Sống động sắc màu Bh'noong
Được nâng tầm thành một sự kiện văn hóa quy mô, thu hút hàng trăm diễn viên quần chúng, nghệ nhân từ các xã, thị trấn trên địa bàn, Ngày hội văn hóa truyền thống người Bh’noong huyện Phước Sơn năm 2023 trở thành không gian lễ hội độc đáo...
>> Độc đáo nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Bh’noong
>> Khai hội văn hóa truyền thống người Bh’noong huyện Phước Sơn
>> Trai gái Bh’noong diễu hành khuấy động phố núi Khâm Đức
Rạng rỡ những mặt người
Ngày hội văn hoá truyền thống người Bh’noong năm 2023 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 đến ngày 14/5 tại sân vận động, nhà thi đấu đa năng và khu bảo tồn văn hoá Bh’noong huyện Phước Sơn. Hàng trăm diễn viên, nghệ nhân đến từ 12 xã, thị trấn đã đến tham dự ngày hội với nhiều hoạt động đặc sắc như tái hiện các nghi thức truyền thống, trò chơi dân gian, trình diễn ẩm thực, điêu khắc, quảng bá sản vật địa phương, diễu hành đường phố...
Tiếng cồng chiêng vang vọng khắp phố núi Khâm Đức. Từ chiều 12/5, thị trấn Khâm Đức “vào hội” với đoàn diễu hành là những diễn viên không chuyên của các địa phương toàn huyện. Trong rực rỡ sắc màu, đoàn diễu hành đánh trống chiêng, những bước chân nhịp nhàng theo điệu múa truyền thống đi khắp các tuyến đường chính của thị trấn.
Du khách lẫn người dân phố núi lần đầu tiên được đắm mình trong không khí lễ hội, những tiếng reo hò cổ vũ vang dậy, phố núi có vẻ như lần đầu tiên được đắm chìm trong một lễ hội thực sự của cộng đồng.
Khá ấn tượng khi được hòa mình vào không khí rộn ràng ngày khai hội, anh Lê Quang Hà, một du khách cho hay rất thích thú khi biết những “diễn viên” tham gia diễu hành đều là đồng bào Bh’noong bản địa.
“Âm nhạc và vũ điệu hòa quyện, rất độc đáo. Vừa có sự mạnh mẽ, hùng tráng của núi rừng, nhưng vẫn cuốn hút và hấp dẫn. Các thiếu nữ Bh’noong diện trang phục truyền thống rất đẹp. Tôi đặc biệt ấn tượng với những em nhỏ tham gia diễu hành. Các em tuy còn rất nhỏ nhưng đã rất thuần thục những điệu múa. Rất thú vị” - anh Hà nói.
Dù lễ khai mạc phải dời lại sáng 13/5 do ảnh hưởng của thời tiết, nhưng không vì thế mà sức hút của ngày hội thuyên giảm. Rất đông người dân các xã, từ vùng cao Phước Lộc, Phước Thành đến những xã vùng thấp như Phước Hòa, Phước Xuân tề tựu về sân vận động huyện để tham dự lễ khai mạc. Phố núi tấp nập người.
Những tiết mục mở màn cho thấy sự đầu tư công phu, bài bản của các đơn vị về tham dự ngày hội. Nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện, cho thấy truyền thống văn hóa lâu đời của đồng bào Bh’noong, quan niệm tâm linh, đời sống sinh hoạt, sản xuất...
Ông Nguyễn Quốc Kỷ - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Phước Sơn nói, ngày hội được nâng tầm về quy mô, các nội dung hoạt động, nhằm tạo ra một không gian giao lưu cho các xã trên địa bàn. Đồng thời, quảng bá những nét độc đáo của văn hóa Bh’noong cho người dân lẫn du khách gần xa.
“Trước hết, đây là sự kiện văn hóa phục vụ cho người dân các xã trên địa bàn huyện. Các địa phương đã chuẩn bị công phu, tham vấn ý kiến già làng, xây dựng các tiết mục trình diễn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, chú trọng tính độc đáo trong văn hóa truyền thống.
Mỗi xã đều cố gắng đem về ngày hội những nghi thức trình diễn độc đáo nhất, song vẫn bám sát các giá trị mang tính bản sắc của dân tộc Bh’noong. Chúng tôi cũng đã tổ chức thêm những trò chơi dân gian, chương trình ẩm thực, giới thiệu sản vật đặc trưng của từng xã, tạo sức thu hút cho ngày hội lần này” - ông Kỷ chia sẻ.
