Hiện tượng rêu mốc tại tháp Chăm Khương Mỹ: Có đáng lo ngại?
Nhiều mảng tường mới gia cố tại tháp Bắc và tháp Giữa - Khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) đã xuất hiện rêu mốc nặng nề chỉ sau 6 tháng dự án bảo tồn kết thúc. Việc xác định nguyên nhân, tìm giải pháp xử lý đang được các bên liên quan khẩn trương tiến hành.
Nền tháp ẩm ướt
Được triển khai tháng 10/2019, Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa có tổng kinh phí 12,6 tỷ đồng (kinh phí thi công khoảng 10 tỷ đồng) do Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) thực hiện chính thức hoàn thành tháng 12/2022.
Kết quả, lối chính vào 2 tháp đã được gia cố hoàn chỉnh, nhiều mảng tường bị bong tróc, hư hại cũng đã được tu bổ. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy nửa năm dự án kết thúc, gạch tại nhiều mảng tường mới trùng tu đã bị rêu mốc và xuất hiện bột trắng bề mặt, thậm chí lan sang các mảng tường cũ của tháp.
Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ - người trực tiếp tham gia dự án trùng tu nhóm tháp Khương Mỹ khẳng định, hiện tượng xuất hiện rêu bề gạch sau trùng tu là bình thường. Tuy nhiên, tại tháp Khương Mỹ rêu mốc xuất hiện còn có nguyên nhân mạch nước ngầm dưới chân tháp vì hơi nước thoát lên dẫn đến rêu mốc phát triển.
Riêng với lớp bột trắng trên bề mặt gạch, chưa thể khẳng định là muối bởi thông thường dầu rái quét xong (chưa khô) gặp nước mưa sẽ phản ứng tạo thành lớp màng trắng trên bề mặt gạch (tháp Khương Mỹ được trùng tu bằng dầu rái).
“Mình chỉ sợ gạch bị mủn hoặc bị bung ra sau trùng tu, còn việc xuất hiện rêu là bình thường. Để hạn chế rêu tại tháp Khương Mỹ, cần cố gắng giảm độ ẩm bên dưới tháp, đồng thời lau chùi vệ sinh hoặc dùng đèn khò những chỗ bị rêu để bề mặt gạch chai sần lại sẽ không bị rêu” - ông Hỷ nói.
Theo KTS.Đặng Khánh Ngọc – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), tuy chưa thể khẳng định lớp bột trắng xuất hiện trên bề mặt gạch tháp Khương Mỹ là chất gì (cần phải qua phân tích) nhưng nhiều khả năng là muối. Bên cạnh đó, việc vị trí tháp nằm gần biển ảnh hưởng hơi muối cũng là nguyên nhân cần tính đến.
“Ngoài độ ẩm từ đất thẩm thấu ngược lên khối tường gạch thì độ ẩm do nước mưa từ trên mái thấm xuống, tích tụ trong lòng khối xây tường cũng tạo ra hiện tượng bột trắng, vì khi thoát ra ngoài mặt tường thì nước bay hơi, chất bột trắng đọng lại.
Trong thành phần bột trắng có muối sinh ra do các khoáng chất phản ứng với nước. Tuy nhiên, thành phần, hàm lượng muối trong đó bao nhiêu cần phân tích mới đánh giá được chính xác” - KTS.Đặng Khánh Ngọc lý giải.
Được biết, hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Khương Mỹ mà gần như công trình nào mới trùng tu cũng có, kể cả các đền tháp tại Mỹ Sơn. Vấn đề chỉ là nhiều hay ít, thời gian xảy ra ngắn dài khác nhau (tùy thực tế từng vị trí, từng tháp), phần lớn nguyên nhân do thấm nước, độ ẩm từ bên trong... Riêng với Khương Mỹ, một đặc điểm dễ thấy là nền đất khá ẩm và khối tường gạch dày nên không thể nào có biện pháp ngăn chặn hơi ẩm, hơi nước dưới đất thoát lên.
