Tiếng gọi từ đại ngàn
(VHQN) - Nhạc sĩ Phan Văn Minh - kể từ ca khúc “Cô gái trên buôn” viết năm 1976 - để lại ấn tượng sâu sắc với người nghe, người hát một thời… cho đến hiện tại có thể khẳng định là một trong những nhạc sĩ viết nhiều nhất, đều tay nhất và cũng chất lượng nhất ở mảng đề tài miền núi xứ Quảng.
Từng là người thầy cắm bản vùng Trà My những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, Phan Văn Minh đã được sống với hơi thở núi rừng và trái tim anh kịp thổn thức với những yêu thương, thấu cảm bằng sự ngân rung ngọt ngào của giai điệu âm nhạc…
Từ duyên gieo chữ vùng cao
Năm 1976, nhạc sĩ Phan Văn Minh làm cuộc ngược ngàn lên vùng Trà My dạy học. Đó là những năm tháng vô cùng gian khó đối với cả thầy và trò, sự học gập ghềnh như những con đường bàn chân anh đi qua.
Bối cảnh ấy khiến cảm xúc người nhạc sĩ tuôn trào, anh để lòng mình thổn thức với những yêu thương, trăn trở và khát khao… bằng nhiều ca khúc viết nhanh trong giờ lên lớp, lúc bó gối nhìn mưa trắng cả núi rừng và cả những khi cùng trò lên rẫy. Mười bài hát ra đời trong giai đoạn từ năm 1976 - 1979 là sự dồn nén yêu thương, cũng chính là khởi đầu cho mạch nguồn cảm xúc viết về miền núi xứ Quảng của anh sau này.
Nhạc sĩ Phan Văn Minh bảo, cho đến tận bây giờ, khi lần giở lại những bản nhạc viết tay ngày ấy như “Cô giáo trên buôn”, “Thương người lên rẫy”, “Tiếng đàn trên sườn núi”… trong anh luôn hiện lên bóng dáng của những cô giáo từ thị trấn Trà My tỏa ra đi về phía những bản làng heo hút hay những đôi mắt trong veo, ngơ ngác nhìn con chữ của học trò.
Ngay từ những ngày tháng sơ khai với con đường âm nhạc ấy, Phan Văn Minh đã xác định một điều: “Khi viết về một vùng đất nào đó, mà đặc biệt là miền núi, người nhạc sĩ cần làm bật lên tâm thức truyền đời từng tồn tại, lặng sâu vào ký ức các thế hệ ở đó. Làm sao để ca khúc gợi lên được điều gì đằng sau những tên đất, tên làng, sự kiện… để người nghe có thể đồng cảm, có thể bắt gặp mình trong từng lời ca, giai điệu âm nhạc”.
Bằng tâm thế ấy, gần 50 năm sau, khi trở lại vùng đất Trà My, Phan Văn Minh đã để lòng mình trôi theo cảm xúc phấn chấn trước bao đổi thay của núi rừng, của cuộc sống người Xê Đăng, Ca Dong dưới chân đỉnh Ngọc Linh.
Ca khúc “Mùa xuân Ngọc Linh” đẹp trong giai điệu âm nhạc, tươi tắn trong lời ca mà đặc biệt là thoáng nhớ nhung, hoài niệm về một thời gian khó vượt rừng đi gieo chữ: “Trên Ngọc Linh, ngàn dòng suối rì rào/ Trên Kiếp Cang, còn tiếng vọng gió hú/ Đêm Tắc Pỏ chờ trên đỉnh núi cao/ Chờ bên khe suối sâu/ Bàn chân anh thấy đau…”.
Cảm xúc non ngàn vẹn nguyên
Nhà thơ Phùng Tấn Đông cho rằng: “Phan Văn Minh có một tâm cảm hiện đại, gắn bó với nhịp đập của đời sống nơi anh đã đến và đi qua bằng cái nhìn của người trẻ, bằng sự rung động chân thành. Điều này thể hiện thông qua những lời ca giàu tính văn học và âm nhạc, để kể một câu chuyện đằng sau mỗi cánh rừng, mỗi mái gươl làng, mỗi tộc người dọc dài Trường Sơn xanh thẳm của xứ Quảng”.
Quả vậy, người yêu nhạc có thể cảm nhận được tình yêu đất và người miền núi của Phan Văn Minh qua từng câu hát trong những “Ngọc Linh mùa xuân”, “Babook với Alang Mênh”, “Rừng gọi A Sơn Dun”, “Nhịp điệu Tây Giang” hay “Tiếng gọi đại ngàn”...
Nếu không yêu, không thấm thía vẻ đẹp non ngàn và không cảm được cái tình chân chất đôn hậu của người miền rừng thì anh sẽ khó có thể viết được những ca từ vừa đẹp lại vừa ủ ấp hương sắc núi rừng: “Từ La-ê La-dê ai xuôi về Ta Bhing bên sông Thanh/ Từ Đăk Pre Đăk Pring ai xuôi đường Trường Sơn chênh vênh non xanh/ Rượu tà vạt đêm Chà Vàl lung linh lung linh môi em huyền thoại/ Tâng tung tâng tung da dá chấp chới ánh lửa trần đôi tay thon...” trong “Tiếng gọi đại ngàn”.
Anh như mời gọi người nghe về miền Phước Sơn với núi, với thác reo đẹp như mái tóc nàng tiên trong “Rừng gọi A Sơn Dun” đầy hào sảng: “Trên Bốc-cơ-lê-Giang, mặt trời lên, mây vừa tan lưng đồi/ Nghiêng bờ vai, buông mái tóc rừng dài, gió bát ngát, hát mãi khúc huyền thoại/ Cùng ngàn xuôi với núi rừng Phước Sơn…”.
Đây có thể nói là những sáng tác rất thành công của nhạc sĩ Phan Văn Minh. Sự thành công không dừng lại ở việc vận dụng rất sáng tạo, tinh tế chất liệu âm nhạc miền núi mà còn ở tâm cảm anh mang lại cho người nghe. Nhạc sĩ Phan Văn Minh bảo: “Mỗi lần có dịp trở lại miền núi Quảng Nam tôi luôn thấy có gì đó mới lạ hơn, thôi thúc cảm xúc tôi trải lòng ra với núi rừng, với đời sống đồng bào các dân tộc nơi đó…”.
Có lẽ, nhạc sĩ Phan Văn Minh đã để lòng mình thổn thức cùng với núi, với ánh lửa bập bùng trong đêm hội bên nhà rông và bảng lảng mây bay như mái tóc rừng dài… nên cứ mỗi lần anh ngược Trường Sơn chênh vênh, qua Đăk Pre, Đăk Pring... rồi xuôi về bên sông Thanh lại nghe lòng mình rạo rực, nhạc khúc trái tim ngân rung lan tỏa với đại ngàn.