Ngồi hát ca bềnh bồng
(VHQN) - Những “nghệ sĩ” của rừng. Họ hát ca trong cuộc say, trong những lễ hội, lời hát như dâng trời, dâng đất, hát chỉ để vui và không khi nào lặp lại. Như cơn gió rong chơi qua các bản làng, có rất nhiều người trong số họ đã sống cuộc đời nghệ sĩ lang thang, ghé lại những cuộc vui và trình diễn cho làng thứ âm nhạc mê đắm và hào sảng của chính mình...
Đêm mù sương trong thung lũng sâu. Lũ làng đã tề tựu khắp gươl, rượu cần được mang xuống. Người ta vít cong ống tre nhỏ cắm sâu vào hũ rượu, nhấm một hơi rượu dài. Tiếng nói cười chợt lặng đi: già làng Clâu Blao bắt đầu hát.
Họ hát bằng tất cả niềm say mê, bằng thứ tình yêu vọng lên từ thẳm sâu bên trong con người mình. Hát là sống. Sống với những cuộc vui, sống với lũ làng, sống vì ngày hôm nay.
Tôi có nhiều dịp gặp vị già làng khả kính ấy ở núi rừng vùng cao khu 7. Ông không chỉ là một “kho tàng sống” về văn hóa của đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang, mà còn là nghệ sĩ chính hiệu của vùng cao với rất nhiều tài năng: bậc thầy điêu khắc, làm áo vỏ cây, chế tác và chơi thành thạo rất nhiều nhạc cụ.
Một lần nọ, tôi ghé lại thăm ông trong căn nhà nhỏ ở làng Voòng (xã Tr’Hy, Tây Giang). Đang cuộc rượu, ông đột ngột dừng lại, bước đến gian thờ, lấy xuống cây đàn Abel. Cây đàn chỉ có 2 dây, bắt đầu ngân lên giữa căn nhà sàn.
Ông hát về con đường muối, về ký ức của đại ngàn đã găm sâu trong trí nhớ của bao người ở khu 7. Rồi ông hát về chuyện tình của chính mình những năm tháng đạn bom, bước qua ranh giới sinh tử bao bận để trở về, neo đời mình trong căn nhà sàn chênh vênh dốc núi.
Hát mà như kể, như tự sự, như những hồi ức tuôn chảy theo cảm xúc của chính mình. Đàn abel réo rắt. Tiếng đàn ấy đã theo ông từ lúc tuổi đôi mươi, đã bầu bạn những đêm một mình giữa rừng...
Đêm ấy, ở nhà làng, già Blao lại hát. Lần này, ông hát để cho lớp trẻ nghe về chuyện làng, chuyện núi, về tập tục giữ rừng, về sự tôn thờ thần rừng và tình yêu của người làng với từng con suối, cánh rẫy. Không một bài hát nào lặp lại.
Như hiện thân của lửa, của mái nhà gươl, của những điều thâm sâu thuộc về thế giới tâm linh nào đó, ông hát để gửi gắm những suy tư với thời cuộc, bảo ban cháu con gìn giữ những nếp sống tốt đẹp của đồng bào mình.
Một lần khác trong chuyến ngược núi, tôi đã gặp ông, say sưa với cây dùi đục để tạo hình một cây đàn bầu. Cây đàn bầu kỳ lạ, hình như là bản duy nhất tồn tại ở núi rừng này, thân cây đàn được tạc hình một con kỳ đà.
Ông nói, đàn bầu từng xuất hiện ở rừng Tây Giang khi cán bộ miền Bắc đi đánh Mỹ, mang qua làng và chơi nhạc. Chỉ nhìn một lần, mà ông đã tự mày mò, tự làm và chơi được thứ nhạc cụ ấy.
“Ngày xưa, đàn bầu chỉ được làm bằng thân cây lồ ô, tre gai hoặc đóng hộp gỗ, chứ không ai làm bằng thân gỗ như già. Đàn bầu gỗ hình động vật chỉ có mỗi mình già thôi!” - già Blao chia sẻ.
Đêm sương lạnh buốt. Người làng chêm thêm lửa vào bếp gươl, tiếng nổ tí tách trong ánh lửa bập bùng. Chếnh choáng trong hơi men rượu cần, những người già thay nhau hát.
Ở vùng cao, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết, rất nhiều người có thể bất ngờ chuyền tay nhau một loại nhạc cụ và mê mải hát. Những nghệ sĩ của rừng. Họ hát như một niềm vui say, cứ tiếp nối nhau mặc sương giăng kín ngoài trời đêm, mặc cho gió núi mưa rừng. Như thể, không gì có thể cản ngăn những lời hát bật ra từ sâu kín tâm hồn của họ.
Tôi đi nhiều nơi, gặp rất nhiều nghệ sĩ rừng tài hoa như thế. Mà đâu đó ít phút trước thôi, họ mới vừa lầm lụi trở về từ cánh rẫy, cây rựa lắc lư trong chiếc tà léc theo từng nhịp chân. Cứ có cảm giác, mọi bước đi, mọi hành động của họ, đều có một nhịp phách nào đó. Đêm nào cũng có thể là đêm hội. Hoan ca và vui say. Như suối chảy, như tiếng gió reo, mọi thứ cứ mặc nhiên tuôn ra, dâng tặng cho lũ làng.
Trong cuộc vui đó, họ hát như đối thoại với chính mình, với thế giới của những suy tư riêng cho mỗi người. Cả một đời sống hiện hữu trong những lời hát, mở ra thế giới của tự do. Tự do như những bước chân trần băng qua bao cánh rừng, bao con suối...
Núi rừng vang câu hát. Ai đó nói vui, rằng người miền núi “luyện thanh” bằng những tiếng hú gọi, nên giọng ai cũng khỏe, vang và xa. Nhưng hình như họ không chỉ hát bằng thanh âm. Họ hát bằng tất cả niềm say mê, bằng thứ tình yêu vọng lên từ thẳm sâu bên trong con người mình.
Hát là sống. Sống với những cuộc vui, sống với lũ làng, sống vì ngày hôm nay. Đó cũng là thứ minh triết huyền nhiệm vốn chỉ tồn tại ở những bản làng nơi đại ngàn. Biết đủ là đủ, muốn vui thì vui.
Gian khó đã qua đâu, nhưng trong những cuộc hát tưởng như buông tuồng kia, họ quên đi những nhọc nhằn đời sống, để hoan ca sẻ chia vị ngọt rượu cần, ngồi bên lửa, nói chuyện với lũ làng, với thần linh và với cả chính mình. Đối thoại, hay độc thoại không còn quan trọng nữa. Như một nhu cầu tự thân, một đặc ân để có thể sống trong đời sống còn quá nhiều khắc nghiệt.
Họ hát, là họ đang sống!