KTS.Đặng Khánh Ngọc cũng cho biết, đã nhiều lần đến Khương Mỹ, kể cả đi cùng các chuyên gia Ý vào khảo sát, lấy mẫu gạch, vôi, muối… về phân tích và nhận thấy hơi nước, độ ẩm ướt trong lòng tháp Khương Mỹ khá cao và gạch bị ăn mòn rất nặng.
Không thể xem thường
Nhóm tháp Chăm Khương Mỹ có 3 công trình nằm kề nhau theo trục nam bắc. Ngoài 2 tháp Bắc và tháp Giữa đã được trùng tu và đang xuất hiện hiện tượng rêu mốc thì tại tháp Nam, tình trạng khá nghiêm trọng khi hầu hết mảng tường bên trong lòng tháp bị ẩm ướt. Cuối năm 2021 UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí gần 6 tỷ đồng để tu bổ tháp Nam nhưng do vướng một số thủ tục nên đến nay vẫn chưa thể triển khai tu bổ được.
Từ hơn 10 năm trước, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng đã tiến hành tìm hiểu hiện tượng ẩm ướt tại tháp Khương Mỹ, đồng thời đưa ra nhận định dưới chân tháp Khương Mỹ có mạch nước ngầm.
Tiếp đến, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cũng đã phối hợp với Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi tỉnh khoan thăm dò làm rõ nguyên nhân. Kết quả, khi khoan xuống độ sâu 4 - 6m trên nền đất sét pha cát đã phát hiện mạch nước ngầm đi qua đế tháp.
Ngay sau khi xác định được nguyên nhân chính gây nên việc thấm nước cụm tháp, năm 2012 dự án xử lý nước ngầm cũng được triển khai nhằm giảm mực nước ngầm tầng nông chảy qua 3 kiến trúc Chăm này.
Theo KTS.Đặng Khánh Ngọc, bất kỳ loại gạch nào cũng phát sinh hiện tượng rêu và bột trắng bề mặt nên đòi hỏi giải pháp trùng tu cần triệt để và quản lý chặt chẽ ngay từ đầu. Cụ thể, vật liệu tham gia vào quá trình thi công tháp Chăm phải được kiểm soát, xử lý triệt để, từ gạch, đất làm gạch, nhiệt độ nung gạch đến vôi sử dụng trong vữa…
Hiện tượng rêu, mốc, muối hóa bề mặt xảy ra sau trùng tu tại tháp Khương Mỹ không thể nói là bình thường được, hậu quả lâu dài là có thể phá hoại bề mặt gạch, làm mủn gạch.
Thông thường, để trùng tu tháp Chăm, bên cạnh chủ động kiểm soát chặt chẽ vật liệu gạch, chất kết dính, vôi sử dụng trong vữa thì cần tìm giải pháp xử lý từ khi chuẩn bị vật liệu tu bổ, loại trừ yếu tố có thể phát sinh như rêu, tảo, nấm, vi sinh, muối... Đặc biệt có giải pháp bảo quản, bảo dưỡng định kỳ sau tu bổ, ngăn chặn sự phát sinh các tác nhân.
KTS.Đặng Khánh Ngọc cho biết, hiện tại viện đang nghiên cứu phát triển quy trình phối hợp hiệu quả các giải pháp bảo quản xử lý 3 loại hư hại (chống rêu, chống muối hoặc bảo quản bề mặt) xảy ra trên gạch xây tu bổ.
Những ngày qua, Viện Khoa học công nghệ cũng đã vào khảo sát, lấy mẫu gạch mới trùng tu và gạch gốc tại tháp Khương Mỹ mang về nghiên cứu phân tích. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này từ chối giải thích nguyên nhân xuất hiện tình trạng rêu mốc cũng như giải pháp khắc phục, chỉ cam kết sẽ công bố rộng rãi khi có kết quả phân tích mẫu gạch nghiên cứu.
Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, dự án tu bổ tháp Bắc và tháp Giữa đã được nghiệm thu vào tháng 12/2022 và còn trong thời gian bảo hành 1 năm. Do đó, những vấn đề phát sinh sau trùng tu sẽ được đơn vị thi công xử lý và công bố dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học cụ thể.