Bảo tàng, tính bền vững và an sinh
(QNO) - Đó là chủ đề được Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) lựa chọn cho Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) năm nay. Tại Quảng Nam, các bảo tàng - phòng trưng bày chuyên đề ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc giáo dục, nghiên cứu và lan tỏa tri thức...
Bền vững và an sinh
Ra đời năm 1978, Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) được hưởng ứng tại hầu khắp các quốc gia. ICOM cho rằng, với một chủ đề cụ thể hằng năm chính là mục đích để các bảo tàng trên thế giới cùng nhau hành động, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Phương châm "Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc, nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội" được các quốc gia đồng tình.
Với chủ đề "Bảo tàng, tính bền vững và an sinh", ICOM mong muốn tái khẳng định sức mạnh biến đổi thế giới xung quanh của bảo tàng như đã nhấn mạnh trong Nghị quyết ICOM "Về tính bền vững và thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Chuyển đổi thế giới của chúng ta". Thông điệp mà tổ chức này đưa ra, rằng "Tất cả các bảo tàng đều có vai trò định hình, tạo ra tương lai bền vững và có thể thực hiện điều này thông qua các chương trình giáo dục, trưng bày, tiếp cận cộng đồng và nghiên cứu".
Với vai trò là nơi giữ gìn di sản văn hoá, các bảo tàng khắp nơi đã khuyến khích cộng đồng tìm hiểu về lịch sử và bản sắc văn hóa thông qua các câu chuyện hiện vật được sưu tầm. Việc bảo tàng hóa di sản văn hóa trong cộng đồng ngày càng tạo những hiệu ứng tích cực.
Bảo tồn di sản
Hệ thống bảo tàng tại Quảng Nam khá đa dạng, kể cả các phòng trưng bày, triển lãm chuyên đề ở cấp huyện. Đặc biệt, ở những khu vực di sản, bảo tàng là nơi lưu giữ, bảo tồn các di sản vô giá của vùng đất, đồng thời là điểm đến thú vị trong hành trình trải nghiệm của du khách đến vùng đất đó.
Bà Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Bảo tàng (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cho biết, hiện nay Hội An có 6 bảo tàng chuyên đề ở các lĩnh vực khác nhau cùng hơn 3.500 hiện vật được trưng bày, chưa kể hơn 8.700 hiện vật đang được lưu giữ trong kho. Các hiện vật này đã được xây dựng hồ sơ đầy đủ từ lý lịch hiện vật, sổ đăng ký kiểm kê bước đầu, sổ phân loại...
Hệ thống bảo tàng Hội An được hình thành là kết quả của một quá trình gần 40 năm nghiên cứu, điều tra, khai quật khảo cổ học, dân tộc học, nhân học và về lịch sử văn hóa Hội An.
Bà Lê Thị Tuấn cho biết thêm, hiện nay hệ thống bảo tàng tại Hội An không chỉ là điểm đến tham quan, mà còn trở thành nơi trải nghiệm với các hoạt động trực quan như trình diễn nghề truyền thống tại Bảo tàng văn hóa dân gian, hay tạo ra không gian nghỉ chân ngay tại các điểm bảo tàng.
Hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, trải nghiệm tại các điểm bảo tàng do đơn vị quản lý. Tại Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh diễn ra hoạt động trưng bày và trải nghiệm “Không gian tái sinh” với những tác phẩm nghệ thuật được làm từ gỗ lũ. Ở Bảo tàng văn hóa dân gian là hoạt động trình diễn và trải nghiệm văn hóa địa phương như tô màu mặt nạ giấy, làm bánh ít, ươm tơ, dệt lụa, viết thư pháp, trình diễn nghề thêu, mộc, trà Việt… Còn tại Bảo tàng nghề y truyền thống tổ chức trải nghiệm “Ngâm chân thảo mộc” và Bảo tàng gốm sứ mậu dịch có hoạt động trải nghiệm gấp tranh giấy xoắn với chủ đề về phong cảnh Hội An. (ĐỖ HUẤN)
Các bảo tàng còn kết nối với Phòng GD-ĐT địa phương xây dựng chương trình "Giáo dục di sản trong trường học", "Cùng em khám phá bảo tàng"... Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay, các bảo tàng tại Hội An tổ chức hàng loạt các hoạt động trải nghiệm về văn hóa địa phương cũng như tổ chức các gian trình nghề truyền thống...
Trong khi đó, Bảo tàng Quảng Nam ngoài số lượng hiện vật phong phú cũng thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm để kích thích người dân đến với bảo tàng. Ông Trần Đức - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, mục tiêu Bảo tàng Quảng Nam hướng tới chính là góp phần nâng cao dân trí cũng như nhận thức người dân/ công chúng/cộng đồng ở vai trò trung tâm để ngày càng đa dạng hóa các hoạt động ở bảo tàng.
Hiện tại, Bảo tàng Quảng Nam có 30 nghìn đơn vị hiện vật, hình ảnh về mảnh đất và con người Quảng Nam. Từ hiện vật thời tiền sử và sơ sử, văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam; vùng đất Quảng Nam thời Vương quốc Chămpa (thế kỷ III - XV) và văn hóa Chămpa trên đất Quảng Nam; Quảng Nam buổi đầu khai phá và dựng nghiệp (thế kỷ XV); thời chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn (thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII); thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX); thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (1885 - 1975); thời thuộc Pháp và cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp (1885 - 1954); cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược (1954 - 1975); thời kỳ xây dựng, đổi mới và phát triển...