Tái hiện nhiều nghi thức
Múa hát cồng chiêng là hoạt động văn hóa lâu đời của đồng bào vùng cao, song với mỗi dân tộc, việc trình diễn vẫn có những bản sắc riêng. Đối với người Bh’noong - Giẻ Triêng ở Phước Sơn, cồng chiêng gồm 3 loại hình khác nhau: bộ cồng chiêng 12 chiếc, bộ chiêng 6 chiếc, bộ chiêng 4 chiếc.
Cả 3 loại cồng chiêng đều được sử dụng trong các nghi lễ, là biểu hiện của tín ngưỡng, phương tiện giao tiếp với thần linh. Cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; lễ cúng làng, lễ đâm trâu..., như chất kết dính cho nhiều thế hệ.
Theo quan niệm của đồng bào, đằng sau cồng chiêng ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Vào các ngày hội của làng, không thể thiếu cồng chiêng và những điệu múa của các chàng trai cô gái, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi.
Tiếng cồng chiêng Bh’noong không chỉ hàm nghĩa là âm thanh của nghệ sĩ mà còn ẩn chứa âm hưởng của của hồn thiêng sông núi, đánh thức sức sống cộng đồng, thôi thúc niềm tin.
Lần này, cồng chiêng được gióng lên trong mọi nghi thức của đồng bào Bh’noong trong ngày hội lớn. Đàn ông Bh’noong khoe thân hình cường tráng, cầm giáo, khiêng với các điệu nhảy mạnh mẽ, cầu cho các chuyến săn bắn có thành quả, cầu mong có sức khỏe để có thể chăm lo, gánh vác công việc nặng nhọc của gia đình. Con gái Bh’noong khoe mái tóc dài, trang sức lộng lẫy, váy xinh, áo đẹp với các điệu múa sàn gạo, tỉa lúa, may vá... cầu cho mùa vụ tốt tươi, gieo hái được nhiều rau, quả...
Cùng với múa hát cồng chiêng, các địa phương dày công nghiên cứu, tìm hiểu những phong tục, nghi lễ, tham vấn ý kiến già làng để xây dựng các tiết mục tham dự ngày hội.
[VIDEO] - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn chia sẻ về ngày hội:
Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc nói: “Để có thể tái hiện đầy đủ nhất nghi thức này, chúng tôi đã mời những già làng, người có hiểu biết về văn hóa Bh’noong góp ý, từ đó chuẩn bị trang phục, các thức vật phục vụ lễ cúng, quy trình diễn ra lễ cúng.
Tất nhiên, trong bối cảnh trình diễn, không thể chuẩn bị không gian đúng với lễ cúng nguyên gốc, nhưng chúng tôi đã cố gắng chuẩn bị tốt nhất để mọi người dân, du khách có thể hình dung nghi thức cúng lúa trăm truyền thống của người Bh’noong”.
Giao lưu và tiếp nối
Với chủ đề: “Sắc màu văn hóa Bh’noong - Điểm hẹn mới”, chính quyền Phước Sơn kỳ vọng người dân, du khách đến tham dự ngày hội sẽ được thưởng thức và chìm đắm vào một không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống.
Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, các hoạt động ngày hội hướng tới mục tiêu chung là gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa độc đáo của người Bh’noong, hình thành một sản phẩm văn hóa gắn với phát triển du lịch của địa phương. Ngày hội còn là điểm nhấn trong hành trình văn hóa truyền thống, nhớ về cội nguồn, xây dựng “thương hiệu văn hóa” của huyện Phước Sơn.
“Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Bh’noong gắn với phát triển du lịch, những năm qua, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Ngày hội là nơi hội tụ các loại hình văn hóa truyền thống người Bh’noong, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào, thể hiện sự gắn kết cộng đồng.
Bản sắc văn hóa trong ngày hội được duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng dân tộc tại địa phương.
Tất nhiên, đây là bước khởi đầu, từ những tín hiệu tích cực mà ngày hội mang lại, chúng tôi sẽ có tiền đề để xây dựng và nâng tầm quy mô, trở thành sự kiện văn hóa thường niên, xúc tiến cho câu chuyện thu hút đầu tư về du lịch trên nền tảng vốn quý văn hóa của địa phương” - ông Đỗ Hoài Xoan chia sẻ.