm văn chương nào. Điều đó có nghĩa Lệ Hằng không nghĩ đến chuyện bản thân sẽ làm công việc sáng tác như hiện nay. Biến cố khiến Lệ Hằng thay đổi để bắt đầu cuộc đời của một tác giả là một kỷ niệm khá riêng tư. Người chồng của Lệ Hằng sau khi đọc say sưa rất nhiều tác phẩm văn học thì một hôm bất ngờ đề nghị “em hãy viết câu chuyện của em đi”. Sau nhiều lần từ chối và trốn tránh, cuối cùng Lệ Hằng đã viết một thứ gì đó, một thứ gì đó khiến anh ấy xúc động và yêu cầu viết thêm. Ban đầu chỉ vỏn vẹn 10 trang, anh ấy nhất định không chịu dừng lại ở đó mà đòi thêm và ra yêu sách ít nhất phải là 100 trang. Sau một tuần thì anh ấy đã có được 100 trang như anh ấy muốn.
Lệ Hằng vẫn luôn nói rằng cha mẹ là người cho Lệ Hằng cuộc đời thứ nhất - cuộc đời của một con người, còn chồng là người khai sinh ra cuộc đời thứ hai - cuộc đời của một tác giả. Lệ Hằng rất hạnh phúc với điều này.
* Hình như Lê Hằng được nhiều người biết đến khi dự Hội nghị những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2022. Sau đó, lại “bắt gặp” Lệ Hằng với nhiều vai trò: viết kịch bản, dịch văn học và vẽ. Đâu là lĩnh vực ưu tiên và ưa thích của bạn?
- Nhà văn Lệ Hằng: Hội nghị những người viết văn trẻ năm 2022 là sự kiện văn chương đầu tiên Lệ Hằng tham gia, được kết nối với nhiều anh chị đang hoạt động trong lĩnh vực văn chương. Nhưng Lệ Hằng nghĩ mình được biết đến không phải nhờ một sự kiện mà vì mình đã làm việc, đã có tác phẩm và tác phẩm đã nhận được sự quan tâm từ người khác.Cuộc sống của Lệ Hằng hiện tại chỉ xoay quanh hai việc chính là viết và vẽ. Lệ Hằng viết truyện, thơ, kịch bản văn học… đồng thời cũng có vẽ bằng niềm say mê đặc biệt và với một mục đích đơn sơ. Đó là bày tỏ thế giới rộn ràng âm sắc mà Lệ Hằng đang trải qua trong từng hơi thở, bày tỏ nỗi rung động, nỗi say sưa và cả lạ lẫm nữa của bản thân với cuộc đời này, dù là trong đau khổ.
Lệ Hằng không chủ ý trở thành một kiểu người điển hình nào trong xã hội, chỉ mong muốn là trong chừng mực nào đấy mình có thể thể hiện được những điều mình nghĩ, mình thấy, mình cảm ra thành tác phẩm. Không có sự ưu tiên theo nghĩa toan tính trong những việc Lệ Hằng chọn làm bởi mình chỉ có một tâm hồn, văn hay thơ, viết hay vẽ chỉ là phương tiện thể hiện mà thôi.
Phải nghe được tiếng lòng trong văn chương
* Được biết, Lệ Hằng từng tham gia khóa học chuyên sâu về sáng tác của Đại học Wesleyan (Hoa Kỳ), nghiên cứu kỹ về cuốn sách “Writing Fiction” từ trường viết văn Gotham (Hoa Kỳ) và một số tác phẩm liên quan đến việc viết văn trong nước, bạn đã thu thập được gì từ những kênh có nhiều ưu điểm hỗ trợ tốt cho công việc sáng tác kể trên?
- Nhà văn Lệ Hằng: Về các cuốn sách và các khóa học viết văn đã tham gia, Lệ Hằng chia sẻ rất nhiều trong suốt hành trình thông qua các bài viết đăng tải trên trang facebook cá nhân của Lệ Hằng. Bây giờ, thực sự là quá khó để tổng kết trong vài dòng, nhưng có thể nói nôm na rằng cuốn sách “Để trở thành nhà văn” (Thu Giang Nguyễn Duy Cần) đã cho Lệ Hằng niềm tin và động lực khi lựa chọn công việc sáng tác; “Hương sắc trong vườn văn” (Nguyễn Hiến Lê) cho Lệ Hằng niềm yêu mến và hạnh phúc trong thưởng thức văn chương; còn “Writing Fiction” (trường viết văn Gotham) và khóa học sáng tác của Đại học Wesleyan là nơi mọi vấn đề của sáng tác văn học được bàn đến sát sườn và bàn với mục đích là tìm kiếm cái đẹp thực sự trong văn học, lĩnh hội chúng, tạo ra chúng, nơi Lệ Hằng được nhìn mọi thứ từ góc độ và đôi mắt của người sáng tác.
* Lệ Hằng từng nhận Tặng thưởng năm 2022 của tạp chí Đất Quảng dành cho truyện ngắn “Rose và violet và những ngày mưa”, nhận giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi Truyện ngắn Hay - năm 2022 với truyện ngắn “Triệu view giá bao nhiêu” của Hội Nhà văn & tạp chí Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh. Theo bạn, để có một truyện ngắn hay phải đạt được những tiêu chí nào?
- Nhà văn Lệ Hằng: Khi nói đến tiêu chí, Lệ Hằng nghĩ ngay đến một vấn đề khác, đó là mục đích. Lệ Hằng nghĩ rằng phải có mục đích trước rồi mới có tiêu chí đi kèm theo sau. Ban tổ chức cuộc thi Truyện ngắn Hay 2022 của Hội Nhà văn TP.HCM & tạp chí Văn nghệ chắc chắn có mục đích khi chuẩn bị cuộc thi này và theo đó họ sẽ có các tiêu chí để đánh giá, xếp giải các tác phẩm dự thi. Lệ Hằng nghĩ tạp chí Đất Quảng cũng vậy. Tiêu chí nào để một truyện ngắn được xem là hay theo Lệ Hằng đầu tiên là phải xét đến nó “hay” với đối tượng nào và với mục đích gì, chứ để kết luận “hay” một cách chung chung là rất khó.
Đối với Lệ Hằng thì khái niệm hay - dở thuộc về tình cảm nhiều hơn là hiểu biết hay trí tuệ. Lệ Hằng không có tiêu chí cụ thể cho nó, nhưng có tiêu chí, đúng hơn là kỳ vọng, cho những truyện ngắn mà mình muốn đọc cũng như muốn viết. Lệ Hằng kỳ vọng khi đọc truyện là khi Lệ Hằng được gặp nhân vật, được nghe tiếng nói của họ, được sống cùng họ và khám phá câu chuyện của họ.
* Cùng một lúc làm khá nhiều việc, việc nào cũng đòi hỏi tài năng, quỹ thời gian và nhiều yêu cầu khác không dễ vượt qua, Lệ Hằng sắp xếp những dự định công việc sắp tới của bạn ra sao?
- Nhà văn Lệ Hằng: Mong rằng sắp tới Lệ Hằng vẫn học và làm việc như mọi khi, viết và vẽ và trong suy nghĩ lạc quan nhất có thể hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình trong năm nay.
* Cảm ơn Lệ Hằng và chúc bạn có thêm nhiều thành tựu mới.