“Bước đời khấp khểnh” và quả ngọt cuộc đời

NGUYỄN TAM MỸ 21/05/2023 11:22

Ngoài ba tập thơ, truyện ngắn và tản văn in chung, nhà văn Trịnh Đình Nghi lần lượt in riêng bốn tác phẩm: “Nhà quê đi bụi”, “Quan lớn đi bụi”, “Đàn bà đi bụi” và “Đổ đốn ở làng”. “Bước đời khấp khểnh” - tập truyện ký do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, là tác phẩm thứ năm của anh được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận.

Bìa tập sách “Bước đời khấp khểnh”.
Bìa tập sách “Bước đời khấp khểnh”.

“Bước đời khấp khểnh” gồm 12 truyện ký chứa đựng trong 200 trang sách khiến tôi đọc một mạch bởi lối viết nhẹ nhàng và khơi gợi nhiều suy ngẫm. “Một trang đời ám ảnh” là truyện chiếm dung lượng nhiều nhất viết về công ty nọ do “làm ăn thua lỗ nên buộc phải sáp nhập vào một công ty khác”. Choãi được tổng công ty điều động về làm trưởng phòng kiểm soát nội bộ ở công ty nọ nhằm giúp ban giám đốc vực đơn vị dậy, từng bước ổn định sản xuất. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng Choãi vẫn vui vẻ nhận quyết định. Quả đúng như anh dự đoán, công ty đang trên đà phá sản, cán bộ hằm hè đấu đá lẫn nhau, công nhân không gắn bó với công ty, không thiết tha với công việc… Tìm hiểu kỹ tình hình công ty từ đó Choãi tương kế tựu kế theo kiểu “lấy độc trị độc”. Sau ba năm, Choãi đã giúp công ty từ chỗ bên bờ vực phá sản trở thành đơn vị ăn nên làm ra. “Một trang đời ám ảnh” là truyện với nhiều cảnh huống bất ngờ, nhiều nút thắt được tháo gỡ tài tình và hợp lý, vì thế gây hứng thú cho người đọc.

Với góc nhìn của một nhà văn, làng quê Bắc Bộ, Nam Bộ hay miền núi hiện lên qua các truyện ngắn “Mùa hè đã xa”, “Mùa hoa dẻ”, “Mùa chuột đồng”, “Làng Lễu”, “Một đêm miền Tây”… vừa gần gũi thân thương trước cơn lốc đô thị hóa nông thôn. Nhân vật chính trong tập “Bước đời khấp khểnh” là những cô gái quê hồn nhiên yêu đời, những người phụ nữ long đong song họ không cam chịu số phận hẩm hiu. Họ tự vượt lên bằng ý chí nghị lực, họ mạnh dạn bước qua bao đàm tiếu của người đời để kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Liên và Phúc cặp kè với nhau như hình với bóng, khiến Hạ - mẹ của Liên, vừa cảm thấy vui, lại vừa cảm thấy lo. Liên là “kết quả” của mối tình đầy khổ đau buồn tủi giữa Hạ với Thạch - gã đàn ông bội bạc, cùng làng. Khi yêu nhau, Thạch hẹn bể thề non, nhưng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Thạch cưới cô gái làng bên làm vợ. “Cay đắng, tủi nhục, vất vả… tất cả làm cho Hạ thêm âm thầm lặng lẽ làm lụng nuôi con. Trong lòng cô không gợn chút hận thù, cũng tuyệt nhiên không qua lại một lời trách móc”. Liên yêu Phúc. Liệu con gái Hạ có theo vết xe đổ của mẹ? (Mùa hè đã xa).

Hầu hết nhân vật trong tập truyện ký “Bước đời khấp khểnh” là nữ và họ là những người kém may mắn. Là Lành chịu cảnh góa bụa trong “Mùa chuột đồng”; là Cần hẩm hiu khi chồng đi xuất khẩu lao động bặt vô âm tín, để rồi trong lần không kìm lòng đã trở thành đàn bà chửa hoang trong “Trở về”; là bà Năm Huế bị chồng phụ bạc, gồng gánh bán bưng nuôi các con ăn học trong “Đại gia hàng rong”... Dẫu đời không bằng phẳng nhưng rồi người phụ nữ kém may mắn ấy vẫn có được hạnh phúc. Hạ được Đức - chàng trai cùng làng, thương yêu quý mến, kết duyên chồng vợ. Lành được Đãng - anh chàng trai tân, vượt qua định kiến, đến với cô. Cần cũng cảm thấy không còn lăn tăn mặc cảm tội lỗi với chồng, bởi trong thời gian ở xứ người, Ngãi - chồng Cần cũng yêu Thủy và có con với nàng... Có được hạnh phúc muộn màng ấy vì họ có tấm lòng bao dung nhân hậu, không sân si thù oán. Chính sự vị tha cao cả mà họ đã nhận được quả ngọt cuộc đời…

NGUYỄN TAM MỸ