Điệu ru con xứ Quảng

PHÙNG TẤN ĐÔNG 09/05/2023 07:31

(VHQN) - Có lẽ điệu ru con xứ Quảng bên cạnh là sản phẩm đặc hữu của người dân vùng đất Quảng Nam, suy cho cùng về mặt cá nhân còn là những cảm nhận tùy vào kho ký ức mỗi người khi nghe người bà, người mẹ, người chị, người cha… hát từ thủa nằm nôi.

Trẻ ngon giấc với lời hát ru của bà. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trẻ ngon giấc với lời hát ru của bà. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hát ru hay bài hát ru chỉ là thể loại nhỏ nhưng hết sức quan trọng trong thanh nhạc với lời ca êm ái, nhẹ nhàng, “nhịp phân ba đơn hoặc phức (3/4 hoặc 6/8) và về giọng đa số các bài hát ru đơn giản, thường chỉ luân phiên hòa âm âm chủ và hòa âm âm át” để đạt mục đích đưa trẻ vào giấc ngủ.

Hát ru thường bắt đầu bằng âm điệu ngâm ngợi, lặp lại “à ơi, ầu ơ, bồng bang, hò hơ…”, tiết tấu chậm, dàn trải mà ca từ thường lấy từ đồng dao, ca dao, dân ca… nên luôn đậm tình xứ sở, tình người.

Người con Quảng Nam nào khi vừa mới khởi sự vòng đời người mà lại không nghe những bà mẹ Quảng hát lên niềm tự hào về quê xứ có “núi cao, sông dài, biển rộng” và nỗi khao khát “vật thịnh, nhân khang”. 

Bà cháu. Ảnh: L.T.K
Bà cháu. Ảnh: L.T.K

À ơi, chứ đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm
Rượu hồng đào chưa nhắm đà say
Chứ bạn về nằm nghĩ gác tay
Hỏi nơi mô ơn trượng, mà nghĩa mô dày cho bằng ta...?
(câu hát ru này với hàng chục dị bản, bản nào cũng hay, cũng đầy ý nghĩa).

Bà mẹ Quảng Nam ngày xưa vốn yêu con và thấm thía với câu “con hư tại mẹ” trong xã hội nam quyền nên luôn đau đáu nỗi lo “con dại cái mang”.

“À ơi chứ trồng trầu mà thả lộn dây tiêu
Chứ con đi đò dọc mẹ liều con hư…”.

Câu này còn có dị bản “con theo hát bội mẹ chiều con hư”. Ngày xưa trai gái đi đò dọc tuyến Hội An lên nguồn Thu Bồn hay Hội An - Cửa Lở trên sông Trường Giang đều dễ sinh chuyện “gái trai” hay việc con gái theo ca xướng hát hò đều dễ sinh “hư”.

Nhưng lo thời lo vậy, câu hát ru cũng dạy con yêu cái đẹp, những tấm lòng nhân hậu, hiếu nghĩa.

“À ơi... mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đàu/đào mẹ coi”.

Hay:

“À ơi... mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ
Mẹ ơi đừng đánh con khờ
Để con ra bụi con mò mụt măng”.

Video: Hát ru Quảng Nam - Trình bày: Thúy Hồng

Hát ru Quảng Nam luôn ca ngợi tình yêu quê hương xứ sở với cảnh lịch, người thanh, sản vật phong nhiêu, tình người nhân hậu.

“Ầu ơ... chứ cây đa mô cao bằng cây đa Bàng Lãnh
Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An
Chứ chỗ mô vui bằng chỗ Phố chỗ Hàn
Dưới sông tàu chạy, trên đàng ngựa đua”...

Hay

“Bồng em mà bỏ vô nôi
Để mẹ đi chợ, mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, Chợ Cầu
Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An
Hội An bán gấm bán điều
Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành”.

Quê hương dâu tằm, “nông tang luân vụ” nên câu hát ru nặng nghĩa, nặng tình.

“Ru em buồn ngủ buồn nghê
Con tằm chín đỏ, con dê chín muồi
Con tằm để lại mà nuôi
Con dê chín muồi làm thịt mà ăn”.

Nhiều nhất trong các bài hát ru là những bài ca ngợi lòng trung, chữ hiếu, lẽ sống nhân nghĩa thủy chung ở đời.

“À ơi... ngó lên trên trời thấy cặp cu đang đá
Ngó về dưới biển thấy cặp cá đang đua
Biểu anh về lập miễu thờ vua
Lập lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha
Chữ trung, chữ hiếu, chữ hòa
Em đố anh ba chữ thờ cha chữ nào?
À ơi... chữ trung anh để thờ cha
Chữ hiếu thờ mẹ, chữ hòa thờ em”.

Câu hát ru Quảng Nam nói nhiều về những cảnh huống ngang trái của gia đình như cảnh người chồng mất vợ, một mình ru con đang khát sữa.

“ …Đêm cha nằm nước mắt láng lai
Tay cha ru miệng cha hát ầu ơ năm canh trường
Ngó con lăn khóc trên giường
Con ơi không biết nghĩ mà thương cha rày
Cha ru con mòn mỏi hai tay
Hay là con nhớ mẹ đêm ngày con khóc luôn
Cha ru con vừa hát vừa hun
Thấy con đứt ruột lệ cha tuôn hai hàng
Ngó vô trong cảnh gia đàng
Nhơn sầu, cảnh lụy, cây tàn lá khô…”.

Lời ru cũng hờn trách những người “bán vợ đợ con”:

“À ơi bồng em mà bỏ xuống gành
Nhổ neo mà chạy sao đành chú lái ơi…”.

Câu hát ru của bà mẹ Quảng Nam, cũng như bao bà mẹ Việt “sữa ru phần xác, hát ru phần hồn” (Nguyễn Duy) đúng như câu thơ của một người con ở vùng hạ lưu nơi Thu Bồn gặp biển viết về lời ru của mẹ…

Cửa Đại ơi, nơi tiếng sóng ru nôi, ầu ơ tiếng mẹ, những nhánh sông đầy như đôi cánh tay ôm, điệu hò khoan trên sông gọi đôi bờ tình tự, nơi trăng nước Thu Bồn gặp gỡ Trường Giang…”.

PHÙNG TẤN ĐÔNG